Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương giải thích câu hỏi của nhiều bạn gái: "Tại sao không có thai vẫn bị chậm kinh nguyệt?"

Pem, Thu Phương, Thiết kế: Thủy Tiên, Theo Helino 15:19 17/01/2020

Đó là câu hỏi được khá nhiều bạn nữ gửi về nhờ bác sĩ giải đáp, đồng thời xin lời tư vấn nên làm gì trong tình huống này để hạn chế bị chậm kinh nguyệt.

Để trả lời câu hỏi này, PV đã liên hệ với bác sĩ Trần Vũ Quang, chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Theo bác sĩ Quang: "Có nhiều trường hợp không có thai nhưng lại có tình trạng chậm kinh hay còn gọi là trễ kinh bởi còn nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến chậm kinh".

Thực tế, không phải cứ chậm kinh là sẽ có thai. Có thể nói, hiện tượng kinh nguyệt là "tấm gương" phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe của người phụ nữ. Điều đó có nghĩa là, những vấn đề về kinh nguyệt (trong đó có hiện tượng chậm kinh) đều có sự liên quan chặt chẽ đến tình trạng sức khỏe hiện tại của cơ quan sinh sản cũng như toàn bộ cơ thể của chị em.

Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương giải thích câu hỏi của nhiều bạn gái: Tại sao không có thai vẫn bị chậm kinh nguyệt? - Ảnh 1.

Chậm kinh là như thế nào?

Chậm kinh là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt bất thường ở phụ nữ, xuất hiện khi đến kỳ hành kinh nhưng vẫn chưa xuất hiện kinh nguyệt. Thông thường, nếu quá 35 ngày tính từ ngày hành kinh mà vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại thì gọi là chậm kinh.

Theo bác sĩ Michelle Chia, bác sĩ nội trú tại Phòng khám DTAP (Singapore): "Không phải tất cả phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt trong 28 ngày. Một chu kỳ kinh nguyệt trung bình có thể chỉ là 21 ngày hoặc dài hơn 40 ngày. Như vậy, thời gian của bạn chỉ được coi là muộn nếu chu kỳ hiện tại của bạn "lệch khỏi lịch chuẩn".

Có thể tổng hợp được 6 nguyên nhân như sau:

1. Sự thay đổi cân nặng toàn thân đột ngột và quá mức cho phép

Trong một chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể bạn cần sản xuất đủ lượng estrogen để xây dựng nên lớp niêm mạc tử cung. 

Việc giảm cân quá mức và giảm bổ sung calo có thể ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, cơ quan chịu trách nhiệm điều chỉnh các quá trình khác nhau trong cơ thể bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, cơ thể sẽ không sản xuất đủ estrogen cần thiết cho kỳ kinh nguyệt. 

Trường hợp nặng, những người giảm cân cấp tốc thậm chí sẽ không xuất hiện kinh nguyệt.

Ngược lại, tăng cân quá nhanh cũng là nguyên nhân chậm kinh ở phụ nữ. Điều này khiến cho cơ thể sản xuất quá nhiều estrogen trong thời gian ngắn, làm cho lớp nội mạc tử cung phát triển quá mức và trở nên không ổn định.

2. Vận động quá sức trong khoảng thời nhất định

Tập thể dục rõ ràng là rất tốt cho sức khỏe và giúp bạn có được vóc dáng thon gọn cân đối, nhưng không có nghĩa là bạn có thể lạm dụng biện pháp này. Những bệnh nhân bị mất kinh đa phần là những vận động viên chạy marathon, vũ công ba lê, người hay luyện tập thể hình và những vận động viên chuyên nghiệp khác. 

Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương giải thích câu hỏi của nhiều bạn gái: Tại sao không có thai vẫn bị chậm kinh nguyệt? - Ảnh 3.

Nếu bạn đang luyện tập một cách “quá chăm chỉ” và không bổ sung đủ lượng calo cần thiết, cơ thể bạn sẽ không thể sản xuất đủ estrogen để duy trì một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. 

3. Nguyên nhân căng thẳng tâm lý, stress quá mức

Vùng dưới đồi liên quan đến quá trình tạo ra estrogen trong kỳ kinh nguyệt, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các hormone gây ra bởi stress, chẳng hạn như adrenaline và cortisol. Trong thời điểm cuối năm lo Tết như hiện nay cũng sẽ làm chị em căng thẳng, ảnh hưởng rất nhiều. 

Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương giải thích câu hỏi của nhiều bạn gái: Tại sao không có thai vẫn bị chậm kinh nguyệt? - Ảnh 4.

4. Do tác dụng phụ của thuốc

Tác dụng phụ của một số thuốc trong các nhóm thuốc sau đây nhiều khả năng sẽ gây chậm kinh: thuốc chống trầm cảm, thuốc nội tiết tố, thuốc chống loạn thần, thuốc tránh thai, corticosteroids và thuốc dùng trong hóa trị.

5. Sử dụng chất kích thích

Uống quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến hormone sinh sản, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. 

Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương giải thích câu hỏi của nhiều bạn gái: Tại sao không có thai vẫn bị chậm kinh nguyệt? - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, chất nicotine và khói thuốc lá có tác động xấu đến các cơ quan vùng chậu, làm giảm phân phối oxy đến khu vực xương chậu và ảnh hưởng đến lớp nội mạc tử cung. Không những thế, hút thuốc lâu ngày còn là nguyên do khiến các ống dẫn trứng gặp vấn đề, làm giảm chất lượng cũng như số lượng trứng và dẫn đến vô sinh.

6. Bệnh lý: 

Nếu chị em phụ nữ không rơi vào các trường hợp trên thì đó có thể là dấu hiệu của rối loạn nội tiết, do bệnh lý tuyến giáp hoặc các bệnh lý phụ khoa khác.

Kinh nguyệt đến muộn, nên làm gì?

"Trước mắt bạn phải loại trừ nguyên nhân có thai đầu tiên bằng cách đơn giản là thử que thử thai. Nếu lo lắng không yên tâm thì có thể gặp bác sĩ sản phụ khoa thăm khám và làm xét nghiệm như xét nghiệm HCG, siêu âm. Với những nguyên nhân khác thì bạn tự đánh giá mình có đang gặp một trong 6 nguyên nhân trên không và loại trừ, khắc phục bằng các cách", bác sĩ Quang nhận định. 

Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương giải thích câu hỏi của nhiều bạn gái: Tại sao không có thai vẫn bị chậm kinh nguyệt? - Ảnh 6.

- Cải thiện chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu đang giảm cân thì thực hiện chế độ giảm cân một cách an toàn và khoa học. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ, tránh các biện pháp giảm cân cấp tốc hoặc các thực phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc. Nếu nguyên nhân do tăng quá cân các chị em sẽ cần giảm đi một vài cân để giúp chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường.

- Tập thể dục điều độ giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt.

- Để khắc phục chậm kinh, bạn cần phải vận động chậm lại một chút. Điều này sẽ giúp cho cơ thể bạn trở lại đúng hướng.

Bác sĩ BV Phụ sản Trung ương giải thích câu hỏi của nhiều bạn gái: Tại sao không có thai vẫn bị chậm kinh nguyệt? - Ảnh 7.

 - Hạn chế stress, lo lắng do đó bạn cần phải luyện tập lối sống thanh thản, vui vẻ, tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực. 

 - Hãy trao đổi ngay với bác sĩ điều trị về tình trạng trễ kinh và các loại thuốc đang sử dụng để có thể xác định chính xác nguyên nhân bạn nhé.

- Ngừng ngay việc uống rượu và hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

- Thăm khám phụ khoa với bác sĩ để loại trừ nguyên nhân do bệnh lý của chị em gây chậm kinh hoặc cân chỉnh nội tiết lại với bác sĩ chuyên khoa nội tiết để có phác đồ phù hợp.