Ngay từ thời điểm dự án Liên Minh: Tốc Chiến được giới thiệu tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm Liên Minh Huyền Thoại, tựa game này đã được xem là bom tấn thực sự của làng game di động toàn cầu. Trong suốt một năm sau đó, rất nhiều những mong ngóng của người chơi đã dành cho Liên Minh: Tốc Chiến và bất cứ một thông tin nào về đồ họa, lối chơi, hệ thống tướng... đều được game thủ quan tâm nhiệt tình.
Đặc biệt phải kể đến hai lần Alpha Test và Closed Beta giới hạn đã khiến cho game thủ Việt đứng ngồi không yên. Vào thời điểm đó, không khó để bắt gặp những bài đăng hỏi đáp tìm cách tải game, tạo tài khoản và hướng dẫn đăng nhập. Chơi được Liên Minh: Tốc Chiến tại Việt Nam vào khoảng thời gian cách đây 6 tháng thực sự là một điều "không thể tin nổi".
Với sức hút lớn đến như thế, nhưng tại sao đến bây giờ Liên Minh: Tốc Chiến, dù đã ra mắt chính thức tại thị trường Việt Nam nhưng vẫn chưa thể tạo nên được những thành công như mong đợi? Tại sao một sản phẩm được liệt vào hàng bom tấn lại vấp phải nhiều sự phản đối từ chính những người đã từng rất háo hức trải nghiệm?
Với cách thức đồng phát hành, Riot sẽ là đơn vị quản lý, vận hành máy chủ trong khi đó VNG sẽ là người phụ trách phần truyền thông, cổng nạp tại thị trường Việt Nam. Nếu để ý kỹ thì có thể thấy, Liên Minh: Tốc Chiến không nhận được một chiến dịch truyền thông, quảng cáo nào đáng kể tại thị trường Việt Nam, ngoài sự kiện chuyến xe Tốc Chiến.
Ngoài việc mời một số streamer từ Liên Quân bước sang, VNG hiện chưa có một động thái đáng kể nào để đẩy mạnh marketing cho Liên Minh: Tốc Chiến. Thậm chí, có nhiều bài đăng còn giống nhau trên hai Fanpage Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến của Riot và Tốc Chiến 247 của VNG.
Nếu nhìn vào cách thức quảng bá các sản phẩm game mobile trước đây của VNG thì người chơi có thể thấy sự khác biệt rất lớn giữa Tốc Chiến - một sản phẩm đồng phát hành và các tựa game do đích thân VNG chịu trách nhiệm 100%. Hay bởi vì VNG đang quá tự tin về thương hiệu Tốc Chiến theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương"?
Hãy nhớ lại một chút về giải đấu Showmatch Pentaboom của Liên Minh: Tốc Chiến được tổ chức đúng vào ngày bán kết của AIC 2020. Sự chênh lệch quá lớn về số lượng người xem cùng thời điểm giữa hai tựa game, hai giải đấu, mặc dù Pentaboom cũng quy tụ những tên tuổi streamer rất lớn là một dấu chấm hỏi lớn về kế hoạch marketing của VNG.
Nếu để nói về những vấn đề khiến cho người chơi cảm thấy khó chịu trong Liên Minh: Tốc Chiến thì có lẽ là không ít. Cho tới thời điểm hiện tại, game vẫn không thoát được vấn đề giật, lag hoặc thậm chí là mất kết nối giữa chừng.
Đã gần một tháng kể từ ngày ra mắt chính thức tại Việt Nam nhưng có vẻ như máy chủ vẫn chưa được cải thiện, điều tối kỵ đối với sản phẩm game online nói chung và với game MOBA eSports như Tốc Chiến nói riêng. Bởi chỉ cần một pha "delay" nhẹ, số phận của người chơi đã có thể an tọa trên bảng đếm số rồi.
Thêm vấn đề nữa đó chính là tình trạng kiểm duyệt ngôn ngữ quá ngặt nghèo trong Tốc Chiến khi ngay cả những ngôn từ trong sáng cũng bị biến thành *** một cách khó hiểu. Một lần nữa, game thủ đặt câu hỏi trách nhiệm của VNG ở đâu trong việc tham mưu cho Riot để khắc phục vấn đề này?
Nếu ai đã từng là game thủ eSports kỳ cựu thì có thể nhìn ra được rằng VNG chưa đưa ra lộ trình phát triển dài hơi cho Liên Minh: Tốc Chiến tại thị trường Việt Nam. Có cảm giác rằng Tốc Chiến đang bị bỏ rơi để cộng đồng tự phát thay vì có một hướng hoạch định rõ ràng từ nhà phát hành.
Khi mà Riot vẫn đang luống cuống trong việc khắc phục server thì VNG cũng đem lại cho người chơi cảm giác rằng NPH này đang không mặn mà với sản phẩm bom tấn mang tên Tốc Chiến.
Còn nhớ cách đây gần 4 năm, khi VNG đem về Crossfire Legends, NPH này đã ngay lập tức vẽ ra một lộ trình giải đấu eSports từ nghiệp dư, bán chuyên cho tới chuyên nghiệp rồi thậm chí là cả quốc tế. Thực tế thì mô hình đó đã thành công trong năm phát hành đầu tiên của sản phẩm bắn súng này. Vậy tại sao, Tốc Chiến vẫn chưa có?
Tất nhiên, Tốc Chiến mới ra mắt được một tháng, song đây cũng là giai đoạn vàng của một sản phẩm game online mà đáng lẽ VNG nên đưa ra một hướng đi cụ thể cho tất cả người chơi được nhìn thấy, thay vì để thả trôi như hiện tại.
Liệu đây có phải là một pha "đem con bỏ chợ" của VNG hay không? Điều này sẽ được chúng mình giải đáp trong phần tiếp theo của bài viết.
"Còn tiếp"
Ảnh: Internet