Vụ Công ty Alibaba: Bóc mẽ chiêu thức 5 bước lừa đảo khách hàng

Tân Châu, Theo Tiền phong 09:15 01/08/2022
Chia sẻ

TAND TP.HCM đã có quyết định đưa vụ án Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và các bị cáo ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ ngày 12/8. Phiên sơ thẩm này dự kiến sẽ kéo dài trong 60 ngày.

Sở hữu hơn 430 ha đất thì không lừa đảo?

Theo cáo trạng vụ án, 23 bị can trong vụ án đã vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho 4.361 bị hại, chiếm đoạt số tiền 2.264 tỷ đồng. Nguyễn Thái Luyện bị cáo buộc là chủ mưu vụ án. Tuy nhiên cáo trạng nêu, bị can Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội. 

Nguyễn Thái Luyện cho rằng mình không quảng cáo gian dối, không chiếm đoạt tiền của ai, không phân lô trái pháp luật. Toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều có quy hoạch rõ ràng; Việc phân lô bán nền được bị can chỉ đạo các nhân viên thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đáng lưu ý là bị can Nguyễn Thái Luyện nói đang sở hữu hơn 430ha đất nên quy kết bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không có căn cứ pháp luật.

5 bước để trên 4.361 bị hại tin tưởng và nộp tiền

Vụ Công ty Alibaba: Bóc mẽ chiêu thức 5 bước lừa đảo khách hàng - Ảnh 1.

Nguyễn Thái Luyện (phải) không thừa nhận hành vi phạm tội Ảnh: PV

Theo Cơ quan Điều tra, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Nguyễn Thái Luyện đưa ra các thông tin không có thật về các “dự án” do Luyện tự đặt tên trên đất nông nghiệp, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện 5 bước để các bị hại tin tưởng và nộp tiền cho Luyện qua các pháp nhân, cụ thể:

Bước 1: Nguyễn Thái Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. 

Bước 2: Những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất như nêu trên lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ “dự án” không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định theo chỉ đạo của Luyện. 

Bước 3: Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư các dự án “tự vẽ”, không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm. 

Bước 4: Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án “tự vẽ” với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án; đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh Bất động sản mà đồng ý mua. 

Bước 5: Sau khi khách hàng đồng ý mua, theo sự quảng cáo của Công ty Alibaba thì Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Theo TAND TP.HCM, vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba là vụ án kỷ lục trong lịch sử tố tụng, đặc biệt là về số lượng bị hại với 4.361 người, 1 triệu bút lục và hơn 200 người được xác định có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 

Hiện hồ sơ vụ án được đựng trong 140 rương (thùng). Riêng cáo trạng vụ án lên tới 500 trang. Cơ quan tố tụng cho biết phải sử dụng 2 xe tải để vận chuyển hồ sơ. TAND TP.HCM sẽ căng rạp ở sân tòa, đồng thời liên thông hai phòng xử lớn nhất của tòa để tiến hành xét xử vào ngày 12/8 tới.

Theo TAND TP.HCM, vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba là vụ án kỷ lục trong lịch sử tố tụng, đặc biệt là về số lượng bị hại với 4.361 người, 1 triệu bút lục và hơn 200 người được xác định có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hiện hồ sơ vụ án được đựng trong 140 rương (thùng).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày