Dù ở thời đại nào, cuộc sống gia đình không thể duy trì ổn định và bền vững nếu không có tiền. Làm thế nào để gia đình mình trở nên giàu có, tài chính dư giả là việc mà mỗi thành viên cần phải suy nghĩ và hành động để đạt được.
Trong một gia đình tốt, mỗi người đều được phân công công việc và có nhiệm vụ rõ ràng, nhờ đó họ sẽ phát triển nhanh chóng hơn người khác. Những ngày đầu năm mới này chính là thời điểm thích hợp để làm rõ nhiệm vụ này bởi người ta có câu: “Kế hoạch một năm bắt đầu từ mùa xuân, kế hoạch một ngày bắt đầu từ buổi sáng, kế hoạch cả đời bắt đầu từ sự siêng năng, kế hoạch gia đình bắt đầu từ sự hòa thuận”.
Vì vậy nếu gia đình nào làm được những điều sau đây thì chính là dấu hiệu cho thấy họ sẽ ngày càng giàu có. Nếu không rèn giũa cho chính mình và gia đình theo nề nếp từ sớm, để mãi sau này mới nhận ra thì đã muộn.
Bố tôi là một người nông dân. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông sẽ sắp xếp lại công việc đồng áng, quyết định kế hoạch gieo trồng trong năm mới. Chẳng hạn như đất phía đông của trang trại có nhiều nắng, thích hợp trồng lúa; đất phía tây thích hợp để trồng gừng.
Từ ngày mùng 3 Tết, bố vác cuốc ra đồng đào mương dẫn vào ruộng lúa. Khi những cơn mưa mùa xuân đổ xuống sẽ dẫn nước vào ruộng, thuận tiện cho việc canh tác hơn. Phân chuồng cần được rải trong ruộng lúa từ sớm để tăng độ phì nhiêu cho đất. Bố cũng luôn có kế hoạch cho việc mua hạt giống và phân bón, luôn mua đúng và đủ cho mỗi mùa. Từ ông, tôi có thể học được cách lập kế hoạch.
Nhưng bố tôi cũng có phần hạn chế. Ông không biết thế giới bên ngoài rộng lớn đến thế nào, chỉ tập trung vào ruộng vườn của mình.
Khi tôi còn học cấp 2, bố đến trường và biết được rằng nếu đạt giải trong kỳ thi HSG tỉnh thì có thể được tuyển thẳng vào trường chuyên tốt nhất tỉnh. Từ đó cơ hội lên thành phố học đại học của tôi sẽ rộng mở hơn, không còn phải làm nông giống bố mẹ. Ông khuyến khích chúng tôi nỗ lực học tập và phấn đấu để đạt được kết quả đó.
Thực tế đây là điều rất khó, không chỉ với tôi mà với tất cả bạn bè đồng trang lứa hồi đó, cả huyện chỉ có 1 - 2 học sinh làm được. Bản thân tôi cũng không xuất sắc đến thế, chỉ có mặt trong đội tuyển thi HSG và dừng lại ở vòng tuyển chọn. Bố tôi rất buồn nhưng cũng không trách mắng gì, ông biết tôi đã cố gắng.
Khi lên thị trấn, bố tôi quan sát được rằng ở thị trấn có nhiều người làm dịch vụ nhỏ, vốn đầu tư ít nhưng vẫn có thu nhập đủ sống. Vì vậy ông bảo chị gái tôi đi học cắt tóc rồi mở cho chị 1 tiệm cắt tóc ở làng. Nhưng có sự khác biệt điều kiện sống, nhu cầu giữa thị trấn với một ngôi làng nhỏ nên dù tay nghề không tệ nhưng tiệm tóc của chị tôi không có nhiều khách, duy trì một cách cầm chừng, èo oặt rồi dẹp tiệm.
Mặc dù sự sắp xếp của bố không mang lại kết quả như mong đợi nhưng bố lại truyền cảm hứng cho chúng tôi về sự nỗ lực. “Người trẻ giống như ánh mặt trời buổi sáng và làn gió mùa xuân, mạnh mẽ lên” - ông nói.
Chính sự khuyến khích của bố, những lời động viên, khiến cho mọi người lên kế hoạch và thực hiện nó đã thay đổi cuộc đời chúng tôi tích cực hơn. Tôi vẫn lên thành phố học đại học, có công việc ổn định. Chị tôi đóng cửa tiệm tóc ở làng, đến một thị trấn xa nhà để mở tiệm, việc làm ăn cũng tốt hơn. Nhờ vậy mà cả hai đều có thể đỡ đần cho bố mẹ.
Đúng như người ta vẫn nói tầm nhìn của người cha quyết định số phận của gia đình, một người bố tốt phải là người có tầm nhìn. Đó sẽ là người lên kế hoạch trồng trọt trong năm vào mùa xuân, cũng sẽ định hướng nghề nghiệp cho con cái từ thời ấu thơ và đặt ra cho chúng những mục tiêu cao hơn để phấn đấu đạt được.
(Ảnh minh họa)
Có người từng kể về mẹ mình cùng món ăn rất ấn tượng khi bà phải nuôi cả đàn con ăn học. “Vào những ngày nắng, mẹ tôi sẽ phơi khô củ cải. Đến cuối tuần mẹ sẽ làm được 2 món là củ cải muối và củ cải rim với mỡ lợn, cho vào chai thủy tinh để chúng tôi mang đến trường. Đó chính là niềm vui của chúng tôi khi đi học”.
