Con gái chỉ thiếu 1 điểm là đỗ đại học top 1 cả nước, mẹ nhờ người kiểm tra hộ, 11 chữ con ghi trên bài thi khiến bà điếng người

Đông, Theo Đời sống & Pháp luật 00:10 07/02/2025
Chia sẻ

Người mẹ đã mất tất cả sau sự việc này.

* Dưới đây một câu chuyện từng được chia sẻ trên trang 163 (Trung Quốc) khiến nhiều bậc phụ huynh phải suy ngẫm.

Câu chuyện bắt đầu vào thời điểm căng thẳng nhất trong năm, khi kỳ thi Cao Khảo sắp công bố kết quả, tại gia đình họ Lưu. Lưu Nhan - người mẹ trong câu chuyện vốn rất quan tâm đến việc học của con gái và luôn mong mỏi con gái mình đạt được mục tiêu vào Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh tiếng hàng đầu của Trung Quốc. Bao năm trời, bà dành hết niềm tin và hy vọng vào cô con gái nhỏ, luôn tin rằng con gái mình sẽ vượt qua mọi thử thách.

"Đừng lo lắng, mẹ biết con chắc chắn sẽ làm được", người mẹ nắm tay con gái và nhẹ nhàng an ủi, với ánh mắt đầy niềm tin.

Cô con gái, dù vậy, chỉ im lặng ngồi đó, không nói một lời. Tưởng chừng chiến thắng đã gần kề, nhưng rồi một điều bất ngờ đã xảy ra, khi kết quả tra ra, cô con gái chỉ thiếu đúng… 1 điểm để vào Thanh Hoa.

Người mẹ không tin vào mắt mình. Bà ngơ ngác nhìn kết quả, không hiểu sao có thể xảy ra sai sót lớn đến vậy. Cảm giác thất vọng ập đến, bà quay sang nhìn con gái, nhưng chỉ thấy cô bé cúi đầu, vẻ mặt điềm tĩnh đến lạ.

"Chuyện này là sao? Sao có thể như vậy được?", người mẹ thảng thốt, không thể hiểu nổi tình huống này.

Với sự hiểu biết sâu sắc về con gái, người mẹ biết rằng điểm số này hoàn toàn không phản ánh đúng năng lực của cô. Bà không chấp nhận kết quả, mà quyết định sẽ tìm hiểu rõ sự thật. Khi bà kiểm tra lại bài thi, một dòng chữ nhỏ in trên giấy khiến người mẹ không thể kìm nén cảm xúc, bật khóc ngay tại chỗ…

Chuyện gì đã xảy ra?

Con gái chỉ thiếu 1 điểm là đỗ đại học top 1 cả nước, mẹ nhờ người kiểm tra hộ, 11 chữ con ghi trên bài thi khiến bà điếng người- Ảnh 1.

Trường Đại học Thanh Hoa.

01

Lưu Nhan sinh ra trong một gia đình trí thức. Cả cha lẫn mẹ bà đều là giáo sư đại học tốt nghiệp từ Đại học Thanh Hoa. Trong một môi trường như vậy, bà cũng mang trong mình tinh thần tranh đua mạnh mẽ, luôn muốn đứng trên người khác trong mọi việc.

Từ nhỏ, Lưu Nhan đã học rất giỏi, thành tích luôn đứng đầu lớp. Dù là trong học tập hay bất kỳ sở thích nào khác, bà đều muốn trở nên xuất sắc. Ngay cả trong chuyện tình cảm, bà cũng muốn chọn người chồng ưu tú nhất.

Năm đó, chồng bà là nam sinh được yêu thích nhất lớp. Để chinh phục ông, bà kiên trì suốt một năm trời: ngày ngày quan tâm chăm sóc, tặng quà không tiếc tay. Cuối cùng, sau bao nỗ lực, bà cũng thành công khiến ông trở thành chồng của mình.

Sau khi sinh con gái, trong lòng Lưu Nhan dần dâng lên một khát khao kiểm soát mãnh liệt. Bà muốn con gái đi theo con đường mà mình đã vạch sẵn, muốn cô bé giống như bà năm xưa – học tập xuất sắc, thi đỗ Thanh Hoa. Thậm chí, bà còn đăng ký lớp giáo dục sớm cho con gái từ khi cô bé còn đi chưa vững, nói chưa sõi.

Con gái chỉ thiếu 1 điểm là đỗ đại học top 1 cả nước, mẹ nhờ người kiểm tra hộ, 11 chữ con ghi trên bài thi khiến bà điếng người- Ảnh 2.

Người mẹ có nhiều tham vọng ở cô con gái nhỏ.

02

Dưới sự rèn giũa của mẹ trong suốt nhiều năm, con gái Lưu Nhan không dám phản kháng. Cô bé sợ hãi trước người mẹ luôn cau có, dữ dằn, cũng không muốn đối mặt với những cơn giận dữ bùng nổ cùng những lời mắng nhiếc như bão tố… nếu mình không nghe theo lời mẹ.

Sau khi con gái vào tiểu học, Lưu Nhan càng nghiêm khắc hơn. Bà đặt ra một quy tắc cứng nhắc cho con: buộc phải đi ngủ trước 9 giờ tối, nếu trễ dù chỉ một phút, sẽ phải làm thêm một bài kiểm tra. Chính vì quy định này, con gái bà lúc nào cũng chìm trong đống bài tập không bao giờ kết thúc. Nhiều đêm, dù đã 2 giờ sáng, cô bé vẫn phải thức để học.

"Mẹ ơi, con buồn ngủ quá… mắt con không mở nổi nữa rồi", cô bé rụt rè cầu xin, giọng nói nhỏ nhẹ đầy lo sợ, sợ rằng nếu chọc giận mẹ, bà sẽ lại quát tháo dữ dội.

"Không được! Đã nói rồi, trễ một phút làm thêm một bài kiểm tra, con trễ mấy phút rồi? Làm xong hết rồi mới được ngủ!", Lưu Nhan lạnh lùng đáp, không hề mủi lòng trước dáng vẻ đáng thương của con gái.

Đến 2 giờ sáng, cô bé mới hoàn thành bài tập và chìm vào giấc ngủ. Nhưng 6 giờ sáng, mẹ lại đánh thức cô dậy để học bài. Một đứa trẻ mới 6 tuổi, mỗi ngày chỉ được ngủ vỏn vẹn 4 tiếng, nghe mới đáng sợ làm sao?

Chứng kiến sự hà khắc của vợ, cuối cùng người chồng cũng không thể chịu đựng thêm: "Em đang làm gì vậy? Con bé mới mấy tuổi, sao em có thể hành hạ con như thế?".

"Em hành hạ con? Chẳng lẽ em không mệt sao? Em ngủ cùng giờ với con, dậy cùng giờ với con, nó ngủ bao nhiêu, em ngủ bấy nhiêu. Em vất vả như vậy, anh không động viên thì thôi, còn quay sang trách móc em? Em làm tất cả là vì ai? Không phải vì con gái chúng ta sao?", Lưu Nhan phản bác gay gắt.

Dần dần, chồng bà cũng không tranh cãi nữa. Bởi vì đúng sai không còn quan trọng, điều quan trọng là vợ ông không cho phép bất kỳ ai phản đối quyết định của mình.

Càng lớn, khối lượng kiến thức mà con gái Lưu Nhan phải học càng nhiều. Trên đường đi học, cô bé phải học từ vựng tiếng Anh. Trên đường về nhà, nữ sinh lại phải học thuộc thơ cổ. Ngay cả hai tiếng nghỉ trưa ít ỏi, Lưu Nhan cũng tận dụng triệt để, gửi con gái đến lớp học thêm.

Dưới sự áp đặt của mẹ, cô bé dần trở nên rụt rè, nhút nhát, luôn nói năng lí nhí, không dám thể hiện ý kiến của mình. Cô bé không dám cãi lời mẹ, vì cô bé biết rằng, nếu làm vậy, điều chờ đón cô bé sẽ là những lời mắng nhiếc, trách móc, và chúng có thể ập đến bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu.

Khi con gái mới bập bẹ tập nói, bà đã bắt đầu dạy cô bé học thuộc thơ cổ, thậm chí là Kinh Thi. Một đứa trẻ còn chưa nói sõi, đôi khi chưa thể nói tròn câu, nhưng lại phải gắng gượng học thuộc những bài thơ mà bản thân không hiểu nghĩa, chỉ vì muốn làm mẹ hài lòng.

Cô con gái bé nhỏ, đối diện với sự khắt khe của mẹ, chỉ biết dùng nước mắt để phản kháng. Nhưng đáp lại, không phải là sự vỗ về, mà là những lời trách mắng gay gắt. Có lần, khi con gái không thể đọc trọn vẹn một bài thơ, bà nhẫn tâm nhốt cô bé vào phòng tối để phạt đứng. Đứa trẻ ngây thơ ấy không hiểu vì sao mẹ lại nghiêm khắc với mình đến vậy. Cô bé chỉ đơn giản nghĩ rằng – mẹ không yêu mình.

Con gái chỉ thiếu 1 điểm là đỗ đại học top 1 cả nước, mẹ nhờ người kiểm tra hộ, 11 chữ con ghi trên bài thi khiến bà điếng người- Ảnh 3.

Dưới sự rèn giũa của mẹ trong suốt nhiều năm, con gái không dám phản kháng.

