Ẩm thực Việt Nam đa dạng theo từng vùng miền, và mỗi tỉnh thành lại có những đặc sản nức tiếng khác nhau. Thế nên chẳng có gì lạ khi lần đầu bạn nghe tên một món ăn nhưng lại "ngớ" ra hồi lâu vì chẳng hình dung được nó là gì. Không chỉ các loại bánh, trái cây mà những món bún – mì cũng có nhiều tên gọi cực lạ, đảm bảo bạn chưa từng nghe qua bao giờ.
Bún bung là một món ăn dân dã của người Hà Nội và Thái Bình. Món ăn này gồm 2 thành phần chính là "bún" (bún rối hoặc bún lá) và "bung" - một món nước dùng để chan tô. Nước dùng này được nấu bằng sườn lợn, mỡ nước, hành hoa, mẻ và các gia vị mắm muối. Ở Thái Bình người ta nấu bún bung bằng hoa chuối. Riêng tại Hà Nội còn có một nguyên liệu đặc biệt khác là "dọc mùng" – cách gọi bạc hà của người miền Bắc. Thế nên mới nghe qua tên bún dọc mùng, không ít người miền Trung hay miền Nam cũng phải "phát lú".
Ảnh: @mokhoet_hanoi, @vietstreetfoodpl, @tungboo0107, @bepmebong
Vằn thắn, mằn thắn hay hoành thánh (theo cách gọi của người miền Nam) là một món ăn gốc Quảng Đông của Trung Quốc, với từ "vằn thắn" dịch theo âm Hán Việt là "vân thôn" (nghĩa là "nuốt mây"). Món ăn này theo người Hoa du nhập vào Việt Nam từ khoảng thập niên 1930. Trong món mì vằn thắn tại Việt Nam có các viên vằn thắn (sủi cảo) làm từ thịt nạc và tôm tươi bọc trong vỏ bột mì, xá xíu thái mỏng, trứng gà luộc, gan lợn, nấm hương, cải xanh, hẹ cùng sợi mì vàng đặc trưng.
Ảnh: @zziepp, @joliehandoan, @anhh.kookie
Món bún bề bề gây tò mò với nhiều người ngay từ chính cái tên. Bề bề thực ra là con tôm tích hay còn gọi là tôm tít, tôm búa trong miền Nam. Món bún bề bề được nấu bởi phần nước dùng có vị ngọt thanh của chính loài tôm này sau khi lột bỏ vỏ. Dù chỉ mới xuất hiện ở Hạ Long (Quảng Ninh) vài năm gần đây nhưng món bún độc lạ này đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên bản đồ ẩm thực nhiều địa phương.
Ảnh: fuongsfood
Bún chìa là một món đặc sản vô cùng nổi tiếng của vùng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Món ăn này có phần nước dùng khá giống với bún bò Huế, nhưng sự khác biệt lại nằm ở nguyên liệu. Bún chìa được làm từ phần tảng thịt phía chân sau của con lợn. Món bún giò chìa được ăn kèm với rau sống, giúp thực khách cảm thấy ngon miệng và không bị ngán.
Ảnh: @bachuaviahe, @tungboo0107
Dù có thể coi là một món ăn khá quen thuộc với người Hà Nội nhưng đối với nhiều vùng miền khác, cái tên bún thang chắc hẳn vẫn còn xa lạ. Nhiều nhà nghiên cứu ẩm thực cho rằng từ "thang" trong tiếng Hán nghĩa là canh, "bún thang" nghĩa là "bún chan bởi canh".
Quá trình làm bún thang cũng hết sức cầu kỳ với khoảng 20 nguyên liệu tạo nên: Rau răm, mùi tàu, trứng gà rán mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi rải đều trên nền bún trắng. Bún phải là loại bún sợi nhỏ, trên rắc tôm bông và rải vài lát lạp xưởng. Nước dùng phải là loại nước trong nấu cùng xương gà và mực khô. Một bát bún thang đầy đủ cũng không thể thiếu củ cải ngâm và đặc biệt là tinh dầu cà cuống.
Ảnh: @mokhoet_hanoi, @theblogofsalt, @eatwpeach, @eatingwithtitu
Nguồn: Wikipedia