Decrypt đưa tin, HYPE Labels, công ty quản lý đứng sau BTS, vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch phát hành các sản phẩm NFT ăn theo nhóm nhạc, mặc cho những chỉ trích từ nhiều người hâm mộ Kpop.
Cụ thể, hôm Thứ 5 vừa qua, HYBE xác nhận rằng kế hoạch NFT vẫn sẽ tiếp diễn. "Chúng tôi tin rằng NFT có tiềm năng trở nên phổ biến, đồng thời hy vọng chúng sẽ mang lại cho người hâm mộ những trải nghiệm đa dạng hơn, cũng như cơ hội để thể hiện chính mình", John Kim, giám đốc dự án của HybeAmerica chia sẻ.
Theo John Kim, đợt phát hành NFT đầu tiên của BTS sẽ diễn ra trong chưa đầy 6 tháng nữa
Kế hoạch sản xuất NFT BTS lần đầu được tiết lộ vào tháng 11 vừa qua, khi HYBE công bố mối quan hệ đối tác với sàn giao dịch crypto hàng đầu Hàn Quốc là Dunamu, để phát hành một loạt NFT ăn theo hình ảnh các thành viên BTS.
NFT (Non-Fungible Token hay token không thể thay thế) là chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. Công nghệ blockchain giúp NFT có giá trị độc bản, khẳng định tính sở hữu của chủ tác phẩm. NFT có thể là hình ảnh, video, âm thanh,… và chúng cũng được xem là các tác phẩm nghệ thuật.
Một người hâm mộ BTS thể hiện sự khó hiểu đối với quyết định của HYPE
Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối từ các fan BTS, những người đã đăng tải nhiều bài viết tẩy chay dự án, đi kèm hashtags #BoycottHybeNFT và #ARMYsAgainstNFT, với lý do lượng điện tiêu thụ để sản xuất loại tài sản kỹ thuật số độc nhất này có tác động xấu đối với môi trường. Các fan BTS cho rằng hành động phát hành NFT sẽ đi ngược lại với hình ảnh bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của nhóm nhạc.
Về phía ngược lại, Giám đốc chiến lược và phát triển kinh doanh NFT của Dunamu, ông Kim Min-jung, cho biết nền tảng này sẽ chỉ gây ra tác động rất nhỏ đến môi trường. "Lượng khí thải carbon của nó gần như chẳng đáng là bao", ông Kim Min-jung cho biết.
Theo ông Kim Min-jung, NFT sẽ chỉ gây ra tác động rất nhỏ đến môi trường
HYBE hiện chưa tiết lộ sẽ sử dụng blockchain nào để lưu trữ NFT của BTS. Blockchain phổ biến nhất để mint (quá trình đưa 1 dữ liệu vào trong hệ thống Blockchain) NFT là Ethereum - vốn đang sử dụng cơ chế đồng thuận Bằng chứng công việc (Proof of Work) khá tốn năng lượng.
Tuy nhiên, với bản nâng cấp 2.0 sắp tới, Ethereum sẽ chuyển đổi sang cơ chế đồng thuận mới được gọi là Bằng chứng cổ phần (Proof-of-Stake), mà theo một nghiên cứu vào năm 2021 của UCL, là tiêu thụ ít năng lượng hơn đáng kể.
BTS không phải là những người nổi tiếng đầu tiên bước chân vào thị trường NFT
Tạm gác những tranh cãi sang một bên, việc giới thiệu các sản phẩm NFT được cho là một giải pháp hữu hiệu để dẹp bỏ vấn nạn sao chép, đạo nhái và tất nhiên là sẽ mang lại cho HYBE nhiều lợi nhuận hơn nữa.
Thực tế, BTS không phải là những người nổi tiếng đầu tiên bước chân vào thị trường NFT - thị trường mà nền tảng phân tích DappRader ước tính vào cuối năm 2022 sẽ đạt được doanh số 22 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Timbaland, Snoop Dogg, Grimes, 3LAU, và Kings of Leon... đều đã thử nghiệm công nghệ này.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.