Trước đây người ta luôn quan niệm iPhone là đẹp nhất, mạnh nhất, chụp ảnh tốt nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đứng trước đà thăng tiến mạnh mẽ của thế giới Android, quan điểm đó đang trở thành lỗi thời. Những sản phẩm cao cấp của Android gần đây như Galaxy S7, LG V20,... đều mang đến nhiều cảm hứng cho người dùng hơn là iPhone. Tuy nhiên, vẫn có không ít những tính năng đã xuất hiện trên iPhone mà cho đến giờ người dùng Android vẫn phải thèm muốn.
1. Khả năng đồng bộ
Với những ai đang sử dụng Android, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy rất phiền phức khi chuyển đổi qua lại giữa nhiều thiết bị khác nhau, bởi lẽ phải thực hiện thêm thao tác chuyển dữ liệu. Tất nhiên, ở thời đểm hiện tại, chúng ta có thể dùng các ứng dụng, tiện ích để khắc phục hạn chế này.
Trong khi đó, iOS lại được tích hợp sẵn tính năng này vào hệ điều hành, người dùng có thể đồng bộ dữ liệu trên nhiều thiết bị khác nhau (iPhone, iPad cho đến máy tính Mac). Từ hình ảnh, danh bạ, cho đến tin nhắn,... tất tần tật mọi thứ đều có thể sử dụng được chung với nhau. Đây rõ ràng là thứ mà người dùng Android từ lâu đã luôn khao khát.
2. Siri
Ở trên Android, người dùng cũng không còn xa lạ gì với trợ lý ảo Google Now. Tuy nhiên, nó chỉ mới thực hiện được các lệnh đơn giản và trả về các kết quả tìm kiếm. Trong khi đó, Siri đã có thể đọc thơ, đọc rap, kể chuyện cười, beatbox, đồng thời còn nhận diện giọng nói tốt hơn rất nhiều. Được biết, ở thời điểm hiện tại thì mới chỉ có bộ đôi smartphone Android là Pixel và Pixel XL vừa ra mắt của Google được cải tiến khá nhiều về trợ lý ảo Google Now mà thôi.
3. Widget trên màn hình khóa
Nói đến widget thì tất nhiên là iPhone phải "xách dép" cho Android, bởi lẽ đây mới chính là nền tảng hỗ trợ nhiều widget nhất. Nhưng đáng tiếc là hầu hết những widget này chỉ hoạt động trên màn hình chính, trong khi đó Apple đã cho phép người dùng cài đặt và sử dụng các tiện ích này ngay trên màn hình khoá. Từ đó, nó sẽ cho phép người dùng trả lời tin nhắn, xem thông báo nhanh hơn mà không cần thiết phải truy cập vào bên trong thiết bị.
4. iCloud
iCloud trên hệ điều hành iOS cho phép người dùng sao lưu các thiết lập, dữ liệu ứng dụng, nhạc chuông, lịch sử duyệt web,... Chính vì thế, khi chuyển sang thiết bị mới, bạn có thể khôi phục tất cả mọi thứ chỉ với vài thao tác đơn giản. Tuy nhiên, điều này khi thực hiện trên Android lại gặp không ít khó khăn. Được biết, hiện có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ sao lưu và phục hồi dữ liệu trên Android, nhưng đa phần đều "đuối" hơn so với iCloud.
5. Cập nhật hệ điều hành liên tục
Với một thiết bị iOS, trong một năm sẽ khoảng trên dưới 10 lần được cập nhật phiên bản hệ điều hành mới, trong khi trên Android thì lại vô cùng nhỏ giọt. Sở dĩ có điều này là do Android được quá nhiều nhà sản xuất sử dụng, dẫn đến sự phân mảnh và thiếu đồng bộ.
Và khi xảy ra những vấn đề như lỗi phần mềm hay có lỗ hổng thì người dùng phải chờ đợi rất lâu mới có thể nhận được bản sửa lỗi từ phía nhà sản xuất. Trong khi với người dùng iPhone thì thời gian chờ đợi là rất ngắn. Ngoài ra, hiện tại chỉ có dòng Nexus và Pixel là được cập nhật hệ điều hành liên tục, còn với các mẫu smartphone Android cũ dường như đã bị nhà sản xuất bỏ rơi.
(Tổng hợp)