Nối tiếp cơn sốt Labubu, Baby Three trở thành hiện tượng thu hút sự chú ý của dân tình. Từ những phiên livestream đến vỉa hè lề đường, từ lì xì Tết Nguyên đán đến quà tặng khai trương quán xá,... đâu đâu cũng thấy bóng dáng “Bây Bi Chi”, “sít rịt” đến “mắt lè khe”, “mắt rưng”, “mắt nước”.
Nhưng người ta nói “Nổi tiếng đi kèm tai tiếng”, có không ít tranh cãi xoay quanh Baby Three, khiến món đồ chơi này bỗng dưng trở thành cái tên thị phi. Mới nhất là câu chuyện bé gái đòi mua Baby Three nhưng mẹ không cho vì số tiền để mua quá đắt so với mức thu nhập và chi tiêu của gia đình.
“Con gái cứ đòi mua mà tôi không mua. Có giải thích cho nó rằng 1 con Baby Three bằng 2 ngày công của mẹ, bằng 2 ngày mua thức ăn cho cả nhà. Mua về chơi chỉ được 1 - 2 ngày chán là vứt xó. Thế thì bỏ ra 300 - 400k thậm chí cả triệu để mua con đấy có đáng không? Phí cả tiền!” - tâm sự được cho là của người mẹ xuất phát trong một nhóm cộng đồng, sau đó lan truyền rầm rộ.
Bài đăng gây ra tranh cãi trên MXH (Ảnh chụp màn hình)
Chưa rõ tinh xác thực của câu chuyện trên song sự so sánh và quan điểm dạy con của bà mẹ trên đang dấy lên tranh cãi dữ dội về Baby Three.
Câu trả lời trong tình huống này gói gọn trong 1 từ, không phải là “Có” hay “Không” mà là “Tùy”. Tùy vào đối tượng sử dụng, vào tình huống, vào mục đích và vào chính mỗi con Baby Three.
Phía dưới câu chuyện nói trên, nhiều người đồng tình với quyết định của người mẹ, khẳng định việc chi 300 - 400k cho một con thú bông là phí tiền. Thậm chí có ý kiến còn chỉ trích trào lưu chơi Baby Three là chi tiêu lãng phí vì chỉ mua về khui, chơi được vài ba ngày rồi bỏ xó.
“Thực sự không hiểu con này có gì vui mà bao nhiêu người đổ xô mua như thế”, “Mình cũng thấy phí tiền”, “Có khác các con búp bê khác đâu nhỉ, sao nó đắt vậy? Tôi để tiền mua sữa mua bỉm cho con thấy thiết thực hơn”, “Công nhận thấy vớ vẩn phí tiền nhưng vẫn cho con mình mua vì nó chọn đấy là phần thưởng. Mua về được 2 - 3 hôm thì chúng nó vứt loăng quăng mỗi góc nhà 1 con thế mà vẫn đặt mục tiêu học giỏi để được mua tiếp”,... là một số bình luận.
Nhiều người có cả BST Baby Three (Ảnh minh họa)
Song cũng có nhiều người phản đối quan điểm “Mua Baby Three là phí tiền”. Họ cho rằng Baby Three không có lỗi và cũng không phí tiền mà vấn đề nằm ở chỗ sở thích, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Hơn nữa với nhiều phụ huynh, việc mua một món đồ chơi để con thấy vui, thấy hạnh phúc là điều hoàn toàn xứng đáng.
“Người có tiền mua, thích sưu tập, thích chơi, người ta thấy đáng. Còn như mình thì mình không có tiền, không thích gấu bông nên thấy số tiền bỏ ra không xứng đáng, mình không mua thôi. Không có gì phán xét ở đây cả” - một cư dân mạng nói.
