Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các chủng loại virus như cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết do ho khạc, hắt hơi hoặc dính trên các vật dụng.
Ở thời điểm hiện tại, dịch cúm H3N2 đang bùng phát dữ dội ở rất nhiều nơi trên thế giới như Úc, Anh, Mỹ, Hồng Kông... Số nạn nhân tử vong vì mắc cúm H3N2 cũng rất đáng báo động. Riêng ở Anh, theo số liệu của Tổ chức Y tế Công cộng Anh cho biết, mùa cúm năm nay đã có 4.128 trường hợp cúm tính đến ngày 14/01/2018.
Virus cúm có thể tồn tại hàng giờ bên ngoài môi trường, đặc biệt là trong thời tiết lạnh và độ ẩm thấp, do vậy mức độ lây lan càng tăng cao. Bệnh có thể diễn biến ở các mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ tại các địa phương.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 5 - 10% người lớn trưởng thành và 20 - 30% trẻ em mắc cúm trên thế giới. Trong đó đó có khoảng 3 - 5 triệu trường hợp nặng và khoảng 250.000 - 500.000 người tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng 1.5 - 1.8 triệu ca mắc cúm.
Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào thời điểm giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân. Bệnh diễn biến với các biểu hiện sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, sổ mũi, ho. Thông thường người bệnh có thể hồi phục sau từ 2 – 7 ngày, nhưng đối với người lớn tuổi, trẻ em, người mắc bệnh về thận, thiếu máu, tim phổi hay suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ gây biến chứng nguy hiểm thậm chí dẫn tới tử vong.
Bộ Y tế đã đẩy mạnh công tác xét nghiệm chẩn đoán các tác nhân gây bệnh cúm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Nhằm chủ động giám sát sự biến đổi của các chủng virus gây cúm tại nước ta, các đơn vị này hiện nay đều có khả năng xét nghiệm virus cúm.
Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn bệnh lây lan thành dịch lớn, người dân nên nâng cao ý thức phòng tránh bệnh ngay từ bây giờ. Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các hoạt động phòng chống:
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối
- Ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng
- Giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài và hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm, tiêm vaccine phòng bệnh
Khi nhận thấy các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, đau họng, sốt, ho… người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế để phát hiện bệnh và khám chữa kịp thời.
Nguồn: Cục Y tế dự phòng, VTV