Đó là nhận định của PGS. TS. Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam. Điều này là bởi, một trong những nhiệm vụ chính của bác sĩ gây mê là hạn chế tác động bất lợi của quá trình gây mê lên hệ thống hô hấp, bằng cách giữ cho đường thở thông thoáng và đảm bảo cung cấp oxy cũng như thông khí đầy đủ. Biến chứng lớn nhất trong quá trình gây mê chính là vấn đề không quản lý được đường thở - điều có thể làm cho bệnh nhân tử vong ngay hoặc tổn thương không hồi phục của hệ thần kinh trung ương.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022, tỷ lệ các ca bệnh có đường thở khó trong gây mê lên tới 18%. Do đó, ở giai đoạn khám trước gây mê, cần sàng lọc bệnh nhân có yếu tố đường thở khó, đánh giá chính xác và lên kế hoạch tiếp cận chủ động. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp hi hữu, khám tiền mê không thể chẩn đoán được đường thở khó do không có dấu hiệu báo trước; mà chỉ xác định được trong quá trình gây mê gọi là “đường thở khó không định trước”.
PGS. TS. Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam (Ảnh: BTC)
Quá trình thoát mê cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu rút ống nội khí quản quá sớm khi bệnh nhân chưa tỉnh hoàn toàn, còn tồn dư thuốc mê, thuốc giãn cơ gây suy hô hấp; hay rút nội khí quản quá muộn, gây kích thích đường hô hấp; hoặc rủi ro tăng huyết áp, tắc nghẽn đường thở... Từ đó, có thể thấy quản lý đường thở chính là yếu tố "sống - còn" trong gây mê hồi sức và các chuyên ngành có liên quan khác.
Chiến lược quản lý đường thở khó (DAS) là bộ hướng dẫn về quản lý đường thở cho các trường hợp có đường thở khó, từ khám mê - gây mê - thoát mê cho các trường hợp đặc biệt do các chuyên gia hàng đầu thuộc Liên minh Thế giới về Quản lý đường thở (WAAM) nghiên cứu, xây dựng. DAS đã được ứng dụng giúp hạn chế tối đa các ca bệnh tử vong do không quản lý được đường thở, "từ ngày ứng dụng chiến lược, biến chứng trong quản lý đường thở ở bệnh viện gần như không có, gia tăng tỷ lệ thành công cho nhiều ca cấp cứu và phẫu thuật", ThS. BS Nguyễn Thị Thu Ba, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, BVĐK Hồng Ngọc cho biết.
Tuy nhiên hiện nay DAS lại chưa hoàn toàn được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các bệnh viện.
Với mong muốn phổ biến rộng rãi những kỹ thuật cao trong gây mê được đầu tư nghiên cứu và chiến lược quản lý đường thở khó, nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình gây mê và thoát mê cho người bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đồng tổ chức với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, Liên minh Thế giới về Quản lý đường thở (WAAM) và Tổ chức từ thiện Facing The World, Vietnam Airlines đã tổ chức Hội nghị Quản lý đường thở WAAM 2024 lần đầu tiên tại Đông Nam Á.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: BTC)
Phát biểu tại hội nghị, GS. Anil Patel, Đại diện WAAM khẳng định: "Việc phổ biến các kiến thức phân loại, phối hợp cả ekip theo kế hoạch và xử trí với từng bệnh nhân có định trước hoặc không định trước chính là chìa khóa then chốt đảm bảo an toàn thông khí cho mọi ca bệnh". Đây cũng là hướng dẫn thứ 8, điều quan trọng nhất trong 8 hướng dẫn của DAS (DAS Guidelines) được GS. Anil Patel nhấn mạnh.
Hội nghị đưa ra một số tham luận có tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...
Hội nghị kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến.