Vụ bảo mẫu nghi bạo hành trẻ: Việc khởi tố không phụ thuộc vào yêu cầu của gia đình nạn nhân

Minh Phương/Báo Tin tức, Theo Báo Tin tức 08:09 05/06/2023
Chia sẻ

Về vụ việc bé sơ sinh nghi bị bảo mẫu Vũ Khánh Chi (21 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định) bạo hành tại Hà Nội, theo thông tin từ gia đình cháu bé, họ cam kết không kiện tụng. Tuy nhiên, theo luật sư: Nếu điều tra thấy có đủ căn cứ, cơ quan công an vẫn xử lý hình sự, không phụ thuộc vào yêu cầu của gia đình.

Vụ bảo mẫu nghi bạo hành trẻ: Việc khởi tố không phụ thuộc vào yêu cầu của gia đình nạn nhân - Ảnh 1.

Hình ảnh trích xuất từ camera phòng ngủ, thời điểm được cho là bảo mẫu Khánh Chi có hành vi bạo hành cháu bé 1 tháng tuổi (Ảnh: Công an phường Hoàng Liệt cung cấp)

Mạng xã hội gần đây lan truyền clip ghi lại cảnh một bảo mẫu có hành động lắc mạnh em bé sơ sinh trên tay, thậm chí đặt rất mạnh xuống giường khiến ai xem cũng không khỏi bàng hoàng, lo lắng cho sức khỏe của cháu bé mới 1 tháng tuổi.

Trước đó, anh Nguyễn Văn B (31 tuổi, quê huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ở chung cư HH2C Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đi cùng Vũ Khánh Chi đến công an phường Hoàng Liệt. Tại đây, anh B trình báo việc qua trích xuất camera, anh phát hiện bảo mẫu là Vũ Khánh C có hành vi bạo hành bé gái một tháng tuổi, là con đẻ của anh B.

“Trường hợp cơ quan điều tra xác định đủ căn cứ để khởi tố Vũ Khánh Chi về tội hành hạ người khác quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự - BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì việc ra quyết định khởi tố trong trường hợp này không phụ thuộc vào yêu cầu của bố cháu bé”, luật sư Hoàng Tùng (Văn Phòng Luật Sư Trung Hòa) chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.

Luật sư Hoàng Tùng phân tích: Tại Điều 155 (Bộ luật Tố tụng hình sự BLTTHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng...

“Nếu cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu của vụ án hình sự của Tội hành hạ người khác (Điều 140), bố mẹ cháu bé không yêu cầu khởi tố, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vì tội danh này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại (quy định tại Điều 155 - BLTTHS). Tuy nhiên, có thể xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết.

Luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh: “Hành vi của bảo mẫu trong trường hợp này hoàn toàn có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng của cháu bé”.

Cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân, nhận thức, ý thức chủ quan của nữ bảo mẫu; đồng thời xác định hậu quả đã gây ra đối với cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy, người phụ nữ này nhận thức được hành vi của mình có thể làm tổn thương não của cháu bé, hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng do bực tức mà đã nhẫn tâm thực hiện, hậu quả cho bé tổn thương nghiêm trọng về não thì có thể xử lý về tội “Giết người” với nhiều tình tiết tăng nặng, trách nhiệm hình sự như hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu kết quả xác minh cho thấy, đối tượng không có động cơ mục đích giết người, hành vi không thể dẫn đến chết người nhưng hành vi này cũng được xác định là đối xử tàn ác với trẻ em nên vẫn có thể xem xét xử lý về tội “Hành hạ người khác”. Giới luật sư nhận định: Những tội danh trên không phụ thuộc vào đơn thư yêu cầu của người bị hại, bởi vậy trường hợp cha của cháu bé có rút đơn, không đề nghị xử lý nhưng cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ thì vẫn xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

“Hành vi của người phụ nữ này vi phạm Luật Trẻ em, vi phạm pháp luật, có thể gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí là đến tính mạng của trẻ em. Bởi vậy việc xem xét làm rõ để xử lý là cần thiết để bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Điều 140 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội hành hạ người khác:

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; c) Đối với 02 người trở lên.

Biến chứng muộn - có thể nhiều năm sau khi bị rung lắc

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga) cho biết: “Hội chứng rung lắc ở trẻ“ thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 9 tháng. Khoảng cách giữa tổ chức não và hộp sọ của trẻ lớn, nên khi rung lắc (kể cả mục đích gia đình muốn cưng nựng bé, dỗ bé), sẽ gây va đập giữa nhu mô não và hộp sọ.

Do trọng lượng của đầu bằng khoảng 1/4 cơ thể, cột sống cổ và các dây chằng chưa vững chắc, dễ chấn thương. Va đập khiến các mạch máu bị tổn thương gây xuất huyết, tạo thành các đám máu tụ gây tăng áp lực nội sọ.

Thường sau 4 - 6 giờ sau khi rung lắc, bệnh nhi có thể xuất hiện các triệu chứng:

- Mắt lờ đờ do xuất huyết võng mạc

- Da tái xanh do mất máu

- Quấy khóc, kích thích vật vã hoặc lơ mơ, li bì, không đáp ứng với xung quanh, thậm chí hôn mê

- Bỏ bú, bỏ ăn

- Buồn nôn hoặc nôn

- Thở chậm hoặc thậm chí ngưng thở

- Co cứng cổ và các chi, có thể co giật, hoặc cơ thể mềm nhẽo

Biến chứng muộn, có thể nhiều năm sau khi bị rung lắc:

- Chậm phát triển trí tuệ, chậm nói

- Nghe kém, giảm thị lực

- Bại não, co cứng các khớp

- Co giật, động kinh

Cách xử trí: Không tác động thêm vào đầu bé, giữ yên cơ thể và đưa ngay đến các cơ sở y tế. Nếu bệnh nhi bất tỉnh thì nên để nghiêng đầu sang một bên, tránh dịch và các chất nôn gây tắc nghẽn đường hô hấp.

Các xét nghiệm cần làm:

- Soi đáy mắt để phát hiện xuất huyết võng mạc

- Chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ sọ não để phát hiện tổn thương nhu mỗ não, tình trạng máu tụ...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày