Ai là kẻ thua cuộc trong cuộc chiến "chảy máu đầu" giữa Netflix và Cannes?

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 14:59 23/04/2018

Việc dịch vụ chiếu phim online Netflix đã tuyên bố rút toàn bộ đầu phim của mình khỏi vòng tranh giải của liên hoan phim Cannes năm nay khiến cho nhiều nhà làm phim phải bất bình.

Thế giới đang chứng kiến những bước chuyển dịch không thể tin nổi dựa vào sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong những năm vừa qua. Nếu một nhà phê bình phim du hành từ năm 2005 đến thời điểm hiện tại, chắc chắn anh ta sẽ rất sốc khi biết rằng liên hoan phim Cannes danh giá đang phải đụng độ với một hãng dịch vụ công chiếu phim thu phí online.

Ai là kẻ thua cuộc trong cuộc chiến chảy máu đầu giữa Netflix và Cannes? - Ảnh 1.

Được thành lập vào năm 1997, Netflix vẫn còn rất non trẻ nếu đem so với Cannes - một lễ hội điện ảnh hiện đã bước sang năm thứ 71. Cannes được ví như một triển lãm khổng lồ của nền văn hoá điện ảnh thế giới, nơi đón nhận số lượng đông đảo những người đến tham dự để chiêm ngưỡng, bình luận và phê bình các tác phẩm đến từ những cái tên hàng đầu trong giới nghệ sĩ.

Ban tổ chức của Cannes không mặn mà mấy với Netflix nhưng những nhà phân phối phim ở Pháp thì có. Họ đang phải tìm cách đối phó với sự siết chặt của đạo luật bảo hộ sở hữu công nghiệp trong nước. Đạo luật này quy định các nhà đài chủ dịch vụ chiếu phim online chỉ được phép phát hành sau khi bộ phim đã ra rạp trong một quãng thời gian tối thiểu 3 năm. Không chỉ ở riêng Pháp mà nhiều nước khác trên thế giới cũng áp dụng quy định này vào trong luật của mình. Đó chính là lý do vì sao thời gian gần đây Netflix đã chuyển theo hướng phát hành các tựa phim do chính mình sản xuất. Trong đó có thể kể đến hai đầu phim tranh giải ở Cannes năm ngoái là Okja của Bong Joon Ho và The Meyerowitz Stories của Noah Baumbach.

Ai là kẻ thua cuộc trong cuộc chiến chảy máu đầu giữa Netflix và Cannes? - Ảnh 2.

Okja của Bong Joon Ho do chính Netflix tài trợ sản xuất

Việc gã đại gia ngành dịch vụ phim online từ chối cho công chiếu hai bộ phim này tại các nhà rạp của Pháp năm ngoái đã khiến uỷ ban của Cannes hết sức bất bình. Để đáp trả lại động thái đó, năm nay Cannes tuyên bố sẽ bổ sung thêm quy chế chỉ cho phép các phim được chiếu ở Pháp tham gia tranh giải.

Do cả hai bên vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung nên ông Ted Sarandos - giám đốc của Netflix đã tuyên bố rút toàn bộ đầu phim của mình ra khỏi danh sách tranh giải năm nay ngay trước ngày Cannes chính thức công bố điều lệ, trong đó bao gồm cái tên rất được kỳ vọng là Roma của Alfonso Cuaron và The Other Side of the Wind (tạm dịch: Phía Bên Kia của Cơn Gió) của cố đạo diễn Orson Welles (Orson mất trước khi phim được hoàn thành, một nhóm người đã tiếp tục công việc của ông trong vài năm qua).

Động thái mang tính thách thức này của Netflix khiến cho hàng loạt liên hoan phim và đạo diễn phải nổi giận. Mới đây, đạo diễn người Pháp Thierry Fremaux – nổi tiếng là có lập trường nghệ thuật vững chãi cũng đã gián tiếp chĩa nòng súng về phía đối thủ bằng cách khen ngợi Amazon – đối thủ chính của Netlix và cũng là nhà phát hành của bộ phim tranh giải sắp tới là Cold War của đạo diễn Pawel Pawlikowski.

Ai là kẻ thua cuộc trong cuộc chiến chảy máu đầu giữa Netflix và Cannes? - Ảnh 3.

Thierry Fremaux gián tiếp phản pháo Netflix bằng cách khen ngợi Amazon

Trong cuộc chiến này, có thể thấy lỗi thuộc về cả hai phía. Tuy những người phản đối chiếu phim online có thể hơi hà khắc trước các nhà phát hành nhưng sự chống đối của họ dành cho Netflix cũng không phải là không có cơ sở. Đứng trước sự "trừng phạt" đến từ các liên hoan phim, những nhà đài chiếu phim online có thể sẽ phải đương đầu với nhiều bất lợi hơn tất cả những gì họ từng trải qua trước đây.

Bên cạnh việc không có màn hình khổ lớn và âm thanh vòm như ở ngoài rạp, dịch vụ phim online còn chịu nhiều thiệt thòi hơn phương thức phát hành chính thống ở các mặt như phạm vi quảng bá hẹp, độ phổ biến trước công chúng và thậm chí là dễ dàng mất uy tín bởi danh mục sản phẩm bị pha tạp quá nhiều. Tuy nhiên, họ lại chiếm ưu thế hơn nhờ vào khả năng tài chính dồi dào và tinh thần cởi mở với những nhà làm phim tiềm năng.

Ai là kẻ thua cuộc trong cuộc chiến chảy máu đầu giữa Netflix và Cannes? - Ảnh 4.

Kẻ thua trong ván bài này là Netflix khi ngay cả một đề cử từ Cannes cũng đủ để một phim của họ có thể đảm bảo lượng người xem và nâng cao vị thế. Tuy nhiên Cannes cũng chẳng thắng nếu xét đến những phim hay của Netflix hoặc các dịch vụ tương tự mà họ sẽ bỏ lỡ, đã thế lại còn mang tiếng là "cổ hủ". Vậy nếu trong tương lai một nhà làm phim từng chiến thắng Cannes (giả dụ như Olivier Assayas) quyết định thực hiện một dự án cho Netflix thì liệu nó có bị loại khỏi liên hoan phim hay không? Trường hợp này ai sẽ là kẻ thua cuộc?

(Nguồn: Guardian, LinkedIn)