Có nhiều hệ thống máy quét và soi chiếu khác nhau tại sân bay. Bên cạnh máy quét hành lý sử dụng công nghệ tia X, sân bay có thể sử dụng thêm máy quét toàn thân, cổng dò kim loại và máy dò kim loại bằng tay.
Máy quét toàn thân cũng có loại sử dụng tia X và từng gây ra nhiều tranh cãi do công nghệ này cho phép máy quét rõ cơ thể người. Nhiều hành khách vì thế mà cảm thấy bị xâm phạm thân thể.
Hiện nay, máy quét toàn thân tia X đã bị loại bỏ tại nhiều sân bay nhưng vẫn được một số sân bay tại Mỹ và châu Âu sử dụng, chỉ có điều hình ảnh được xử lý lại để che đi những phần nhạy cảm.
Dù ứng dụng công nghệ hiện đại, hệ thống máy quét tại sân bay đôi lúc không thể giúp lực lượng an ninh phát hiện ra ma túy, thuốc nổ hoặc đồ vật cấm. Tại sao lại như vậy?
Theo tờ PhilStar, trong một cuộc thử nghiệm năm 2011, món bánh trung thu nhân đậu của người Philippines đã lợi dụng nhược điểm của chiếc máy quét X-ray đắt tiền, từ đó đánh lừa được nhân viên an ninh.
Mặc dù các màu sắc dùng để biểu thị vật liệu vô cơ và kim loại khá đa dạng nhưng tất cả các máy quét tia X đều sử dụng màu cam để biểu thị vật liệu hữu cơ.
Khi tia X xuyên qua chiếc bánh, nó phát tín hiệu đây là đồ hữu cơ. Do chất nổ và ma túy cũng được phân loại là hữu cơ nên chúng đều hiển thị màu cam trên màn hình quét.
Theo một quan chức an ninh sân bay Philippines, máy quét X-ray chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất nếu phối hợp cùng với chó nghiệp vụ.
(Nguồn ảnh: Live Science)
Tháng 8/2014, Philippines tiếp tục ghi nhận trường hợp máy quét X-ray của Cục Hải quan nước này không thể phát hiện ra ma túy đá được bọc trong chì, lá kim loại và nhựa.
Bà Zsae Carrie de Guzman, trưởng bộ phận X-ray cho biết, ma túy đá được bọc chì có thể đã làm hỏng máy quét X-ray. Nó tạo ra hiệu ứng dội ngược khiến các nhân viên kỹ thuật không thể nhìn thấy những gì bên trong.
Ngoài ra, việc ma túy đá được bọc trong lá kim loại, sau đó bọc tiếp bên ngoài bằng túi nhựa ziploc cũng gây khó khăn cho quá trình nhận dạng.
Theo website Executive Flyers, máy quét X-ray không thể trực tiếp phát hiện ra ma túy giấu trong quần áo hay hành lý, mà cung cấp hình ảnh mô phỏng nổi bật của đối tượng kiểm tra và phân biệt bằng màu sắc.
Đáng nói, vật thể có kết cấu càng đặc và càng dày thì khi qua máy quét sẽ cho hình ảnh hiển thị càng sẫm màu, và việc xác định các điểm dị thường tiềm ẩn trong vật thể này sẽ khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, máy quét X-ray mặc dù có thể phát hiện các vật liệu kim loại hay phi kim loại nhưng không thể nhìn xuyên qua vàng, bạch kim, vonfram, chì...
Cocaine dạng lỏng được xem là một thách thức đối với máy quét X-ray. Hình thức buôn lậu cocaine dạng lỏng được khởi xướng vào năm 2011 ở Nam Mỹ, nó đã tạo điều kiện cho những kẻ buôn lậu tránh bị phát hiện khi qua cửa kiểm tra của hải quan sân bay.
Những "con la" ma túy sẽ nuốt vào người các viên nang cao su, bao cao su hoặc nuốt bọc nilong chứa đầy chất cấm. Chúng cũng có thể tẩm hoặc phun ma túy lên quần áo, sau đó chiết xuất ra bằng một dung dịch đặc biệt.
Theo tờ Times of India, khi các bao cao su latex được nuốt vào cơ thể người, chúng trông giống như một đoạn ruột bị vón cục, và khi cocaine lỏng được xịt lên quần áo, nó có mùi giống như nước hoa.
(Nguồn: Quora)
Những điều đó đã khiến máy quét X-ray tại các sân bay không thể phát hiện ra cocaine lỏng. Vào thời điểm năm 2018, khi bài báo của Times of India đăng tải, cách duy nhất để phát hiện cocaine lỏng là thông qua chụp CT hoặc các công cụ hình ảnh tiên tiến khác.
Theo tờ Vice, các sân bay thường không được bố trí máy chụp CT. Mặc dù họ có máy quét toàn thân nhưng thiết bị này không cung cấp được hình ảnh chi tiết như kỹ thuật chụp CT mang lại.
Tiến sĩ Andrew J. Einstein, giám đốc nghiên cứu CT tại Đại học Columbia cho hay: "Nếu dùng máy quét tán xạ ngược kiểm tra một hành khách thì phải quét từ cả phía trước và phía sau, khoảng 200.000 lần mới đạt được lượng bức xạ tương đương với một lần chụp CT thông thường".
Chính phủ Bolivia từng lên tiếng thừa nhận họ hoàn toàn không thể phát hiện ra cocaine lỏng dựa vào các loại máy quét. Để ứng phó tình hình, nước này phải đào tạo lại các nhân viên an ninh sân bay để phát hiện những kẻ buôn lậu dựa trên ngoại hình và hành vi của họ.
Theo tạp chí WCO, bất chấp những tiến bộ trong công nghệ, quyết định về việc liệu hình ảnh của một chiếc túi xách hoặc một xe có chứa vật phẩm bị cấm hay không vẫn phụ thuộc vào nhân viên kỹ thuật.
Trong những năm gần đây, người ta đã tập trung vào việc làm thế nào để nâng cao năng lực của nhân viên an ninh đọc máy quét, bởi các lỗi phát sinh trong quá trình sàng lọc hình ảnh tia X có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Việc xác định các vật phẩm bị cấm trở nên phức tạp hơn nếu chúng có kích cỡ nhỏ, ví dụ như vũ khí đã được tháo rời thành nhiều phần và giấu trong các hành lý khác. Các phương thức che giấu của tội phạm cũng luôn thay đổi và biến hóa, làm gia tăng mức độ khó khăn cho một công việc vốn đã rất phức tạp.
(Nguồn ảnh: ShutterStock)
Các nhân viên đọc máy quét cần phải biết vật phẩm nào được phép, vật phẩm nào không. Bên cạnh đó, họ phải nắm được những vật phẩm đó trông như thế nào, cả ngoài đời thực và trong hình ảnh hiện thị trên máy quét.
Các nghiên cứu về nhận dạng đối tượng đã cho thấy, hình ảnh của vật thể, nếu không tương đồng với hình ảnh được con người lưu trữ trong bộ nhớ, sẽ khiến chúng ta rất khó, hoặc thậm chí hoàn toàn không nhận ra chúng.
Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới khả năng phân tích và diễn giải hình ảnh từ máy quét, ví dụ như điểm nhìn đối với vật thể, sự chồng chéo (vật thể này chồng lên vật thể khác)…
Việc nhận diện vũ khí trong hành lý khách hàng sẽ khó khăn nếu trên máy quét, đối tượng được hiển thị ở góc độ khó nhận diện, hoặc được trộn lẫn với các đồ vật khác, nhất là nếu chúng được xếp chồng lên nhau.
Trong nghiên cứu công bố vào tháng 10 năm ngoái, các học giả ở Anh cho rằng, tia X, nếu kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), có thể phát hiện chính xác 100% ma túy và các loại chất nổ.
Giáo sư Sandro Olivo, tác giả nghiên cứu cho biết, thông qua các nghiên cứu trước đó, nhóm phân tích phát hiện ra rằng những thay đổi vi mô hoặc sự bất thường trong các vật thể khiến chùm tia X bị bẻ cong khi đi qua chúng.
(Nguồn ảnh: Scotsman)
Phương pháp mới của nhóm nghiên cứu dựa vào việc đo những khúc cua nhỏ này khi chùm tia di chuyển qua các vật thể có kết cấu khác nhau.
Sự uốn cong tia X xảy ra ở các góc nhỏ cỡ 1 microradian (nhỏ hơn khoảng 20.000 lần so với 1 độ). Nhóm đã kết hợp phép đo góc này (được gọi là tán xạ microradian) với AI để xác định chính xác vật liệu và vật thể thông qua kết cấu của chúng.
Kết quả cho thấy, khi thử nghiệm với chất nổ, tỷ lệ phát hiện chính xác là 100%.
Các nhà nghiên cứu cho biết, phát hiện lần này sẽ mang ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực an ninh trong tương lai, và thậm chí có khả năng hỗ trợ ngành y tế, cũng như công nghiệp.