03

Không chỉ chồng của Lưu Nhan cảm thấy khó chịu với cách dạy con của bà, mà ngay cả giáo viên chủ nhiệm của con gái cũng không thể hiểu nổi những hành động của bà: "Thành tích học tập của con gái chị luôn rất tốt, lúc nào cũng đứng nhất lớp. Nhưng cũng phải để cháu có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn một chút. Nếu lúc nào cũng ép buộc, cháu sẽ bị áp lực rất lớn".

"Thầy cũng biết đấy, thời đại này không cho phép ai được lơ là dù chỉ một chút. Hơn nữa, thành tích hiện tại của nó vẫn chưa thể so với tôi ngày xưa, nên nó còn nhiều điều cần phải cố gắng", Lưu Nhan phản bác.

Bất kể ai khuyên nhủ, bà đều gạt phăng đi. Lâu dần, không ai dám can thiệp vào chuyện nhà bà nữa.

Cứ như thế, dưới sự kiểm soát hà khắc của mẹ, con gái bà đã đỗ vào một trường trung học trọng điểm. Lưu Nhan thậm chí còn thuê nhà gần trường, tuyên bố sẽ đồng hành cùng con trong mọi bước đường.

Nhưng trong môi trường khắc nghiệt mà mẹ tạo ra, cô bé lớn lên một cách cô độc. Đứa trẻ đáng thương này chưa từng có bạn bè, chưa từng trải qua niềm vui khi cùng bạn bè ra ngoài chơi. Mỗi khi nhìn thấy bạn cùng lớp ríu rít trò chuyện, cười nói vui vẻ, cô bé cũng muốn hòa nhập. Nhưng cô bé không biết cách giao tiếp, chỉ có thể đứng lặng lẽ một góc, ánh mắt vừa ngưỡng mộ vừa bất lực.

Dù học giỏi, nhưng bạn bè dần dần phớt lờ sự tồn tại của cô bé. Trong mắt họ, cô bé đã trở thành một cỗ máy học tập, không cảm xúc, không suy nghĩ, không có chính kiến - một mọt sách đúng nghĩa.

Tất nhiên, mẹ cô bé cũng không bao giờ cho phép con gái đi chơi, thậm chí không cho phép cô bé có một phút giây thư giãn. Chỉ cần cô bé không học, sẽ lập tức bị mắng nhiếc không thương tiếc. Dần dần, cô bé đã tập quen với sự cô độc, học cách chấp nhận nó.

Rồi một ngày, một người bạn cùng lớp chủ động bắt chuyện với cô bé. Người bạn sau khi nghe chuyện nhà của cô bé rằng cô bé rất sợ mẹ, không dám làm gì vì mẹ không cho, đã khuyên: "Nhưng mẹ cậu không phải lúc nào cũng đúng. Cậu là một con người, cậu có quyền lựa chọn. Đừng mãi bị gò bó, hãy thử phá bỏ giới hạn và phản kháng một lần đi!".

Những lời ấy vô tình tạo nên một gợn sóng trong lòng cô bé.

Lần đầu tiên, cô bắt đầu dao động.

Lần đầu tiên, cô bắt đầu nghĩ đến chuyện phản kháng.

Con gái chỉ thiếu 1 điểm là đỗ đại học top 1 cả nước, mẹ nhờ người kiểm tra hộ, 11 chữ con ghi trên bài thi khiến bà điếng người- Ảnh 4.

Sau cuộc trò chuyện với bạn cùng lớp, cô bé bắt đầu có ý định phản kháng.

04

Hôm ấy, sau bữa ăn, cô con gái muốn uống một ly nước lạnh.

"Không được, mau đặt xuống! Uống vào sẽ đau bụng. Mẹ đã đun nước ấm cho con, để mẹ rót cho", người mẹ phản ứng trước mong muốn của con.

"Không, con muốn uống nước lạnh".

"Mẹ đã nói là không được!".

“Nhưng con nói là con muốn”.

Lưu Nhan nhìn con gái với ánh mắt khó tin. Từ bé đến lớn, con luôn nghe lời bà, chưa bao giờ dám cãi lại như thế này: "Gan con lớn rồi đấy nhỉ? Mẹ bảo uống nước ấm, thì phải uống nước ấm!". 

Cuối cùng, cô con gái vẫn phải uống nước ấm. Nhưng một khi hạt giống phản kháng đã nảy mầm, nó sẽ không thể bị kiềm chế, và một ngày nào đó, sẽ trở thành một cơn bão hủy diệt tất cả.

Trước kỳ thi đại học, Lưu Nhan nắm tay con gái, giọng đầy nghiêm túc: "Chỉ cần con đỗ vào Đại học Thanh Hoa, mẹ sẽ không can thiệp vào cuộc sống của con nữa. Từ nay về sau, mọi quyết định đều do con tự chọn".

Khi cô bé mừng rỡ hỏi lại, Lưu Nhan lại đưa ra điều kiện, rằng có một vài quy tắc cô bé vẫn phải đảm bảo, chẳng hạn như mỗi sáng 5 giờ phải đến thư viện điểm danh. Trước 10 giờ tối phải về ký túc xá. Điện thoại phải luôn mở 24/7, vì mẹ có thể gọi bất cứ lúc nào.

Nghe đến đây, trái tim nữ sinh như hóa tro tàn. Cô bé nhận ra, cả đời này, mình sẽ không bao giờ thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ. Cô bé thấy sợ hãi, thấy ngột ngạt, thấy tuyệt vọng. Tại sao mẹ phải đặt toàn bộ cuộc sống của bà lên vai cô? Đây đáng lẽ là cuộc đời của cô, vậy tại sao một người khác lại có quyền quyết định?

Cô hiểu rõ rằng, nếu tiếp tục cam chịu và vâng lời, cô sẽ mãi mãi không bao giờ thoát khỏi vực thẳm này. Vì vậy, cô đã đưa ra một quyết định táo bạo: Cô sẽ chống lại mẹ đến cùng!

Con gái chỉ thiếu 1 điểm là đỗ đại học top 1 cả nước, mẹ nhờ người kiểm tra hộ, 11 chữ con ghi trên bài thi khiến bà điếng người- Ảnh 5.

Cô bé biết rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ.

05

Thời gian thấm thoắt trôi, chẳng mấy chốc kỳ thi đại học đã kết thúc. Sau kỳ thi đại học, Lưu Nhan hoàn toàn tin tưởng vào việc con gái sẽ đỗ vào Đại học Thanh Hoa. Bà hiểu rõ khả năng của con, vì vậy, khi tra điểm, bà không cảm thấy quá căng thẳng.

Nhưng khi điểm thi được công bố, cảm xúc của bà từ thiên đường lập tức rơi xuống địa ngục. Bà cảm thấy như trời đất sụp đổ, gần như không thể kiềm chế được. Vì con thiếu 1 điểm để vào Thanh Hoa. 

"Thiếu 1 điểm? Sao có thể? Khả năng của con không phải như vậy!", người mẹ run rẩy, cảm thấy tất cả những nỗ lực suốt bao năm trời chỉ để có được vinh quang này, giờ đây tan thành mây khói, trở thành chuyện không có thật.

Đối diện với những lời chỉ trích của mẹ, con gái Lưu Nhan chỉ cúi đầu, không nói gì.

Mẹ không thể chấp nhận kết quả này, bà nhờ người có quan hệ xem lại bài thi. Khi nhìn thấy bài thi của con, bà bất ngờ rơi nước mắt ngay tại chỗ, cảm thấy đau đớn đến tột cùng.

Vì trên mỗi bài thi của con đều có một dòng chữ nhỏ: "Mẹ ơi, đừng ép con nữa, con thật sự rất mệt!".

Dù đã nỗ lực suốt mười mấy năm, nhưng con gái bà vẫn im lặng tố cáo mẹ bằng những dòng chữ đẫm nước mắt, khiến trái tim người mẹ như vỡ vụn. Đây chính là lúc mẹ mới nhận ra rằng, dù con gái có vẻ ngoan ngoãn và nghe lời, nhưng trong lòng cô bé đã trải qua vô vàn lần đấu tranh.

Cuối cùng, chồng bà quyết định ly hôn, con gái cũng chọn rời xa bà, sống cùng với bố. Không biết khi mất đi tất cả, bà sẽ có cảm giác hối hận hay không?

Câu chuyện của Lưu Nhan và con gái không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh có tư tưởng kiểm soát con cái quá mức, mà còn là minh chứng cho thấy tình yêu thương, nếu không đặt đúng chỗ, có thể trở thành xiềng xích trói buộc con trẻ.

Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con mình thành công, nhưng thành công thực sự không phải là việc con cái đạt điểm số cao hay vào được trường đại học danh giá, mà là khi con có thể sống một cuộc đời hạnh phúc, tự chủ và biết cách yêu thương chính mình.

Sự kiểm soát quá mức không tạo ra một đứa trẻ hoàn hảo, mà chỉ khiến chúng dần đánh mất bản thân, trở nên cô độc và mệt mỏi. Thay vì ép buộc con theo một khuôn mẫu có sẵn, cha mẹ nên là người đồng hành, lắng nghe và tôn trọng những cảm xúc, ước mơ của con.

Bởi vì, đến cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải là con đạt được thành tích gì, mà là con có cảm thấy hạnh phúc trên hành trình trưởng thành của mình hay không.

Theo 163.com

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày