Ủng hộ bạn nghèo 20.000 đồng, học sinh Hải Phòng bị cô giáo chê "không có lòng người": Cách giải thích càng gây bức xúc

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 15:16 12/02/2025
Chia sẻ

Nhiều người nhận định: "Tùy tâm nhưng phải để tâm" không sai, nhưng cách truyền tải thông điệp lại không ổn.

Đầu năm học, cô giáo khuyến khích học sinh dùng tiền mừng tuổi quyên góp ủng hộ các bạn học sinh nghèo, nhưng khi con mang 20 nghìn đồng đi ủng hộ lại bị cô giáo chê "không có lòng" và trả về - Đây là câu chuyện được một bà mẹ có con đang học lớp 8 ở Hải Phòng chia sẻ gây chú ý.

Người này cho biết thêm: "Rất nhiều học sinh cũng ủng hộ tùy tâm, tùy ý. Xong hôm nay con em đi học về bảo với mẹ là lớp con có nhiều bạn cũng ủng hộ 20 nghìn đồng nhưng cô không bảo sao, con ủng hộ 20 nghìn đồng thì cô nói là nhà có điều kiện mà đóng chừng đó, không có lòng người, và cô trả lại tiền".

Đính kèm bài viết là hình ảnh về trao đổi của phụ huynh này và cô giáo. "Cô bảo hoạt động tùy tâm, nhưng các con phải để tâm vào, không phải làm cho xong là xong". Cô giáo cũng đặt câu hỏi cho phụ huynh là "Tại sao các bạn nghĩ được, làm được mà con không làm được ?"… đồng thời giải thích cô phê bình cả tổ 3 chứ không chỉ mình con của phụ huynh nói trên.

Ủng hộ bạn nghèo 20.000 đồng, học sinh Hải Phòng bị cô giáo chê

Ủng hộ bạn nghèo 20.000 đồng, học sinh Hải Phòng bị cô giáo chê

Đính kèm bài viết là hình ảnh về trao đổi của phụ huynh này và cô giáo.

Nhiều người nhận định: "Tùy tâm nhưng phải để tâm" không sai, nhưng cách truyền tải thông điệp lại không ổn và cho rằng cô giáo quá chạy theo thành tích.

Sự đóng góp không nên bị đánh giá bằng số tiền, mà phải dựa trên tấm lòng. Điều này cũng phải xuất phát từ sự tự nguyện, không ép buộc hay phán xét. Mặc dù cô giáo có thể có mục đích tốt đẹp khi kêu gọi hỗ trợ các bạn học sinh nghèo, nhưng cách cô truyền tải thông điệp lại làm mất đi giá trị của sự chia sẻ và lòng nhân ái. 

Mỗi người có khả năng đóng góp khác nhau, một món tiền nhỏ đôi khi cũng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa và tình cảm. Nếu như việc quyên góp không được thực hiện một cách công bằng và tôn trọng từng cá nhân, thì mục tiêu cuối cùng của việc giúp đỡ người khác sẽ dễ dàng lệch lạc và mất đi giá trị cốt lõi.

Câu chuyện này cũng đặt ra câu hỏi về cách thức kêu gọi quyên góp trong các môi trường học đường, làm thế nào để vừa đảm bảo tính tự nguyện, vừa tránh việc áp lực hoặc đánh giá sai về lòng tốt của các em học sinh. Một số phụ huynh gợi ý, nên quyên góp bằng vật phẩm như đồ chơi, sách truyện, đồ dùng học tập sẽ tốt hơn là tiền bạc. Bởi ở độ tuổi học sinh, các con chưa kiếm được tiền. "Lì xì bằng tiền mà đòi 'để tâm' thì chỉ có đòi phụ huynh để tâm thôi chứ trẻ con biết gì đâu", một người nhận định.

Trao đổi về vụ việc trên báo Lao Động, Hiệu trưởng nhà trường nơi em học sinh đang theo học cho biết: "Sau Tết, cô giáo H. – giáo viên chủ nhiệm có thông báo cho các học sinh đóng góp ủng hộ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp". Đây là hoạt động tự phát của cô giáo, nhà trường không phát động hay tổ chức chương trình quyên góp nào vào đầu năm nay.

Ông cũng thừa nhận, cách ứng xử của cô giáo đúng là chưa được hay, chưa chuẩn chỉ. "Nhà trường sẽ yêu cầu cô phải rút kinh nghiệm trong cách ứng xử với các học sinh và phụ huynh. Giáo viên phải có lời lẽ thật đúng mực mới phải" - ông nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày