Trong việc chế biến tôm, nhiều người thường bỏ qua bước rút bỏ đường chỉ đen trên lưng tôm; trong khi các đầu bếp và chuyên gia dinh dưỡng đều cho rằng đây là việc cần thiết để đảm bảo chất lượng vệ sinh và hương vị món ăn.
Đường chỉ đen trên lưng tôm thực chất là bộ phận thuộc hệ tiêu hóa của tôm, là nơi tôm hấp thụ và tiêu hóa thức ăn. Mặc dù không phải tất cả tôm đều có ruột đen rõ rệt nhưng phần ruột này thường sẽ lộ rõ và khá dễ nhận biết, nó nằm dọc trên sống lưng của tôm, chạy từ đầu đến đuôi.
Tôm là động vật sống dưới nước và môi trường có thể chứa nhiều yếu tố ô nhiễm như vi khuẩn, ký sinh trùng và các chất độc hại. Vì vậy, hệ tiêu hóa của tôm không thể tránh khỏi việc tích tụ những chất bẩn này. Mặc dù quá trình nấu nướng có thể tiêu diệt phần lớn vi khuẩn, việc ăn phải phần ruột này vẫn tiềm ẩn nguy cơ khiến bạn nhiễm các chất bất lợi. Do đó khi sơ chế, bạn cần loại bỏ đường chỉ đen trên lưng tôm.
Một lý do khác khiến việc loại bỏ đường chỉ đen trên lưng tôm trở nên quan trọng là nó có thể ảnh hưởng đến hương vị món ăn, gây mùi tanh hoặc mùi khó chịu khác. Phần ruột này có thể chứa các enzyme tiêu hóa chưa kịp phân hủy hoặc chất thải từ quá trình tiêu hóa của tôm.
Việc loại bỏ đường chỉ đen trên lưng tôm khiến món ăn trở nên thơm ngon hơn, giúp bạn cảm nhận trọn vẹn vị ngọt mà hương thơm tự nhiên đặc trưng của loại thực phẩm này. Đặc biệt, đối với các món ăn yêu cầu sự tinh tế, việc làm sạch tôm kỹ càng là rất quan trọng.
Để loại bỏ đường chỉ đen trên lưng tôm một cách hiệu quả, bạn có thể làm theo các bước sau:
Trước khi bắt đầu, hãy rửa tôm dưới vòi nước sạch để loại bỏ bùn đất và các tạp chất bám trên vỏ. Dùng tay hoặc kéo lột bỏ lớp vỏ bên ngoài của tôm. Cẩn thận lột từ phần đầu đến phần đuôi của tôm để không làm vỡ phần ruột.
Dùng một chiếc tăm hoặc dao nhỏ để khéo léo rút phần chỉ đen ra khỏi lưng tôm. Đôi khi, bạn cần dùng tay để nhẹ nhàng kéo phần ruột ra, tránh làm vỡ hoặc làm rách ruột của tôm.
Sau khi đã loại bỏ hoàn toàn đường chỉ đen, hãy rửa lại tôm một lần nữa để đảm bảo tôm đã được làm sạch hoàn toàn.
Để chọn được tôm tươi, bạn cần quan sát dựa vào các dấu hiệu dưới đây.
- Quan sát màu sắc : Tôm tươi ngon có vỏ màu trắng xanh và độ bóng sáng nhất định. Đặc biệt khi soi dưới nắng, bạn sẽ thấy vỏ tôm trong suốt và bóng. Ngược lại, tôm để lâu thường có phần vỏ bị ngả vàng hay tái nhợt.
Các loại tôm khác nhau có đặc điểm màu sắc hơi khác nhau. Tuy nhiên, nếu thấy tôm chuyển sang màu đen thì bạn có thể khẳng định chúng đã chết từ lâu và đang phân hủy. Việc ăn những con tôm như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
- Kiểm tra độ đàn hồi : Những con tôm tươi có độ đàn hồi cao và phục hồi hình dạng nhanh chóng khi nắn bóp. Bạn cầm con tôm, thử kéo thẳng nó ra, nếu tôm không co cong lại như tư thế ban đầu chứng tỏ nó đã chết một thời gian dài, không còn tươi nữa.
- Xem phần kết nối giữa đầu và thân tôm : Những con tôm có phần thân hơi cong, thịt căng chắc, phần vỏ linh hoạt, còn nguyên vẹn phần đầu dính chặt vào thân thì đó là tôm tươi. Nếu phần kết nối giữa đầu và thân tôm có màu đen, lỏng lẻo, đầu tôm sắp rụng nghĩa là tôm không còn tươi.
- Quan sát chân tôm : Con tôm tươi và ngon thì phân chân sẽ gắn chặt vào thân, thịt tôm phải săn chắc. Bạn không nên chọn mua những con tôm có chân đã chuyển sang màu đen vì đây chính là dấu hiệu cho thấy chúng không còn tươi nữa.
- Quan sát đuôi tôm : Hãy kiểm tra phần đuôi tôm nhằm xác định độ tươi của chúng. Tôm tươi thường có phần đuôi xếp lại với nhau và cúp xuống.
Nếu đuôi xòe ra chứng tỏ tôm đã bị bơm hóa chất hoặc tiêm nước để tạo vẻ mập mạp, khi nấu sẽ bị chảy nhiều nước, thịt teo lại, bở, vị nhạt hơn so với bình thường.