“Ai thích thì là mua niềm vui, ai không thích thì bảo phí tiền. Mỗi người một cách nghĩ khác nhau, cách dạy con khác nhau. Nhiều khi con thích quá bảo: ‘Mẹ ơi con được điểm 9-10 thi học kỳ thì mẹ mua con nhé!’ hoặc ‘Tháng này con dậy đi học ngoan, không để bố mẹ quát mắng nên mẹ mua cho con nhé!’. Nếu bố mẹ đồng ý với sự cố gắng tốt lên của con thì sẽ được mua món đồ đó thôi. Mua 1 lần mà con vui cũng đáng lắm. Giống như phấn đấu tốt được thưởng vậy đó” - một người bày tỏ.
Một người mẹ nói: “Con tui ngó Baby Three của khách nên tui hỏi thích không mẹ mua cho, đúng là bằng 1 ngày lương thật. Nhưng thấy con thích là mình vui rồi nên mua cho một con. Tui không có tiền thật nhưng thấy con vui mình cũng hạnh phúc lắm”.
Cùng với những ý kiến về Baby Three, cư dân mạng cũng tranh cãi về cách trả lời của người mẹ.
Có bình luận cho rằng việc người mẹ lấy lý do tiền mua Baby Three bằng tiền công 2 ngày làm hay tiền ăn 2 ngày của cả gia đình là không hợp lý. Bởi lẽ cách lý giải đó có thể khiến đứa trẻ trở nên tự ti, sau này không dám theo đuổi bất cứ thứ gì mình yêu thích. Thậm chí, có người còn nặng lời, chỉ trích người mẹ rằng nếu không đủ tiền nuôi con, mua được món đồ con yêu thích thì tốt nhất là không nên sinh con vì sẽ thiệt thòi cho con.
Ngược lại, không ít ý kiến phản bác, khẳng định đây là cách giải thích thực tế, để con trẻ có thể hình dung được vấn đề dễ dàng.
Và người mẹ cũng không đáng để bị mạt sát như vậy vì: “Từ bao giờ việc nuôi con lại được định nghĩa bằng việc mua những món đồ chơi xa xỉ này vậy? Chị ấy vẫn nuôi vẫn dạy con bình thường, chỉ là điều kiện kinh tế không giàu có dư dả tới mức cho con chạy theo trend đắt đỏ thôi. Chứ nhu cầu cơ bản như ăn uống, quần áo, sách vở, học hành vẫn đảm bảo thì dựa vào cái gì để nói người ta không được đẻ?”.
“Mình là 1 người mẹ và mình thấy rằng không phải con cứ đòi là mẹ phải đáp ứng. Nên mấy bạn đừng hở tí bảo không có tiền thì đừng đẻ rồi quy vào mấy cái sự việc kiểu này nó vô lý ấy” - một người khác nói.
(Ảnh minh họa)
Trong chuyện này, vấn đề không nằm ở Baby Three vì nếu không có Baby Three thì trẻ con cũng có vô số món đồ chơi khác để mong muốn. Thay vào đó, sự quan trọng nằm ở cách trả lời của bố mẹ khi con cái đòi hỏi, ăn vạ.
“Đây là do phương pháp giáo dục thôi. Bố mẹ nên dạy được con hiểu rằng món đồ đó phù hợp với con hay không, vì sao không mua hoặc mua,... chứ không phải áp đặt suy nghĩ của bản thân bắt con trẻ phục tùng. Hơn nữa tùy vào điều kiện từng nhà mà thấy nó đắt hay rẻ, đáng hay không đáng. Còn đã là đồ chơi thì cái nào cũng là niềm vui và háo hức của con trẻ” là bình luận của một netizen.
Đòi hỏi mua đồ chơi từ con cái có lẽ là tình huống phổ biến với bất kỳ bố mẹ nào. Cách trả lời của bố mẹ không chỉ giải quyết vấn đề trong thời điểm đó mà còn ảnh có tác động sâu sắc đến sự phát triển của trẻ.
Chìa khóa để giải quyết vấn đề nằm ở cách hướng dẫn và giao tiếp của bố mẹ với con cái. Để tránh tình huống này, bố mẹ có thể thử một số cách như làm gương cho con trong việc mua sắm, thống nhất quy tắc mua đồ chơi với con, không đáp ứng đòi hỏi chỉ vì con khóc, không nói những câu khiến con tự ti, đổi việc nhà hoặc kết quả học tập lấy đồ chơi,...
