Vì sao tựa game 12 năm tuổi Đột Kích phải sống lay lắt rồi bị dừng luôn dịch vụ tại Việt Nam?

Mạnh Đức, Theo Trí Thức Trẻ 00:41 01/06/2020

Rất nhiều lý do từ khách quan đến chủ quan khiến "tượng đài" game bắn súng FPS - Đột Kích - tại Việt Nam ngày càng vắng bóng người chơi.

Chắc hẳn game bắn súng Đột Kích - CrossFire (CF) đã là tuổi thơ của rất nhiều game thủ. Trò chơi ra mắt từ 2008 đến nay đã được 12 năm - "tuổi thọ" rất lớn so với nhiều tựa game khác cùng thời. Thậm chí, cho đến tận bây giờ vẫn còn có bộ phận không nhỏ người chơi CF như thú vui sau ngày làm việc căng thẳng.

Vì sao tựa game 12 năm tuổi Đột Kích phải sống lay lắt rồi bị dừng luôn dịch vụ tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Tựa game Đột Kích - CF khuấy đảo một thời.

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, ngày 31/5, trên trang chủ Đột Kích đã ra thông báo VTC Intecom dừng dịch vụ game từ ngày 1/7.

Vì sao tựa game 12 năm tuổi Đột Kích phải sống lay lắt rồi bị dừng luôn dịch vụ tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Tại sao huyền thoại của dòng Game Online, đồng thời có vai trò quan trọng trong làng eSports Việt Nam lại đến "nông nỗi" này? Thực chất, việc CF rơi vào tình trạng trên đã là điều được dự đoán từ trước.

Nạn hack game diễn ra tràn lan

Hầu hết game nào ra mắt cũng đều vướng vào những hack, cheat và Đột Kích không phải ngoại lệ. Hack bắn xuyên tường, tàng hình, auto-headshot khiến game mất cân bằng nghiêm trọng, giảm tính công bằng của trò chơi.

Vì sao tựa game 12 năm tuổi Đột Kích phải sống lay lắt rồi bị dừng luôn dịch vụ tại Việt Nam? - Ảnh 3.

Rất nhiều mã lệnh can thiệp vào trò chơi khiến game bị ảnh hưởng không hề nhẹ.

Đứng trước nạn hack, tưởng chừng NPH sẽ có biện pháp giải quyết, nhưng thực tế lại khác xa. Biện pháp "nặng tay" nhất chỉ là cấm tài khoản vĩnh viễn. Thêm vào đó, công cụ phát hiện hack còn rất kém.

Tất cả những yếu tố trên như "vẽ đường cho hươu chạy" khiến nạn hack ngày càng tràn lan, đến người chơi còn phải ngao ngán. Thậm chí, trang web quảng cáo công cụ hack còn ngang nhiên hoạt động và "mời chào" người chơi bằng vô vàn tính năng hấp dẫn. Nhà phát hành lẫn nhà phát triển cũng bất lực trước vấn nạn trên.

Chính vì vậy, game thủ ngày càng không mấy "mặn mà" với Đột Kích và dần rời bỏ tựa game này.

Quá nhiều đối thủ cạnh tranh

Đột Kích - CrossFire ra mắt đến game thủ Việt vào tháng 3/2008. Lúc bấy giờ, Đột Kích sở hữu gameplay cuốn hút, đi kèm với đó là đồ họa đỉnh cao. Người chơi khi đó vào Đột Kích hầu hết đều bị choáng ngợp trước độ "đẹp - độc - đỉnh" của game.

Vì sao tựa game 12 năm tuổi Đột Kích phải sống lay lắt rồi bị dừng luôn dịch vụ tại Việt Nam? - Ảnh 4.

Có rất nhiều tựa game trực tiếp cạnh tranh với CF.

Nhưng đó là chuyện của năm 2008. Trải qua 12 năm, rất nhiều tựa game bắn súng FPS khác "mọc" lên với đồ họa trau chuốt và gameplay cuốn hút hơn. Đồng thời, những trò chơi đó đều không ngại làm đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Đột Kích.

Điển hình có thể kể đến CS:GO, Call of Duty hay Battlefield. Mặc dù CF đã tung ra rất nhiều bản cập nhật, nhưng chủ yếu đều là update quần áo, skin súng đẹp mắt chứ không phải là cốt lõi trò chơi. Điều này khiến game thủ dễ sinh ra tâm lý chán nản, muốn bỏ trò chơi mình gắn bó bấy lâu nay để đến với "chân trời" mới.

Nhà phát hành "chưa" nắm bắt đủ sâu tâm lý game thủ

Đây có thể là lý do quan trọng nhất dẫn đến tựa game này vào tình trạng sống "lay lắt". Muốn tựa game có thể phát triển lâu dài, trước hết nhà phát hành phải lắng nghe ý kiến của game thủ.

Nhưng khi Đột Kích đứng trước vấn nạn hack, biện pháp chống hack của NPH thực sự chỉ để "cho có" hoặc không mấy tác dụng. Hoặc lúc game thủ than phiền vì lỗi game thì không sửa chữa ngay, khiến nhiều người chán nản.

Vì sao tựa game 12 năm tuổi Đột Kích phải sống lay lắt rồi bị dừng luôn dịch vụ tại Việt Nam? - Ảnh 5.

Đột Kích liên tục ra mắt các sự kiện "đỏ đen" kích nạp cho game thủ.

Quan trọng nhất, trước vô vàn vấn đề còn chưa giải quyết được hết, NPH vẫn tung ra sự kiện kích nạp đều đặn, phần thưởng "hiếm" với mức giá trên trời. Nhiều người cho rằng game ngày càng "hút máu" người chơi, nhưng NPH vẫn tiếp tục ra mắt nhiều event hơn nữa. Động thái không tôn trọng người chơi làm Đột Kích mất đi lượng lớn game thủ vào nhiều đối thủ cạnh tranh khác.

Chung quy lại, việc Đột Kích - CrossFire thành con game sống "lay lắt" tại Việt Nam và VTC Intecom là việc đã được dự đoán từ trước. Từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến game ngày càng "vắng bóng" người chơi. Dù sao thì chặng đường 12 năm vẫn là rất dài so với các tựa game khác, Đột Kích chắc chắn là một phần khó phai trong kí ức của nhiều người.

Vì sao tựa game 12 năm tuổi Đột Kích phải sống lay lắt rồi bị dừng luôn dịch vụ tại Việt Nam? - Ảnh 6.