Bác sĩ Bùi Huy Cận, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho hay, rượu là đồ uống có cồn, được sản xuất từ quá trình lên men tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm. Thành phần chính của rượu là ethanol. Thường xuyên uống rượu làm tăng áp lực cho gan, khiến lá gan sẽ phải làm việc vất vả hơn. Uống quá nhiều rượu cũng dễ dẫn tới say, mệt mỏi, xuất huyết tiêu hóa, tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông nếu người say lái xe...
Theo bác sĩ Cận, trong dịp năm mới, mọi người chỉ nên uống một lượng nhỏ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Bác sĩ cũng gợi ý nếu mọi người uống say trong dịp Tết thì có thể sử dụng một trong năm loại nước sau để giải rượu và giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu.
5 loại nước giúp giải rượu, “cứu” lá gan
- Nước lọc: Uống nhiều nước giúp pha loãng nồng độ cồn trong máu, bù nước cho cơ thể và tăng cường đào thải độc tố qua đường tiết niệu.
- Nước ép trái cây (cam, bưởi, cà chua): Các loại nước ép này thường giàu vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp cơ thể tỉnh táo và hỗ trợ quá trình chuyển hóa rượu của gan.
- Dùng nước gừng hoặc trà gừng: Gừng có tác dụng làm ấm cơ thể, tăng cường lưu thông máu và giảm cảm giác buồn nôn. Mọi người có thể kết hợp với mật ong để tăng hiệu quả.
- Nước đậu xanh/đậu đen: Nước đậu xanh, đậu đen chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa, giúp giải độc và giảm các triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu.
- Nước ép dưa hấu: Dùng 10-15g dưa hấu ép nước uống sau khi sử dụng rượu có thể giúp giảm nôn nao, chóng mặt, đau đầu, lợi tiểu tiện, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu.
Bác sĩ Cận cho hay, ngoài các loại nước trên, trong trường hợp say rượu có thể dùng cháo loãng/súp nóng. Các món này có thể cung cấp năng lượng và bổ sung chất điện giải bị mất do tác dụng lợi tiểu của rượu. Bên cạnh đó, một số loại trái cây cũng có tác dụng giải rượu, chẳng hạn như chuối, táo, do chúng cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Bác sĩ Cận lưu ý thêm, mọi người nên tránh sử dụng các loại nước ép quá chua (đặc biệt là nước chanh) vì có thể gây kích ứng dạ dày, đặc biệt là khi dạ dày còn chứa cồn.
Cẩn trọng với ngộ độc rượu trong dịp Tết
Bác sĩ Cận cho hay khi sử dụng rượu bia, mọi người cần lưu ý phòng ngừa ngộ độc rượu. Tùy vào mức độ ngộ độc rượu mà cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau như:
- Ngộ độc ở mức độ nhẹ: Đỏ mặt, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, đau đầu.
- Ngộ độc ở mức độ trung bình: Lú lẫn, nói lắp, mất khả năng vận động.
- Ngộ độc ở mức độ nặng: Co giật, khó thở, hạ thân nhiệt, nhịp tim chậm hoặc không đều, mất ý thức, hôn mê.
Bác sĩ Cận lưu ý trong trường hợp nạn nhân bị ngộ độc rượu nhưng còn tỉnh táo, mọi người nên:
- Đặt người bệnh nằm nghiêng để tránh hít phải chất nôn vào phổi.
- Giữ ấm cơ thể.
- Cho uống nước hoặc dung dịch điện giải (Oresol) để bù nước.
“Nếu người bệnh có dấu hiệu ngộ độc nặng (lú lẫn, mất ý thức, co giật, khó thở,...), người xung quanh cần gọi cấp cứu ngay lập tức và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất”, bác sĩ Cận nói.