Quay lại câu chuyện Baby Three, thực tế đây chỉ là một loại đồ chơi thú nhồi bông. Tuy nhiên đây là art toys (đồ chơi nghệ thuật), còn được biết đến với cái tên khác như đồ chơi thiết kế, là đồ chơi hoặc đồ sưu tầm được thiết kế giới hạn và sẽ có nhiều mẫu mã khác nhau để người chơi sưu tầm.
Một đặc trưng độc đáo của dòng đồ chơi này là yếu tố blind box. Tức là mỗi sản phẩm được đóng gói trong một chiếc hộp kín, người mua không biết mình sẽ nhận được nhân vật nào cho đến khi mở hộp.
Có một điều mà phần lớn người mua không tìm hiểu kỹ: art toys KHÔNG PHẢI là đồ chơi cho trẻ con. Mục đích của art toys được sinh ra là để người lớn sưu tầm. Trước Baby Three, có nhiều art toys từng khuấy đảo khắp nơi như BE@RBRICK, Kaws,... Song vì giá tiền đắt đỏ và có giá trị văn hóa đặc trưng nên chúng không thực sự phổ biến, cho đến khi Baby Three xuất hiện và nó tạo nên một cơn FOMO mới.
Đồ chơi sưu tầm ban đầu được sinh ra dành cho người lớn (Ảnh minh họa)
Theo tìm hiểu, giá tiền của Baby Three cũng muôn hình vạn trạng. Hàng chính hãng do công ty Đại Mỹ Nhân (Trung Quốc) sản xuất có giá rơi vào khoảng 300.000 - 400.000 đồng cho mỗi “Bé Ba” mini. Khi Baby Three có kích thước càng lớn hoặc thuộc bộ sưu tập hiếm sẽ càng đắt. Chẳng hạn, với những bộ sưu tập theo mùa như Valentine, Happy New Year,... thì một cặp Baby Three 400% sẽ có giá từ 5 - 6 triệu đồng.
Ngoài ra, thị trường Baby Three hiện tại cũng được mô tả là “thượng vàng hạ cám” vì đã bị bão hòa. Không chỉ có sản phẩm của Đại Mỹ Nhân mà còn có nhiều thương hiệu khác sản xuất, nhiều kiểu hàng như hàng rep 1:1 (hàng giả ở mức độ cao), hàng đã qua sử dụng,... Giá cả cũng được hạ xuống thấp hơn, chỉ từ hơn 100.000 - 200.000 đồng là đã có thể sở hữu được món đồ chơi này.
Tất cả những yếu tố như giá thành dễ thở, cách chơi blind box, thời điểm Tết Nguyên đán rủng rỉnh tiền lì xì và làn sóng FOMO khi khắp nơi từ trên MXH, bạn bè xung quanh đều có thì mình cũng phải có đã dẫn đến tình trạng người người, nhà nhà Baby Three như hiện tại.
Vì vậy mỗi người, nhất là bố mẹ, người lớn trong nhà cần theo sát và có hướng dẫn để những món đồ chơi của con trẻ trong nhà trở nên ý nghĩa, không bị lãng phí hay thậm chí trở thành "rác" khi vài ngày trẻ lại chán muốn tìm cảm giác khui túi mới.
Và để trả lời cho câu hỏi, còn lại gì khi cơn FOMO Baby Three đi qua thì có lẽ còn phụ thuộc vào mục đích mà chúng ta mua hay tiếp cận với loại art toys này. Nếu đó là 1 sở thích hợp túi tiền, bạn trân trọng, thì nó sẽ trở thành kỷ niệm đẹp. Còn nếu mua thật nhiều chỉ để thoả mãn cảm giác nhất thời, thì chắc chắn điều đáng tiếc nhất là TIẾC TIỀN.
(Ảnh minh họa)