Án mạng chấn động từ chuyện nuôi heo, thủ phạm nhận án tử trong day dứt

Hồ Ca, Theo infonet 09:06 02/09/2021

Được nhờ đi khuyên giải xích mích giữa hai gia đình nhưng trong phút hiếu chiến bốc đồng, những người trẻ không tìm được tiếng nói chung. Hậu quả là 3 người thương vong, người nhận án tử hình, kẻ chung thân; tình cảm anh em họ hàng cũng tan tành.

Tương tàn vì một cái chuồng heo

2 năm sau vụ truy sát kinh hoàng xảy ra ở xã Tam Thăng (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) làm 3 người thương vong vào năm 2019, tháng 7/2021, 7 bị cáo liên quan phải hầu tòa, nhận những bản án nghiêm khắc. Đáng nói, vụ án mạng mà cả nạn nhân và bị can đứng trước vành móng ngựa đều còn rất trẻ, khiến nhiều người xót xa.

Án mạng chấn động từ chuyện nuôi heo, thủ phạm nhận án tử trong day dứt - Ảnh 1.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án

Khi được nói lời sau cùng, Nguyễn Xuân Công (SN 1993, phường An Phú, TP. Tam Kỳ) - bị cáo lĩnh mức án cao nhất trong vụ án bày tỏ sự ăn năn, hối hận. Quay sang gia đình bị hại, Công cúi đầu xin lỗi vì tội ác mà mình đã gây ra.

Điều đáng nói, ban đầu sự việc không liên quan gì đến Công, nhưng chỉ vì phút bốc đồng, không đủ bản lĩnh kiềm chế cảm xúc, anh ta đã phải trả cái giá rất đắt, không còn cơ hội để sửa sai.

Án mạng chấn động từ chuyện nuôi heo, thủ phạm nhận án tử trong day dứt - Ảnh 2.

Nguyễn Xuân Công bị tuyên án tử hình

Câu chuyện bắt đầu từ mâu thuẫn giữa hai gia đình ông Phạm Hồng Văn (SN 1964) và ông Nguyễn Văn Mười (SN 1967) cùng trú xã Tam Thăng. Hai ông là anh em cô cậu ruột, nhà ông Văn ở ngay sau nhà ông Mười, cách nhau bởi con đường bê tông rộng 2,5m.

Nhà ông Mười chăn nuôi heo nên có mùi hôi thối, ảnh hưởng đến nhà ông Văn. Vì vậy, hai con của ông Văn là Phạm Ngọc Cấp (SN 1991) và Phạm Hồng Phát (SN 1993) thường gây gổ, ném đá lên mái nhà của ông Mười.

Năm 2018, ông Mười làm hầm biogas để xử lý nhưng vẫn không hết mùi hôi.

Bực tức, tối 13/6/2019, Cấp qua nhà ông Mười để phản ánh. Do gia đình ông Mười đã đi ngủ nên anh ta đá vào cửa rồi bỏ về. Đến sáng hôm sau, trong lúc đi làm đồng, ông Mười nhớ lại việc lúc tối nên gọi cho cháu là Nguyễn Văn Niên (SN 1991, gọi ông Mười là cậu) nhờ đến gặp anh em Cấp, Phát khuyên giải đừng quậy phá nữa.

Để giúp cậu, Niên nhờ Công nói chuyện với Phát vì Công và Phát có quen biết. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ, trao đổi không tìm được nói chung mà còn đẩy câu chuyện đi xa hơn. Trước khi về, Niên còn nói với Cấp: “Làm gì đó thì làm chứ đừng để tức nước vỡ bờ”.

Án mạng chấn động từ chuyện nuôi heo, thủ phạm nhận án tử trong day dứt - Ảnh 3.

Chuồng heo nhà ông Mười gây mùi hôi thối, cha con ông Văn nhiều lần ý kiến nhưng không xử lý được dứt điểm


Hối hận muộn màng

Tưởng mọi chuyện sẽ dừng ở đó, nhưng khoảng 16h ngày 14/6/2019, Phát gọi điện thoại cho Niên nói “lên nhà nói chuyện, không thì phá nhà ông Mười”. Nghe điện thoại của Phát xong, Niên gọi điện thoại rủ Công và Nguyễn Xuân Thành (SN 1989, anh của Niên) đi cùng. Trước khi đi, Công lấy cây gậy ba trắc giấu vào trong người “phòng thân”.

