Người đời có nhiều lời khuyên về bài học cuộc sống, cách đối nhân xử thế. Có người nói phải tử tế và khoan dung với người khác để nhận được sự tôn trọng. Có người nói phải chân thành và cởi mở với bạn bè để có những người bạn tốt. Có người nói phải rộng lượng và cho đi nhiều hơn để được giúp đỡ khi cần.
Những tuyên bố này không sai. Nhưng đều không nhắc đến một tiền đề, đó là đối phương phải là người đáng để giao du, đáng được đối xử tốt.
Khi gặp một người ích kỷ, bạn càng bao dung thì họ càng lợi dụng; khi gặp một người kiêu ngạo, bạn có chân thành đến đâu cũng không được trân trọng; khi gặp một người chỉ biết lợi dụng người khác, dù bạn có hào phóng đến đâu thì họ cũng không biết ơn.
Mọi mối quan hệ đều đòi hỏi sự nỗ lực từ 2 phía. Nỗ lực của bản thân quan trọng nhưng tính cách và hành động của đối phương cũng có ảnh hưởng rất lớn. Ở tuổi trung niên, có lẽ bạn đã có đủ trải nghiệm để nhận thức được điều này.
Tuy nhiên trong chúng ta luôn có có nhiều người trung thực, tốt bụng và không biết cách từ chối người khác. Chỉ khi rơi vào cảnh khó khăn như thất nghiệp, vỡ nợ,... ở tuổi trung niên, họ mới nhận ra có những kiểu người ngay từ đầu đã phải tránh xa để bảo vệ bản thân.
Đó là những người có năng lượng tiêu cực, luôn bi quan. Họ không muốn học cách thay đổi bản thân mà chỉ thích đắm chìm vào những “kịch bản” tệ nhất, liên tục than thân trách phận và phàn nàn về cuộc sống quá bất công. Kiểu người này dễ ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của những người xung quanh, khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn.
Thử nghĩ xem bạn đang âm thầm chịu đựng và cố gắng vượt qua thời gian khó khăn, bạn bè đã không đỡ đần được lại còn nhân đôi mệt mỏi thì liệu có ổn?
Tôi có một người bạn mà cuộc sống của cô ấy khá gập ghềnh. Cô đã ly hôn và có một đứa con. Cũng trong năm đó, mẹ cô ấy qua đời và bản thân cô bị sa thải. Tất cả những điều này khiến cô có suy nghĩ tiêu cực, tuyệt vọng về cuộc sống.
Mỗi lần gặp gỡ bạn bè, cô ấy đều phàn nàn về cuộc đời khốn khổ hoặc càu nhàu rằng không ai hiểu mình. Bất kể tôi có khuyên bảo và thuyết phục thế nào, cô ấy vẫn không muốn đối mặt với hoàn cảnh, thay đổi bản thân.
Có thời điểm, cuộc sống của tôi cũng trắc trở vì thất nghiệp nhưng cô ấy vẫn nói rằng tôi may mắn khi có gia đình hạnh phúc, chồng con “chống lưng”. Dần dà, tôi không thể tiếp chuyện được với cô ấy, viện cớ mình bận để né tránh những cuộc gặp gỡ, chat chit.
Tôi từng đọc được một câu thế này: “Những gì người khác nói và làm với bạn không bao giờ có thể quyết định bạn là người thế nào. Những gì bạn nói và làm với người khác mới quyết định bạn là ai”.
(Ảnh minh họa)
Vì vậy bạn phải giữ khoảng cách với những người có năng lượng tiêu cực, nhất là khi bản thân cũng đang gặp khó khăn. Chỉ khi không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc đó, bạn mới có thể duy trì thái độ lạc quan, xử lý vấn đề của mình một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, bạn cũng nên giao lưu với những người có năng lượng tích cực để tạo ra môi trường sống tích cực cho mình.
Trên MXH, từng có một topic rất nổi tiếng về trải nghiệm khi giao tiếp với đồng nghiệp gian xảo.
Một cư dân mạng kể rằng anh ta có một đồng nghiệp gian xảo và “khôn lỏi” trong công việc, chỉ lăm le đẩy nhiệm vụ của mình đi. Nếu chẳng may có sự cố và gây ra hậu quả, người đồng nghiệp này cũng sẽ đổ lỗi cho người khác, luồn lách để bản thân không phải chịu trách nhiệm. Chính sự xấu tính này đã khiến một vài người khác bị sa thải trong ấm ức.
Khi vấn đề bị phát hiện, người đồng nghiệp kia không những không cảm thấy tội lỗi mà còn trơ tráo nói rằng đây là cách để sinh tồn chốn công sở, những người khác quá ngu ngốc và ngây thơ nên mới không thể thích nghi. Đó là những người hợp lý hóa hành vi vô liêm sỉ, bóp méo các giá trị sống.
Nhà văn người Pháp Voltaire từng nói: “Khi một trận tuyết lở xảy ra, không có bông tuyết nào là vô tội”. Trong một môi trường, nếu những người hợp lý hóa sự vô liêm sỉ của mình mà không bị chỉ trích, khuynh hướng xấu xa của họ sẽ dần lan rộng. Họ không có chuẩn mực đạo đức, làm mọi cách để đàn được mục tiêu và biện minh cho hành động sai trái của mình.
Nếu vướng vào người đồng nghiệp như thế, bạn sẽ rơi vào một vũng bùn lầy. Họ sẽ dùng logic méo mó của mình để thao túng nhận thức của bạn, khiến bạn kiệt sức. Tệ hơn, nếu ở quá gần, bạn có thể trở thành mục tiêu toan tính của họ lúc nào không hay.
Dù đồng nghiệp gian xảo thường giỏi ngụy trang, khó mà biết lời họ nói là thật hay giả nhưng bạn phải luôn cảnh giác. Như nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) đã nói: “Im lặng là đỉnh cao của sự khinh bỉ”. Cách tốt nhất để đối phó với những người như vậy là tránh xa và không cho họ bất kỳ cơ hội nào để ảnh hưởng đến bạn.
(Ảnh minh họa)
Hãy cẩn thận với cấp dưới suốt ngày chỉ biết nịnh hót hoặc khen ngợi bởi họ thường có động cơ thầm kín. Khi bạn sa cơ lỡ vận, bộ mặt của họ sẽ được phơi bày.
Lưu Quang là một người xuất thân từ gia đình giàu có. Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, gia đình anh ta đã mở công ty cho con trai quản lý. Những năm đầu tiên, Lưu Quang làm việc chăm chỉ, công ty kinh doanh phát đạt khiến anh ta trở nên kiêu ngạo, đặc biệt thích nghe lời nịnh hót của nhân viên. Cuối cùng Lưu Quang bị những kẻ đó lợi dụng, gây ra tổn thất đáng kể, không chỉ cho công ty mà còn cho bản thân và gia đình. Tất cả những điều này đều do anh ta quá tin lời nịnh bợ của cấp dưới.
Khi đến tuổi trung niên, hầu hết mọi người đều đạt đến vị trí quản lý cấp trung trở lên. Lúc này bạn phải cẩn thận với những lời khen của cấp dưới, nếu không chúng sẽ như quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Tốt nhất là luôn cảnh giác để không rơi vào cái bẫy dễ nghe đó và đừng quên rằng cấp dưới thực sự chăm chỉ sẽ không có thời gian để nịnh bợ sếp.
Những kẻ nịnh hót thường quen với việc “gió chiều nào theo chiều đấy”, không có chính kiến mà thay đổi theo thái độ và biểu hiện của cấp trên. Bất kể sếp nói đúng hay sai, hợp lý hay vô lý, họ đều nói rằng đó là điều tốt đẹp, đúng đắn và hợp lý. Nhưng mọi điều họ nói và mọi thứ họ làm đều có mục đích. Đừng vội tin tưởng vì cấp dưới nịnh bợ như vậy chỉ đang cố gắng lấy lòng bạn vì lợi ích cá nhân.
Nhìn chung, cuộc sống này quá ngắn ngủi, chúng ta nên dành thời gian và năng lượng cho những người đáng để tương tác, nhất là khi đã bước vào tuổi trung niên - nửa kia của cuộc đời. Đối với ba loại người nói trên, họ còn khủng khiếp hơn cả kẻ xấu ở ngoài xã hội. Bởi vậy giữ khoảng cách với họ là cách bảo vệ tốt nhất cho bản thân, giúp bạn tránh xa những rắc rối không đáng có ở tuổi trung niên và tiến về một hướng tốt đẹp hơn.
(Nguồn: Baidu)