Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành đã buộc phải kéo dài thời gian nghỉ học tránh dịch. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT đẩy mạnh học trực tuyến đồng thời giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học.
Thực hiện theo chỉ đạo đó, Bộ GD-ĐT đã quyết định thành lập các tiểu ban chuyên rà soát, tinh giản nội dung chương trình giáo dục phổ thông cho toàn bộ các cấp học. Việc tinh giản nội dung sẽ tập trung vào học kỳ 2 ở các lớp. Những nội dung nào có mức độ yêu cầu mang tính nâng cao sẽ được giảm bớt để đảm bảo thời gian học tập cho học sinh, đặc biệt là thời gian ôn tập của học sinh cuối cấp.
Mỗi tiểu ban sẽ tương ứng với 1 môn học của từng cấp học. Đội ngũ bao gồm 1 trưởng ban, 1 phó ban, 1 thư ký và các ủy viên là các tác giả chương trình sách giáo khoa, giảng viên trường ĐH Sư phạm, đại diện Sở GD-ĐT và giáo viên trực tiếp đứng lớp của môn học đó.
Bộ GD-ĐT thành lập các tiểu ban tinh giản chương trình học giáo dục phổ thông. (Ảnh minh họa)
4 nguyên tắc Bộ GD-ĐT đưa ra đối với các tiểu ban là: Đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình phổ thông. Đảm bảo tính lo-gic và thống nhất giữa các môn học. Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, đảm bảo tinh giản phù hợp với việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học 2019-2020.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT), việc tinh giản chương trình tới mức có thể đảm bảo được yêu cầu, tính toán để đáp ứng khung thời gian kế hoạch năm học mà Bộ đã điều chỉnh trước đó là trước ngày 15/7. Dự kiến trong tháng 3 sẽ phải hoàn thành công bố phương án giảm tải để hy vọng vào đầu tháng 4, các trường có thể yên tâm mở cửa trở lại.
Trước đó, vào ngày 13/3, Bộ GD-ĐT đã công bố điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, thời gian kết thúc năm học sẽ trước ngày 15/7; đồng thời kì thi THPT Quốc gia diễn ra từ ngày 8-11/8/2020.