Có lẽ khi trưởng thành, người con đó cũng sẽ giống như mẹ, trồng trọt rau củ trong vườn nhà và cố gắng sử dụng chúng một cách tốt nhất.
Trong hầu hết các gia đình, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Cách chi tiêu tiền bạc, làm việc nhà của người phụ nữ sẽ ảnh hưởng đến tiền tiết kiệm và tài sản trong gia đình.
Khi nói về mẹ, chúng ta thường mô tả: “Mẹ tôi đã bận rộn luôn tay luôn chân suốt cả cuộc đời” . Đúng vậy, công việc của người mẹ không phải điều gì to tát nhưng nó hiện diện trong mọi khía cạnh của một gia đình, có thể dự đoán tương lai của thế hệ tiếp theo trong nhà. Nếu gia đình có người mẹ kiên trì sống giản dị thì chắc chắn tiền tích lũy được sẽ ngày càng nhiều.
Có một nhà tư tưởng nổi tiếng, mất cha từ khi còn nhỏ, mẹ ông một mình nuôi con chỉ với vài mẫu đất và ngôi nhà cũ nát. Bà cũng dệt vải để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngay cả khi đã trở thành mẹ chồng, bà vẫn đi làm với con dâu và chỉ cho cô rằng khi dùng vải gai rẻ tiền trộn lẫn với vải bông để may quần áo thì sẽ vừa ấm vừa tiết kiệm được tiền.
Trong một cuốn sách của mình, ông mô tả gia đình như sau: “Ngay cả khi đã có đủ thức ăn vẫn cần nghĩ đến cảnh nghèo khó, ngay cả khi được mọi người yêu mến và tôn trọng vẫn cần nghĩ đến nỗi sợ hãi, ngay cả khi gia đình có uy tín vẫn cần khiêm tốn”.
Khi gia đình có mẹ rèn giũa những thứ nhỏ nhất, tiết kiệm cho gia đình và “thép tốt mới rèn được dao” là một may mắn. Điều đó sẽ tạo thành nhiều thói quen tốt, luôn có tiền tiết kiệm và đem lại cho mọi người niềm hy vọng về một cuộc sống tốt hơn. So với một người mẹ tiêu tiền hoang phí, phàn nàn về thu nhập của gia đình quá thấp, một người mẹ tiết kiệm sẽ được lòng người khác hơn.
(Ảnh minh họa)
Tôi thực sự thích câu nói này: “Con chim dậy sớm mới bắt được nhiều sâu”.
Trong một gia đình, nếu trẻ con lười biếng sẽ dần trở thành thói quen lâu dài. Một ngày không dậy sớm, cả ngày bị lãng phí. Nhìn nhận vấn đề rộng hơn, cả đời sẽ bị lãng phí.
Đọc sách là con đường ngắn nhất để nuôi dạy con cái, mọi người đều hiểu điều này. Nhưng đó không chỉ để nói suông mà đòi hỏi trẻ con phải chăm chỉ ngày này qua ngày khác và trân trọng thời gian của mình.
Một chuyên gia giáo dục từng nói thế này: “Nhìn qua, sự khác biệt giữa những đứa trẻ chỉ là điểm số nhưng nguyên nhân sâu xa nằm ở khả năng lập kế hoạch của chúng” . Ông tin rằng đứa trẻ lập kế hoạch tốt sẽ có kết quả tốt trong học tập. Vì vậy mà có năm 37/49 học sinh mà ông ôn thi đại học đã đậu vào những trường đại học tốt nhất.
Ngay cả con gái của chuyên gia này cũng được áp dụng việc lập kế hoạch. Từ khi cô gái học cấp 2 đã được bố hướng dẫn lập thời gian biểu và tuân thủ theo đó. Sau đó cô gái cũng vào một trường đại học tốt, tương lai sáng lạn đang chờ trước mắt.
Có câu nói thế này: “Thanh xuân sẽ không bao giờ trở lại, một ngày trôi qua cũng không thể bắt đầu lại. Vì vậy hãy nỗ lực và siêng năng, thời gian không chờ đợi bất kỳ ai” . Một đứa trẻ biết nắm bắt buổi sáng của mình sẽ có được khoảng thời gian hữu ích nhất trong ngày, thực sự trở thành mặt trời rực rỡ lúc 8-9h sáng.
Tóm lại, sự tích lũy của cải của một gia đình là toàn bộ mọi người cùng nhau làm việc để xây dựng một kho báu, không phải một mình đơn độc chiến đấu. “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” - gia đình muốn giàu có cũng cần giống như vậy. Mỗi người cần nắm vững vai trò của mình, làm việc chăm chỉ vì gia đình thì tài sản trong nhà mới không ngừng được tăng lên.
Nếu người cha có tầm nhìn và dẫn dắt gia đình, người mẹ có cuộc sống giản dị và biết xây tổ ấm, con cái có ý thức học tập và rèn luyện bản thân thì chắc chắn gia đình từng bước phát triển. Một gia đình tiến bộ mỗi ngày sẽ giàu có mỗi năm!
(Nguồn: Baidu)