Thừa đường không chỉ gây tăng cân mà còn là “bẫy sức khỏe” khiến nhiều người âm thầm nuôi dưỡng các bệnh mạn tính. Theo Tiến sĩ dinh dưỡng người Mỹ Amy Goodson, kiểm soát đường thường bị đánh giá thấp trong khẩu phần ăn nhưng lại liên quan đến hàng loạt vấn đề sức khỏe. Từ béo phì, tiểu đường cùng các rối loạn chuyển hóa khác tới viêm mạn tính, bệnh tim mạch và các vấn đề tiêu hóa, lão hóa sớm… thậm chí gia tăng nguy cơ ung thư.
Ảnh minh họa
Vì vậy, dù ở độ tuổi nào cũng cần phải chú trọng kiểm soát lượng đường tiêu thụ hàng ngày. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo về lượng đường khuyến nghị như sau:
- Phụ nữ: Không quá 25g (6 thìa cà phê)/ngày.
- Nam giới: Không quá 37,5g (9 thìa cà phê)/ngày.
- Trẻ em (2-18 tuổi): Dưới 24g và hạn chế đồ uống có đường ở mức tối đa 236ml mỗi tuần.
Tuy nhiên, đường hiện diện không chỉ trong các loại đường hay món ngọt, mà còn ẩn trong nước sốt, bánh mì, ngũ cốc ăn sáng… khiến nhiều người tiêu thụ vượt ngưỡng mà không hay biết. Nếu bạn có những dấu hiệu sau, đó có thể là lời cảnh báo cơ thể đang bị “tấn công” bởi chính lượng đường mình nạp vào hàng ngày.
1. Liên tục thèm đồ ngọt
Nếu bạn luôn muốn ăn kẹo, bánh, trà sữa hay nước ngọt, rất có thể bạn đang rơi vào chu kỳ lệ thuộc đường. TS. Goodson lý giải: thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh rán, soda khiến đường huyết tăng nhanh, sau đó tụt đột ngột, kích thích não bộ đòi hỏi tiếp năng lượng - tức là… lại ăn ngọt. Cách khắc phục: Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ (rau, ngũ cốc nguyên hạt) và đạm để ổn định đường huyết.
Ảnh minh họa
2. Năng lượng lên xuống thất thường
Bạn cảm thấy hưng phấn sau bữa ăn rồi mệt lả nhanh chóng? Đây là hậu quả điển hình của chế độ ăn nhiều đường - tăng năng lượng nhanh nhưng cũng sụt giảm đột ngột, khiến cơ thể không duy trì được sự tỉnh táo bền vững. TS. Goodson khuyên: hãy kết hợp carbohydrate phức hợp với protein để duy trì mức năng lượng ổn định hơn suốt ngày dài.
3. Vấn đề răng miệng tăng rõ rệt
Đường là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng. Vi khuẩn trong miệng sẽ lên men đường thành axit, làm mòn men răng. WHO và nhiều nghiên cứu quốc tế đều cảnh báo: tiêu thụ đường cao thường xuyên sẽ đẩy nhanh tổn thương răng miệng. Nếu bạn hay đau răng, ê buốt, sâu răng dù đánh răng đều đặn, hãy xem lại lượng đường trong thực phẩm và đồ uống hàng ngày.
4. Tăng cân không kiểm soát
Đường cung cấp calo rỗng - năng lượng cao nhưng không có giá trị dinh dưỡng. Theo TS. Goodson, ăn nhiều đường phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột - vốn giúp điều hòa đường huyết và kiểm soát cơn đói. Khi hệ này bị rối loạn, bạn sẽ thấy đói nhanh hơn, ăn nhiều hơn và dễ tăng cân dù không ăn nhiều chất béo.
5. Đau mạn tính không rõ nguyên nhân
Thừa đường thúc đẩy viêm - một trong những nền tảng gây đau mãn tính. Các nghiên cứu trên Journal of Clinical Medicine và Frontiers in Nutrition cho thấy, ăn nhiều đường có thể làm trầm trọng các bệnh lý viêm như viêm xương khớp. Nếu bạn bị đau lưng, đau khớp kéo dài không rõ nguyên nhân, hãy cân nhắc khả năng do thói quen ăn uống nhiều đường.
6. Đói nhanh, no giả
Thực phẩm ngọt khiến bạn cảm thấy no nhanh nhưng cũng nhanh đói. Đường làm gián đoạn hoạt động của leptin - hormone kiểm soát cơn đói - khiến bạn ăn liên tục, thèm ăn vặt và luôn cảm thấy không thỏa mãn.Giải pháp được TS. Goodson đưa ra là ăn sáng đủ protein (như trứng, sữa chua Hy Lạp) và chất xơ để giữ cảm giác no bền hơn.
Ảnh minh họa
7. Nguy cơ cao huyết áp
Không chỉ muối, đường cũng làm tăng huyết áp. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nutrients, tiêu thụ đường bổ sung cao làm tăng axit uric - chất ức chế sản xuất oxit nitric (NO), một phân tử cần thiết giúp mạch máu giãn nở và vận hành trơn tru. Khi NO giảm, huyết áp tăng lên.
Các triệu chứng trên không chỉ do đường gây ra, nhưng khi chúng xuất hiện cùng lúc, bạn cần xem lại chế độ ăn của mình. Việc giảm lượng đường bổ sung và thăm khám sớm khi thấy bất thường là cách hiệu quả để ngăn ngừa biến chứng tim mạch, tiểu đường và nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm khác.
Nguồn và ảnh: Eat This, Family Doctor