Loại củ này có ngoại hình gần giống với củ từ, khoai sọ. Ăn vào cảm giác giòn giòn, sần sật chứ không bở nên ăn nhiều cũng không bị ngán. Nó mang cái tên độc đáo, đó là củ lùn (còn được gọi là củ năng tàu, củ sâm lùn).
Xưa kia, ít ai quan tâm đến củ lùn, tuy nhiên hiện nay đây là loại củ thường được săn đón. Củ lùn ngọt mát, thường được dùng trong những ngày nắng nóng để đem lại công dụng thanh nhiệt.
Loại củ này có ngoại hình gần giống với củ từ, khoai sọ.
ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng) chia sẻ: Củ lùn sau khi làm chín có vị ngọt, thuộc nhóm tinh bột, có thể dùng thay cơm trong một số bữa ăn. Loại củ này có chứa lượng tinh bột vừa phải, nhiều nước, ít calo, nhiều chất xơ... vì thế nó tốt cho người muốn giảm cân, bị bệnh tiểu đường, táo bón. Mọi người có thể mua loại củ này về và luộc lên sẽ giúp cải thiện cân nặng và đường huyết tốt.
Nếu nói về lợi ích của củ lùn, thì giải nhiệt ngày nóng nên được nhắc tới đầu tiên. Nhiều người ví ăn củ lùn cũng như uống nước, lại thơm ngon hơn hẳn nước lọc nhạt nhẽo, chúng có vị ngọt bùi khó tả nên thường cháy hàng vào ngày nắng nóng. Để tăng thêm độ mát lạnh, bạn có thể ngâm loại củ này trong nước đá tầm 15-20 phút. Nó cũng được xem như một vị thuốc mát gan, mát phổi, trị kiết lỵ, lợi tiểu.
Nhiều người ví ăn củ lùn cũng như uống nước, lại thơm ngon hơn hẳn nước lọc nhạt nhẽo.
Bên cạnh đó, loại củ này còn chứa nhiều canxi, photpho, kali... giúp ổn định huyết áp, hỗ trợ giảm mỡ máu, cải thiện tim mạch.
Nhờ có chứa các chất chống oxy hóa như vitamin A, B, C, E... nên củ lùn có khả năng làm chậm quá trình lão hóa, giúp đẹp da, kháng viêm. Đặc biệt, vitamin C trong củ lùn là thành phần quan trọng để hình thành nên collagen. Vì củ lùn tính mát nên phụ nữ ăn vào làn da sẽ mịn màng, giảm mụn nhọt, sần sùi.
Từ củ lùn, các bà nội trợ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Cách đơn giản nhất là hấp, luộc. Hoặc có thể tận dụng để nấu chè, nấu canh cũng rất tốt. Cần lưu ý, củ lùn không nên luộc quá lâu, chừng 30 phút là đã tróc vỏ, nứt ra. Khi ấy, chỉ cần vớt ra, ngâm vào nước lạnh cho nguội bớt là đã có thể ăn.
Củ lùn có thể dùng để luộc, hấp hoặc nấu chè...
Mặc dù củ lùn có nhiều lợi ích như cung cấp chất dinh dưỡng, hỗ trợ tiêu hóa, ổn định đường huyết và có thể cải thiện sức khỏe tổng thể, việc tiêu thụ chúng với số lượng lớn hoặc thường xuyên có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, nên hỏi ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng khi thêm củ lùn vào chế độ ăn hàng ngày. Chuyên gia sẽ cung cấp lời khuyên cụ thể phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của bạn.