Khi đến nơi, Phát cầm rựa đi lại đá vào xe Niên. Thấy vậy, Công rút cây gậy ba trắc ném về phía Phát nhưng không trúng. Cấp cũng đến khu vực chuồng bò của gia đình lấy cây mỏ xảy (dùng phơi rơm) đuổi đánh nhóm của Niên bỏ chạy. Quay trở về nhà, Cấp đập phá xe máy mà Niên để lại trước sân.

Còn nhóm của Công, sau khi bỏ chạy, Niên gọi cho Nguyễn Tấn Thịnh (SN 1985) rồi cả 4 người quay lại nhà Cấp lấy xe. Tuy nhiên, nhóm Niên lại bị Cấp, Phát và ông Văn (vừa đi làm về) đuổi đánh, bỏ chạy lần thứ hai.

Sau lần đó, Thịnh đi về nhà. Thấy quân số ít nên Công gọi điện rủ Phan Tấn Nhựt (SN 1991) và Nguyễn Triều Phong (SN 2002) đến “hỗ trợ”. Trước khi đi, Phong lấy hai cây tuýp sắt mang theo. Đến nơi, cả nhóm quay vào nhà ông Văn thì tiếp tục lại bị đuổi đánh nên vứt hung khí tìm đường tháo chạy.

Còn Thịnh, do vẫn còn bực tức việc bị anh em Cấp đánh, đồng thời muốn giúp Niên lấy lại xe máy nên rủ thêm Phạm Trương Hồng Quân (SN 2003, tất cả cùng trú phường An Phú) quay lại “đáp trả”. Trước khi đi, Thịnh và Quân lấy một cây kiếm Nhật và 5 cây tuýp sắt mang theo.

Khi Thịnh và Quân đến nơi, Công cầm cây kiếm Nhật đi trước, những người còn lại cầm tuýp sắt đi sau, xông vào “xử” ba cha con ông Văn. Trong cuộc hỗn chiến, Công cầm kiếm chém ông Văn nhiều nhát làm nạn nhân gục tại chỗ. Công tiếp tục chém nhiều nhát vào người Phát khiến anh này trọng thương.

Cấp cũng bị chém một nhát vào mặt nhưng do hỗn loạn, trời tối nên không biết ai đã chém mình. Còn Quân, thấy ông Văn đang nằm dưới đường thì cầm tuýp sắt chạy đến tiếp tục đánh nhiều cái vào người nạn nhân.

Sau khi gây án, cả nhóm Công bỏ trốn.

Ông Văn được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Cấp bị thương 10%, còn Phát thương tích 30%.

Án mạng chấn động từ chuyện nuôi heo, thủ phạm nhận án tử trong day dứt - Ảnh 4.

Hiện trường vụ án và chiếc xe máy mà Niên để lại nhà ông Văn

Cáo trạng của Viện kiểm sát chỉ rõ, Niên là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, Công là người tham gia tích cực; còn Thành, Nhựt, Thịnh, Phong và Quân có vai trò giúp sức. 7 bị cáo có các tình tiết định khung tăng nặng là “Giết hai người trở lên” và “Có tính chất côn đồ”.
Riêng Công có một tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” chưa được xóa án tích thì tiếp tục phạm tội mới, do vậy, hành vi của Công thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm”.


Giữa tháng 7/2021, vụ án được đưa ra xét xử, Công bị tuyên mức án tử hình, Niên nhận án tù chung thân, Thành 14 năm tù, Nhựt 15 năm tù, Thịnh 16 năm tù, Quân 10 năm tù và Phong 9 năm tù cùng về tội “Giết người”.

Liên quan đến vụ án, Cấp cũng bị tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Sau khi nghe tòa tuyên án, một số bị cáo đã bật khóc và ân hận vì tội ác của mình đã gây ra. Những giọt nước mắt muộn màng là hồi chuông cảnh tỉnh những đối tượng thích hành xử kiểu côn đồ, coi thường pháp luật, đặc biệt là những người trẻ nông nổi, hiếu chiến khi giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày