Theo một nguồn tin nội bộ, đối tác chính của Apple, Foxconn, đang nghiên cứu khả năng chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone sang Mỹ.
"Hồi tháng Sáu, Apple yêu cầu cả Foxconn và Pegatron, hai đối tác lắp ráp iPhone, xem xét việc lắp ráp iPhone tại Mỹ", nguồn tin nói trên chia sẻ với Nikkei. "Foxconn đồng ý trong khi Pegatron từ chối do lo lắng vấn đề chi phí".
Một nguồn tin khác cho rằng Foxconn đồng ý thực hiện theo kế hoạch của Apple nhưng không hào hứng lắm bởi chi phí sản xuất sẽ tăng cao. Tuy nhiên, do Apple là khách hàng lớn nhất, chiếm hơn 50% doanh thu, nên Foxconn rất khó từ chối.
Hiện tại, theo nguồn tin trên, chuỗi cung ứng vật tư tại Đài Bắc Trung Hoa còn lo ngại rằng Tổng thống mới đắc cử Donald Trump có thể buộc Apple sản xuất một số lượng nhất định linh kiện iPhone tại Mỹ.
Theo công ty nghiên cứu IHS Markit, Apple phải chi ra 225 USD chi phí sản cho một chiếc iPhone 7 với dung lượng lưu trữ 32 GB. Tuy nhiên, mức giá không trợ cấp trên thị trường của iPhone này lên tới 649 USD.
Apple, Foxconn và Pegatron đều từ chối bình luận.
Giám đốc quyền lực thứ hai tại Foxconn, chủ tịch Sharp Tai Jeng-Wu, gần đây đã có những chia sẻ công khai liên quan tới việc sản xuất linh kiện tại Mỹ.
"Chúng tôi đang xây dựng một nhà máy sản xuất một màn hình OLED mới tại Nhật Bản. Chúng tôi cũng có thể sản xuất màn hình OLED này tại Mỹ", ông Jeng-Wu nói. "Nếu khách hàng chính của chúng tôi yêu cầu chúng tôi sản xuất linh kiện tại Mỹ thì tại sao chúng tôi lại không làm điều đó".
Lý do chính khiến Apple xem xét việc sản xuất iPhone tại Mỹ chính là do sức ép từ Tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Ông Trump từng lớn tiếng kêu gọi các công ty Mỹ sản xuất sản phẩm tại quê nhà và đe dọa đánh thuế cao với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Tôi sẽ yêu cầu Apple sản xuất máy tính và iPhone của họ tại Mỹ chứ không phải ở Trung Quốc", Trump tuyên bố trong một cuộc vận động tranh cử diễn ra vào tháng Ba. "Họ làm sao có thể giúp chúng ta khi họ sản xuất sản phẩm ở Trung Quốc".
Trong năm 2015, Apple bán ra được 232 triệu chiếc iPhone.
Những chiếc iPhone đắt đỏ
Có nhiều lý do khiến giấc mơ iPhone Made in America là bất khả thi. Lý do đầu tiên phải kể tới đó chính là chi phí sản xuất. "Lắp ráp iPhone tại Mỹ chắc chắn sẽ khiến chi phí tăng gấp đôi", nguồn tin nhận dịnh.
Nhưng cũng còn có những vấn đề khác. Hầu hết linh kiện trong chiếc iPhone đều được sản xuất bởi các công ty châu Á. Nếu dây chuyền lắp ráp chuyển về Mỹ, các linh kiện này sẽ phải được vận chuyển qua Thái Bình Dương, rất tốn kém và mất thời gian.
Các nhà kinh tế cũng cho rằng khi iPhone được sản xuất, lắp ráp tại Mỹ nhiều khả năng các hãng sẽ trang bị một số lượng lớn dây chuyền tự động và robot. Điều này sẽ khiến giấc mơ có nhiều công ăn việc làm của những người ủng hộ Tổng thống Trump tan thành mây khói.
Hiện Apple đang sản xuất Mac Pro ở Texas nhưng đó là một sản phẩm có sản lượng thấp. Apple cũng sản xuất một số lượng nhỏ iMac tại Ireland.