Cú sốc của "học bá": Cầm bằng thạc sĩ trên tay vẫn chỉ nhận về những cái lắc đầu, 5 tháng đêm nào cũng khóc

S.A, Theo Phụ nữ Số 20:22 10/02/2025
Chia sẻ

“Mình thực sự không biết phải làm sao nữa… Đêm nào cũng khóc” - nhân vật trong câu chuyện nói.

“Thất nghiệp”, “sa thải”, “mất việc”,... là những cụm từ gây ám ảnh khủng khiếp với bất kỳ ai. Ở thời điểm hiện tại, khi hàng loạt doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đưa ra thông báo sa thải thì vấn đề này càng đáng sợ hơn bao giờ hết.

Trong các hội nhóm tám chuyện công sở và nhiều nền tảng MXH khác nhau như Threads, TikTok,... không khó để bắt gặp các bài đăng tâm sự về chủ đề này. Có người choáng váng vì trước Tết vẫn vui vẻ dự Year End Party, ra Tết nhận email thông báo sa thải. Có người stress chạm đáy khi 5 - 8 tháng trôi qua vẫn chưa xin được việc.

26 tuổi, có bằng Thạc sĩ và 5 tháng thất nghiệp

“Nửa đêm, viết những dòng tâm sự này, mình thực sự khủng hoảng mọi người ạ. Mình 26 tuổi, bằng thạc sĩ và thất nghiệp. Mình đã rải CV khắp nơi và chưa có 1 phản hồi. Cuộc gọi mời phỏng vấn duy nhất từ đầu năm đến giờ có lẽ là cuộc gọi từ bọn lừa đảo. Tất nhiên là đã được cảnh báo nhiều nên mình cũng né được quả này.

Trời ơi nó áp lực kinh khủng mọi người ạ. Mình thực sự không biết phải làm sao nữa… Đêm nào cũng khóc, 5 tháng rồi”.

Đây là một bài đăng đang viral trên Threads, có 115k lượt xem và 2k lượt yêu thích sau 15 tiếng đăng tải.

Cú sốc của

(Ảnh chụp màn hình)

Ở phần bình luận, chủ nhân bài đăng phản hồi ý kiến từ cư dân mạng và tiết lộ thêm một số thông tin về bản thân. Cô cho biết mình từng học kinh doanh, sau đó thích và theo đuổi lĩnh vực tài chính và đang tìm kiếm công việc về phân tích tài chính.

Về trình độ ngoại ngữ, cô nói trôi chảy tiếng Anh và từng làm việc cho một công ty dịch thuật. Ngoài ra cô cũng có N3 JLPT (Japanese-Language Proficiency Test - Kỳ thi năng lực tiếng Nhật), đang học thêm tiếng Trung.

Ngoài ra, cô cũng học qua các lớp content và xây dựng thương hiệu để phục vụ cho công việc cũ là nhân viên kinh doanh. Kể từ khi ra trường đến nay, cô cũng đã làm đủ nghề như telesales, livestream, bán hàng, tư vấn tài chính,... nên hiện tại muốn tìm công việc đúng ngành học.

“Mình có kinh nghiệm sales nên nếu apply thì vẫn được nhận. Nhưng 4 năm làm nghề này rồi, mình cảm thấy không tiếp tục được nữa và muốn làm công việc đúng chuyên môn là tài chính. Nhưng các job chuyên môn thì lại khá kén chọn, có lẽ mình chưa đủ giỏi. Kiểu bất lực ha?” - chủ nhân bài đăng nói.

Về mức lương, cô gái cho biết mình đã apply vào cả những chỗ có mức lương thấp hơn kỳ vọng vì muốn tập trung vào công việc mang tính chuyên môn đặc thù. Vậy mà kết quả cũng không khả quan.

“Thực ra mình cũng từng tự làm một dự án kinh doanh nhỏ. Mới đầu cũng có doanh thu nhưng do kinh nghiệm, vốn và kiến thức còn non nên vỡ trận. Đến giờ mình vẫn sợ nên muốn đi làm thuê để rèn luyện thêm và ổn định cuộc sống trước. Với vốn liếng mình cũng không có nhiều, thử 1 lần cũng để xem mình có phù hợp không thôi” - là câu trả lời khi được hỏi tại sao không tự kinh doanh.

Thất nghiệp là giai đoạn khủng khiếp nhất trong đời

Phía dưới bài đăng này, cư dân mạng đã để lại nhiều ý kiến khác nhau. Một số người đưa ra giải pháp hỗ trợ, nhiều người gửi lời động viên và không ít người kể lại hoàn cảnh tương tự của mình.

Mỗi người một câu chuyện nhưng tất cả đều đồng tình rằng thất nghiệp là giai đoạn khủng khiếp nhất trong đời:

“27 tuổi, bằng đại học, làm công việc tay chân được 2 năm rồi. Ngày xưa mình cũng đặt mục tiêu, chí hướng lắm nhưng sau cảm thấy công việc nào cũng được, miễn kiếm được tiền không báo nhà là được. Từ đó mới có thể tích lũy tài sản và hướng tới cơ hội cao hơn. Lúc đầu công việc không như mong muốn của mình nên khó chấp nhận nhưng cứ tự tin vào năng lực bản thân là được, rồi sẽ có chỗ để nương tựa và gắn bó thôi”.

“Mình từng bị thất nghiệp ở thời điểm đang mang bầu 4 tháng. Mà bạn biết đó, bầu 4 tháng thì ai mà tuyển mình làm việc và phải xác định sẽ thất nghiệp ít nhất 11 tháng nữa. Trong thời gian đó mình rất stress. Mình chuyển qua bán hàng bánh kẹo Tết, nhận móc len tại nhà,... nhưng thu nhập không bõ bèn gì. Mình bắt đầu hạ các tiêu chuẩn xuống và may mắn cũng đã vượt qua giai đoạn đó và cũng đã đi làm lại. Chỉ mong truyền một chút động lực cho bạn và mong bạn sớm có công việc nhé!”.

“Mình cũng sinh năm 1999, đi làm và có kinh nghiệm từ năm 1, du học sinh bằng giỏi, đã thực tập ở 1 số nước khác, về nước có kinh nghiệm 2 năm nhưng cũng gap cả năm nay, từ tháng 2/2024. Từ tháng 10/2024, mình đã bắt đầu tìm việc lại nhưng vẫn chưa nhận được cuộc gọi phỏng vấn từ bên nào. Mình cũng stress và khá đồng cảm với bạn, cố lên thôi!”.

“15 năm trước, sau khi ra trường thì mình gặp biến cố sức khoẻ nên bị 3 công ty đã offer từ chối. Cũng chính vì lý do này mà mình phải tìm công việc trái với chuyên môn và cũng mất 12 tháng mới tìm được việc. Giai đoạn đó thật sự khủng khiếp. Tuy nhiên hãy tự tin trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng mềm, dẹp mấy lớp học lên cao vô bổ. Có việc sớm chưa chắc đã hơn người và có việc muộn chưa chắc đã thua người. Bạn mình có việc ngay khi vừa ra trường thì giờ chỉ là nhân viên ở công ty đối tác của mình, thu nhập 1/2 của mình”.

Cú sốc của

(Ảnh minh hoạ)

Sống sót bên bờ vực “thất nghiệp”

Thực tế, một trong những nguyên nhân khách quan gây ra tình trạng thất nghiệp là do biến động chung của nền kinh tế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024 có đến 197.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,6% so với năm 2023. Trong tháng 01/2025 số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn lên đến 52.807 tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kinh doanh, các dự án thất bại, hoạt động kinh doanh bị thu hẹp, công ty đóng cửa, thị trường bị ảnh hưởng, nhân viên bị sa thải đều là những điều bình thường. Chỉ cần chúng ta làm tốt việc học hỏi suốt đời, mở mang tầm mắt, nắm bắt những thay đổi của thị trưởng và tự phát triển bản thân thì không chuyện gì là không thể vượt qua.

Vì vậy để tránh tình huống thất nghiệp dài hạn, hãy biến mình trở thành “vốn” của công ty chứ không phải “chi phí”, có nghĩa là bạn mang lại giá trị cho công ty và việc sa thải bạn là một tổn thất. Còn những vị trí không cần thiết trong công ty là “chi phí” và họ sẽ bị sa thải đầu tiên. Vai trò của bạn càng quan trọng và thiết yếu thì càng phải để công ty cảm thấy rằng việc sa thải bạn sẽ ảnh hưởng không tốt thế nào.

Để làm được điều này hãy học thêm các kỹ năng mềm, phát triển bản thân một cách toàn diện. Nhìn bề ngoài, có vẻ như việc này chỉ tốt cho bản thân bạn. Nhưng đừng quên rằng mỗi cá nhân tốt thì mới làm nên một tập thể tốt nên việc bạn làm chính là đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Trong thời đại mà công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng có rất nhiều sự thay đổi diễn ra hàng ngày. Ai cập nhật được sự phát triển của xã hội, có khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội thì sẽ trụ vững, ai không theo kịp sẽ bị đào thải.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày