Cồn là một chất độc đối với cơ thể, được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Nếu lượng cồn được tiêu thụ nhiều hơn mức gan có thể xử lý, nồng độ cồn trong máu sẽ tăng lên.
Trong dịp Tết, việc sử dụng rượu bia là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, nhu cầu tham gia các phương tiện giao thông ngày Tết cũng tăng cao hơn. Do đó, có rất nhiều người băn khoăn làm thế nào để nồng độ cồn trong cơ thể hết nhanh hơn.
Ở người có cơ chế chuyển hóa bình thường, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn sau 1 giờ. 1 đơn vị cồn tương đương 2/3 lon bia 330ml nồng độ cồn 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%. Mặc dù vậy, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất thêm từ 1-2 giờ.
Rượu bia làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, theo tờ Healthline, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ cồn trong máu và tốc độ loại bỏ cồn khỏi cơ thể, bao gồm:
- Giới tính: Phụ nữ thường có nồng độ cồn trong máu cao hơn nam giới nhưng tốc độ đào thải cồn của cơ thể phụ nữ lại nhanh hơn so với nam giới.
- Tuổi: Người lớn tuổi có tốc độ đào thải cồn chậm hơn người trẻ tuổi.
- Lượng thức ăn đã được tiêu thụ: Nếu uống rượu bia khi dạ dày trống rỗng sẽ khiến nồng độ cồn trong máu tăng vọt.
- Thời gian uống: Cồn được chuyển hóa nhanh hơn vào cuối ngày
- Lượng cồn được tiêu thụ: Uống rượu bia càng nhiều, nồng độ cồn trong máu càng tăng và mất nhiều thời gian hơn để cơ thể đào thải hết cồn khỏi máu.
Để nồng độ cồn trong máu hết nhanh hơn, tốt hơn hết mọi người nên uống rượu bia một cách có chừng mực.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ngưỡng tiêu thụ cồn an toàn là không quá 2 ly/ngày với nam giới và không quá 1 ly/ngày với nữ giới. Một ly ở đây tương đương với 350ml bia, 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh.
Cồn trong máu được đào thải bởi các enzyme trong gan, và một phần cồn được đào thải qua nước tiểu, hơi thở. Chính vì thế, uống thêm nước sau khi uống rượu bia sẽ thúc đẩy quá trình đào thải cồn qua hơi thở và nước tiểu. Uống nước cũng giúp bổ sung lượng nước đã mất khi uống rượu bia (do rượu bia là chất gây mất nước).
Bên cạnh uống nước, việc tập thể dục nhẹ nhàng cũng giúp đào thải cồn trong máu nhanh hơn. Tập thể giúp giúp tăng cường nhịp tim và hô hấp, tăng cường đào thải cồn qua hơi thở. Việc tập thể dục cũng kích thích hoạt động của các cơ quan chịu trách nhiệm đào thải cồn, bao gồm gan và thận. Tuy nhiên, việc tập thể dục sau khi uống rượu bia cần hết sức lưu ý. Mọi người nên lựa chọn bài tập phù hợp thể trạng và tránh tập quá sức.
Tờ Medical News Today đưa ra một số hiểu nhầm về các cách giảm nồng độ cồn trong cơ thể:
Uống cà phê
Caffeine có trong cà phê có thể giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo hơn nhưng không thể phân hủy cồn trong cơ thể. Hơn nữa, việc uống cà phê cũng không đồng nghĩa với việc sẽ giúp chúng ta tránh được các triệu chứng của say rượu bia.
Tắm nước lạnh
Tắm nước lạnh không giúp giảm mức nồng độ cồn. Tắm nước lạnh có thể mang lại sự tỉnh táo trong chốc lát. Tuy nhiên, hành động này có thể gây nguy cơ sốc, thậm chí là mất ý thức cho người vừa uống rượu bia.
Ăn trước khi uống rượu bia
Việc ăn trước, trong và sau khi uống rượu bia chỉ có thể giúp làm chậm quá trình hấp thụ cồn vào máu chứ không có tác dụng tăng tốc quá trình đào thải cồn khỏi máu.