Người xưa có câu: "Bệnh tật từ miệng mà ra", do đó, việc lựa chọn kĩ lưỡng loại thực phẩm bạn tiêu thụ rất quan trọng. Đôi khi những thực phẩm thơm ngon, hấp dẫn lại không đồng nghĩa với việc chúng bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Với thực phẩm ăn sống hoặc chín tái cũng như vậy. Với một số loại thực phẩm như sushi, sashimi, thịt bò thái lát mỏng... được đảm bảo chất lượng, cách ăn này có thể giúp chúng giữ lại hương vị nguyên bản, tươi ngon của thực phẩm cùng hàm lượng dinh dưỡng cao không bị mất đi do quá trình nấu nướng.
Dù vậy, không phải loại thực phẩm nào cũng có thể ăn theo cách này. Dưới đây là 3 loại thực phẩm không được nấu chín kỹ có khả năng chứa độc tố, tốt nhất bạn không nên tiêu thụ.
Sắn là một loại củ, theo tiêu chuẩn "Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc", lượng củ người lớn nên ăn là 50-100g mỗi ngày. Sắn có hàm lượng calo cao tương đương với các loại khoai khác, có thể lên tới 119 calo trên 100g, không thua kém gì gạo trắng, cung cấp cho cơ thể một lượng lớn năng lượng đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Điểm ưu việt hơn so với gạo trắng tinh chế và mì là sắn có thể cung cấp nhiều chất xơ và canxi hơn, làm cho nó trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho các bữa cơm trong gia đình.
Tuy nhiên, bạn cần biết rằng lá và thân rễ sắn có chứa xyanua. Theo các nghiên cứu khoa học, sắn và các sản phẩm từ sắn đều cho thấy có chứa hàm lượng xyanua trên 9.9mg. Sau khi tiếp xúc với con người dễ xảy ra ngộ độc cấp tính dẫn đến khó thở, đau đầu, mệt mỏi, tức ngực, trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
May mắn là việc nấu chín sắn sẽ giúp loại bỏ độc tố này. Vì vậy, sau khi lột vỏ sắn, bạn hãy ngâm nó trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc, trong lúc luộc nên mở nắp nồi để chất xyanua bay đi, lượng độc chất sẽ giảm đáng kể.
Các loại quả đậu tuy chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như vitamin B, kali, sắt và chất xơ, ít chất béo không có cholesterol... nhưng khi ăn sống, chúng có thể chứa nhiều độc tố. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), một phần đậu nấu chưa chín có thể chứa tới 70 nghìn đơn vị độc tố, việc nấu chín chúng giúp bạn loại bỏ tới hơn 95% lượng độc tố này. Vì vậy, bạn không nên ăn đậu sống hoặc chưa chín.
Ngoài ra, khi bạn ăn quá nhiều đậu cũng có thể dễ bị ngộ độc thực phẩm, gây tiêu chảy, chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, dù chế biến bằng phương pháp nào đi chăng nữa, các loại đậu tốt nhất nên được nấu chín kỹ một chút để tránh nguy hại cho sức khỏe.
Độc tố trong quả hạnh nhân đắng cũng giống như trong sắn, khi ăn sống, chất glycosid cyanogenic trong nó sau khi vào cơ thể sẽ bị phá hủy, thủy phân bằng men β-glucosidase dễ sinh ra độc tố cyanide là acid hydrocyanic, chỉ cần liều 50mg đã có thể khiến 1 người trưởng thành tử vong.
Vì vậy, khi bạn ăn quả hạnh nhân, nếu cảm thấy vị đắng trong miệng, điều đó chứng tỏ nó chưa được nấu chín, hãy nhổ ngay ra và súc miệng nhiều lần để tránh bị ngộ độc.
Nguồn tham khảo: QQ, FDA, Healthline, Eat This. Ảnh: Pinterest