Ăn quá nhiều hoặc quá ít đều có thể là biểu hiện... "thần kinh lung linh"!

Bình Bình, Theo Trí Thức Trẻ 14:50 26/12/2016

Rối loạn ăn uống - người ăn quá nhiều hay quá ít đều cần đọc bài này bởi đây là một chứng bệnh khá nghiêm trọng đó.

Rối loạn ăn uống và biểu hiện

Rối loạn ăn uống là một dạng bệnh tâm lý. Biểu hiện của bệnh này là người bệnh thường tự ép mình ăn quá nhiều hoặc từ chối việc ăn uống. Bệnh được chia làm 2 dạng chính:

Chán ăn tâm thần: xảy ra khi bệnh nhân bị ám ảnh về vấn đề cân nặng của mình, từ đó mà tự ép mình nhịn ăn hoặc ăn rất ít.

Rối loạn ăn vô độ: ăn rất nhiều trong một thời gian ngắn nhưng ngay sau đó lại tìm cách thoát khỏi tình trạng thừa calo bằng cách ói mửa hoặc tập thể dục quá sức. Tình trạng này thường xảy ra sau những bữa tiệc tùng, bệnh nhân cảm thấy "hối hận" vì mình đã ăn quá nhiều.

Ăn quá nhiều hoặc quá ít đều có thể là biểu hiện... thần kinh lung linh! - Ảnh 1.

Đủ mọi tác hại của bệnh rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả thể chất lẫn tinh thần, với rất nhiều nguy cơ gây bệnh cho các bộ phận:

- Gây hại thận, nhiễm trùng đường tiểu.

- Gây hại đến ruột già, mất nước, táo bón, tiêu chảy, về lâu dài sẽ gây hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hoá, dẫn đến chứng khó tiêu kinh niên, rối loạn dạ dày và ruột.

- Động kinh, co giật bắp thịt hay chuột rút.

- Mất kinh hoặc kinh nguyện thất thường (xảy ra ở nữ giới).

Ăn quá nhiều hoặc quá ít đều có thể là biểu hiện... thần kinh lung linh! - Ảnh 2.

- Suy yếu hầu hết các bộ phận trên cơ thể, giảm sức đề kháng, khiến cho cơ thể nhạy cảm hơn, nhất là khi thời tiết thay đổi.

- Cơ thể mọc rất nhiều lông.

- Mất tập trung, khả năng suy nghĩ bị ảnh hưởng.

- Ảnh hưởng tới cổ họng, thực quản, tuyến nước bọt...

Từ nguyên nhân đến giải pháp

Rối loạn ăn uống, ngoài yếu tố gen chiếm một tỷ lệ rất nhỏ thì nguyên nhân chủ yếu xảy ra do các vấn đề về sức khoẻ tâm lý và tình cảm. Các vấn đề tâm lý đó có thể xảy ra do những biến cố trong chuyện tình cảm, do tác động của mọi người xung quanh, sự chê bai, trách móc... nhưng dù vì bất kì lý do gì thì nó sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý, từ đó dẫn đến rối loạn ăn uống.

Ăn quá nhiều hoặc quá ít đều có thể là biểu hiện... thần kinh lung linh! - Ảnh 3.

Việc điều trị càng được thực hiện sớm càng giúp giảm bớt những hậu quả do bệnh này gây ra. Những việc cần làm để chữa trị căn bệnh này là:

- Tự tạo các thói quen ăn uống lành mạnh. Việc này bệnh nhân cần tự ý thức bản thân mình thực hiện.

- Nhờ tới sự tác động của mọi người xung quanh như nhắc nhở, cưỡng chế để ăn uống đúng và đủ bữa.

- Nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ trong trường hợp cần thiết ở những người suy dinh dưỡng nặng hoặc những người mắc vấn đề nghiêm trọng về tâm lý.

Đề phòng tình trạng rối loạn ăn uống

Việc phòng tránh rối loạn ăn uống là rất khó và nó phụ thuộc chủ yếu vào bản thân chúng ta. Bạn cần tự ý thức được việc ăn uống lành mạnh, ăn như thế nào để có lợi cho sức khoẻ, không ăn quá no, cũng không được tự bỏ đói. Bên cạnh đó, hãy tham gia các hoạt động lành mạnh, thể dục thể thao, hoạt động ngoài trời, hạn chế thức khuya, ngủ nướng, "giam" mình trong phòng với chiếc máy tính để nuôi dưỡng tinh thần nhé!

Nguồn: wiki, sistacafe