* Bài viết thể hiện quan điểm của chị Trần Thủy - một phụ huynh có con đang học cấp 2 ở Nam Định
Có lẽ tin tức khiến giáo viên, phụ huynh và học sinh bàn luận rôm rả nhất những ngày vừa qua chính là chuyện cấm dạy thêm theo Thông tư 29. Bản thân là một phụ huynh có con đang học cấp 2, tôi thấy mục đích của việc cấm dạy thêm, học thêm rất tốt, nhằm giảm tải áp lực dành cho học sinh.
Xung quanh gia đình tôi, có rất nhiều cháu mới học lớp 3, lớp 4 đã phải đeo kính cận dày sụ, chẳng bao giờ biết đến những trò như "ném ống bơ", "đập thẻ bài",... như trẻ em thế hệ trước. Tuy nhiên, việc cấm dạy thêm liệu có thực sự mang lại hiệu quả?
Tết năm nay, con tôi tuy không có quá nhiều bài Tập như những năm trước nhưng cũng chục câu Toán, chục câu tiếng Anh,... Đọc bài chia sẻ của nhiều phụ huynh trong các hội nhóm, và đọc những bài báo phản ánh, tôi thấy rằng: Không chỉ con tôi mà còn nhiều cháu khác vẫn phải đón Tết với tình trạng một tay cầm bánh Chưng một tay cầm bút hí hoáy làm bài. So với con tôi, nhiều cháu thậm chí có khối lượng bài tập Tết "khủng bố" hơn nhiều.
Hay mọi năm, có nhiều bài báo cũng phản ánh tình trạng trẻ mới vào lớp 1 nhưng phải thức đến... 11h đêm để làm bài. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng: Việc cấm dạy thêm nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh, nhưng điều đó trở nên vô nghĩa và nửa vời khi các cháu vẫn phải dành phần lớn thời gian tự học và làm bài tập ở nhà. Ngay đến cả kỳ nghĩ lễ lớn như Tết, các cháu vẫn không được thư giãn!
Thay vì chỉ cấm dạy thêm, chúng ta cần nhìn sâu hơn vào nguyên nhân gốc rễ của vấn đề: Khối lượng bài tập và chương trình học quá tải.
Ảnh minh họa
Tôi được biết, Trung Quốc - một trong những quốc gia có tình trạng học tập áp lực nhất châu Á, đã đề ra chính sách "Giảm kép" vào năm 2021. Đây là chính sách do Bộ Giáo dục Trung Quốc đề xuất nhằm giảm gánh nặng cho học sinh. Chính sách được áp dụng từ tháng 10/2021, bắt đầu ở những thành phố: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Quảng Đông và An Huy... Hiện nay chính sách được áp dụng rộng rãi ở các quận, huyện Trung Quốc.
Chính sách quy định học sinh lớp 1, 2 không cần làm bài tập về nhà bằng hình thức viết, chỉ đọc và tự ôn bài cũ. Với các em từ lớp 3 - lớp 6, giáo viên chỉ giao bài tập đủ để các em hoàn thành trong một tiếng. Kết quả là sau 3 năm thực hiện, phụ huynh đã bớt đầu tư việc học thêm cho con. Tỷ lệ này giảm tới 40%, thay vào đó, học tích cực chi tiền cho những hoạt động thể chất.
Từ bước đà thành công này, Trung Quốc mới "mạnh tay" với vấn đề dạy thêm, học thêm. Theo tôi, đây là một minh chứng cho thấy việc cải cách toàn diện có thể giảm bớt áp lực học tập hiệu quả hơn nhiều so với chỉ cấm dạy thêm.
Tôi và nhiều phụ huynh khác đều chung quan điểm: Nếu muốn giảm áp lực học tập thực sự, Việt Nam cần thay đổi đồng bộ và sâu rộng, thay vì chỉ tập trung vào một khía cạnh nhỏ như cấm dạy thêm.
Có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất như giảm bài tập về nhà, đặc biệt trong các kỳ nghỉ, tiếp đến là rà soát và tinh giản chương trình học. Ngoài ra, cần tăng cường hỗ trợ học tập trong giờ chính khóa. Thay vì để học sinh phải học thêm sau giờ học, giáo viên nên dành thời gian ôn tập và củng cố kiến thức ngay trong giờ chính khóa.
Tạo không gian cho trẻ em nghỉ ngơi và phát triển toàn diện cũng là điều rất quan trọng. Trẻ em cần có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa để phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và kỹ năng xã hội. Việc giảm khối lượng bài tập và tạo điều kiện cho các hoạt động thể chất, nghệ thuật là điều cần thiết.
Cấm dạy thêm có thể giải quyết được một phần vấn đề, nhưng nếu bài tập vẫn quá tải và chương trình học không được cải cách, học sinh sẽ tiếp tục bị đè nặng bởi áp lực.
Việc giảm áp lực học tập cần được thực hiện một cách toàn diện, bắt đầu từ việc giảm bài tập, tinh giản chương trình học, và xây dựng một môi trường giáo dục cân bằng.
Thay vì chỉ cấm đoán, Bộ Giáo dục nên lắng nghe phụ huynh, giáo viên, và học sinh để đưa ra những chính sách thực tế hơn, tạo điều kiện để các em được nghỉ ngơi đúng nghĩa và phát triển toàn diện.