Bà mẹ 9X chia sẻ: Tôi chưa bao giờ ghét việc học thêm, điều tôi ghét là phải học những giáo viên dạy không hiệu quả

Thanh Hương, Theo Đời sống & Pháp luật 17:37 12/02/2025
Chia sẻ

Tôi muốn chia sẻ quan điểm của mình về mặt lợi và hại của Thông tư 29, cũng như cách mà chúng ta nên nhìn nhận việc học thêm một cách công bằng hơn.

Những ngày gần đây, Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quản lý dạy thêm, học thêm đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Là một phụ huynh thế hệ 9x, tôi cũng có nhiều suy nghĩ khi nhìn lại chính quãng thời gian đi học của mình và so sánh với thực tế giáo dục hiện nay.

Năm lớp 12, để chuẩn bị cho việc thi đại học, tôi học cả ngày ở trường, từ sáng đến chiều, rồi lại học thêm tiếp ở trung tâm bên ngoài. Một tuần, có 3 buổi tôi học đến 10h tối, 10h30 mới về đến nhà. Nhưng tôi chưa bao giờ ghét việc học thêm, điều tôi ghét là phải học những giáo viên dạy không hiệu quả

Tôi vẫn nhớ, giáo viên Ngữ Văn và Tiếng Anh dạy không hay, thế nên mỗi buổi chiều khi học thêm 2 môn này ở trường, cả lớp đứa nào cũng mệt mỏi, buồn ngủ. Thời gian trôi qua rề rà và vô nghĩa. Chúng tôi đi học vì phải đi. Mọi người ngoài học 2 giáo viên này ở trường ra thì còn phải đi học thêm giáo viên khác ở bên ngoài. 

Ngược lại, giáo viên môn Toán lại có cách dạy rất hay, dễ hiểu. Cả lớp đều mong đến tiết Toán của thầy. Không chỉ học ở trường, chúng tôi còn xin thầy dạy thêm cho buổi tối. Nhờ có thầy mà từ một đứa mất gốc Toán, tôi đi thi đại học được 6,5 điểm. Số điểm đó không cao nhưng đủ giúp tôi đỗ đại học, mở ra trang mới của cuộc đời. 

Lớp tôi từ một lớp kém, nhờ có thầy mà điểm thi Toán đại học xếp top 3 ở trường, chỉ sau lớp T1 và T2 là 2 lớp chuyên Toán. Đến bây giờ, tôi vẫn nói đùa với bố mẹ: "Nếu ngày ấy không có thầy B., chắc lớp con giờ đi làm công nhân hết". 

Chính từ trải nghiệm đó, tôi muốn chia sẻ quan điểm của mình về mặt lợi và hại của Thông tư 29, cũng như cách mà chúng ta nên nhìn nhận việc học thêm một cách công bằng hơn. Theo tôi, việc Bộ Giáo dục ban hành Thông tư 29 nhằm siết chặt việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ mong muốn bảo vệ học sinh khỏi áp lực học tập quá tải và tình trạng lạm dụng học thêm. 

Bà mẹ 9X chia sẻ: Tôi chưa bao giờ ghét việc học thêm, điều tôi ghét là phải học những giáo viên dạy không hiệu quả- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Những điểm tích cực của Thông tư này có thể kể đến:

- Hạn chế tình trạng giáo viên ép buộc học sinh học thêm

Có một thực tế đáng buồn là nhiều giáo viên dạy sơ sài trên lớp, sau đó mở lớp học thêm bên ngoài và tạo áp lực buộc học sinh phải theo học. Học sinh không học thì bị điểm kém, không được quan tâm, dẫn đến tình trạng học thêm mang tính bắt buộc thay vì tự nguyện. Thông tư 29 sẽ giúp giảm bớt sự lạm dụng dạy thêm, bảo vệ học sinh khỏi việc bị ép học ngoài ý muốn.

- Giảm áp lực học tập, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện

Việc học quá nhiều, từ sáng đến tối, có thể khiến học sinh bị căng thẳng, mất cân bằng cuộc sống. Hạn chế học thêm có thể giúp các em có thời gian nghỉ ngơi, tham gia hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng sống thay vì chỉ tập trung vào học hành. Đây là một hướng đi tích cực, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục hiện đại khuyến khích phát triển toàn diện, thay vì chỉ chạy theo điểm số.

- Thúc đẩy cải thiện chất lượng dạy học chính khóa

Nếu dạy thêm bị hạn chế, giáo viên buộc phải nâng cao chất lượng giảng dạy ngay trong giờ học chính khóa thay vì "giữ bài" để dạy ngoài giờ. Điều này có thể giúp học sinh tiếp thu tốt hơn ngay trên lớp, giảm sự phụ thuộc vào học thêm, đồng thời tạo ra một môi trường giáo dục công bằng hơn. Bởi vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học thêm.

Tuy nhiên ngoài tích cực cũng sẽ có nhiều mặt hạn chế

- Cấm dạy thêm liệu có làm mất đi cơ hội của học sinh?

So với đi học ở trung tâm, học thêm ở trường hiện đang có mức phí rất rẻ. Với những học sinh cần bổ sung kiến thức, nếu không được học thêm, các em sẽ gặp khó khăn trong việc theo kịp chương trình. 

- Giáo viên giỏi có còn động lực giảng dạy?

Một số giáo viên thực sự tâm huyết với nghề và có năng lực giảng dạy tốt. Nếu cấm dạy thêm, họ có thể bị mất đi một phần thu nhập, trong khi lương giáo viên hiện nay vẫn chưa thực sự xứng đáng. Điều này có thể khiến giáo viên giỏi dần rời bỏ nghề, hoặc tìm cách dạy thêm "chui", khiến việc quản lý càng khó khăn hơn.

- Nhiều học sinh có thể tìm đến các trung tâm tư nhân với chi phí cao hơn

Nếu không được học thêm từ giáo viên trong trường, phụ huynh có thể sẽ tìm đến các trung tâm luyện thi, trung tâm dạy thêm tư nhân. Tuy nhiên chi phí học tại các trung tâm thường cao hơn nhiều so với học thêm tại trường. Chất lượng không phải lúc nào cũng tốt hơn.

Điều này có thể tạo ra bất bình đẳng trong giáo dục, khi chỉ những học sinh có điều kiện mới được tiếp cận với lớp học chất lượng cao.

Làm sao để quản lý học thêm hiệu quả hơn? 

Thay vì cấm đoán hoàn toàn, tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục có thể áp dụng những giải pháp linh hoạt hơn để kiểm soát việc học thêm hợp lý. Chẳng hạn nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa để học sinh không cần học thêm quá nhiều, giám sát chặt chẽ việc dạy thêm trong trường, đảm bảo giáo viên không ép buộc học sinh học thêm, khuyến khích các lớp học tự nguyện, chất lượng cao thay vì các lớp học thêm "chạy đua điểm số",... Ngoài ra, cần thay đổi chương trình học, giảm tải áp lực thi cử. Chương trình học hiện nay quá nặng. 

Với những trải nghiệm trong quá khứ, tôi không nghĩ rằng học thêm là xấuCái quan trọng không phải là cấm hay không, mà là làm sao để học thêm thực sự mang lại giá trị cho học sinh.

Nếu Thông tư 29 giúp loại bỏ những lớp học thêm kém chất lượng, giảm bớt áp lực học tập không cần thiết, những tiêu cực xung quanh,... thì đó là một tín hiệu tích cực. Nhưng nếu việc cấm đoán quá mức khiến học sinh mất đi cơ hội tiếp cận giáo viên giỏi, hoặc khiến phụ huynh phải chi nhiều tiền hơn cho các trung tâm tư nhân, thì chúng ta cần phải xem xét lại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày