Chị Nguyễn Mai Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết con trai 5 tuổi của chị đi học về thấy mệt, bỏ ăn và sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Quá lo lắng chị cho con vào viện khám, bác sĩ test sốt xuất huyết và Covid-19 loại trừ. Kết quả chẩn đoán bé bị cúm A, được điều trị ngoại trú tại nhà.
Sau khi bé tạm ổn, chị Linh lại bắt đầu có triệu chứng sốt cao, đau nhức mình mẩy, không ho, đau họng. Chị Linh đã test Covid-19 nhưng âm tính. Chị điều trị theo triệu chứng uống thuốc hạ sốt và giảm đau. Chị Linh cho biết toàn thân thể mệt mỏi, đau xương khớp do lây cúm từ con.
Trường hợp của anh Phạm Vũ Minh (nam, 23 tuổi, trú tại Times City, Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội vì cúm.
Anh Minh cho biết bắt đầu có triệu chứng từ thứ 7 vừa qua. Ban đầu, anh Minh cảm giác mệt mỏi, đau người, đau đầu và sốt nhẹ.
Sau một ngày, anh Minh sốt tới 40 độ C, mê man, hạ sốt không đáp ứng nên được gia đình đưa tới Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày, cơ sở y tế này tiếp nhận tới hơn 10 bệnh nhân cúm A.
BS Hường cho biết năm nay dịch cúm bùng phát bất thường. Hàng năm, sốt xuất huyết sẽ xuất hiện trước, sau đó dịch cúm A mới bùng phát nhưng năm nay đảo ngược lại. Các ca bệnh sốt xuất huyết có nhưng số lượng ít, trong khi số lượng bệnh nhân mắc cúm A tăng cao.
Ảnh minh họa
BS Hường cho biết các trường hợp mắc cúm A khi vào Bệnh viện Thanh Nhàn đều ở tình trạng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Cá biệt có một bệnh nhân thậm chí viêm phổi, suy hô hấp nhưng may mắn được can thiệp kịp thời.
BS Nguyễn Hữu Thảo – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, cho biết thường tầm tháng 9-12 hàng năm mới đến mùa cúm A cúm B. Mùa này hàng năm trẻ con rất ít ốm và bệnh thường nhẹ, nhưng năm nay lại khác. Sau nhiễm Covid-19 thì miễn dịch trẻ bị giảm nên nhiều trẻ ốm liên miên.
BS Thảo cho biết gần đây đang có rất nhiều bé bị cúm với triệu chứng ho, sốt cao, đáp ứng với hạ sốt kém.
Cũng theo BS Thảo, bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm lây nhiễm qua đường hô hấp.
Có bốn loại virus được gọi là cúm A, B, C và D. Cúm A và B là nguyên nhân gây ra bệnh theo mùa xảy ra gần như mỗi mùa đông. Cúm loại C thường gây ra bệnh rất nhẹ thường không có triệu chứng. Virus cúm loại D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người.
Virus cúm A được phân loại thành các phân nhóm và mỗi phân nhóm được chia thành các chủng. Chỉ có virus cúm A thường gây ra đại dịch .
Triệu chứng của bệnh cúm, theo BS Thảo, cúm có thể gây ra bệnh từ nhẹ đến nặng và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Cúm khác với cảm lạnh. Cúm thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
Sốt hoặc cảm thấy ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi, ngạt mũi, đau cơ hoặc đau cơ thể, nhức đầu, mệt mỏi, nôn ói, tiêu chảy.
Để phòng bệnh cúm, theo các bác sĩ, ngoài các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang thì nên tiêm vắc xin cúm hàng năm.
Theo Hệ thống tiêm chủng VNVC, với vắc xin cúm mùa, do virus cúm thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ hàng năm, nên các nhà sản xuất luôn nghiên cứu, cập nhật công dụng vắc xin có thể chống lại chủng virus cúm trong mùa sắp tới, chính vì vậy luôn có giai đoạn giao thoa “thiếu tạm thời” giữa mùa cũ và mùa mới của từng loại vắc xin.
Tuy nhiên hiện nay tại VNVC luôn có nhiều loại vắc xin cúm có hiệu quả tương đương để người dân lựa chọn sử dụng ngay hoặc dời lịch để chờ được tiêm vắc xin cúm mùa mới nhất của loại vắc xin đó.
Khánh Chi