Hai sự cố gần đây của Apple đều liên quan đến pin.
Đầu tiên, Cục Hàng không Liên bang đã ban hành lệnh cấm mang một số mẫu MacBook lên máy bay. Khi mà trước đó, Apple đã tiến hành thu hồi những chiếc MacBook Pro 15 inch do pin bên trong có khả năng gây cháy nổ.
Sự cố thứ hai liên quan đến việc thay pin cho iPhone. Nếu bạn không thay pin iPhone chính hãng, hoặc không thay pin tại các cửa hàng được ủy quyền bởi Apple, thì trong phần cài đặt sẽ hiển thị một cảnh báo. Mặc dù cảnh báo này không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng iPhone của người dùng, nhưng nó vẫn gây phiền toái và không hiển thị cho người dùng biết tuổi thọ pin.
iFixit, công ty chuyên hướng dẫn và bán các dụng cụ để người dùng tự sửa chữa, cho rằng Apple đang ngăn chặn việc các cửa hàng và người dùng tự ý sửa chữa, thay pin iPhone mà chưa được ủy quyền. Ngay cả khi sử dụng pin chính hãng của Apple, nhưng cũng không được thay thế khi chưa được sự cho phép của Apple.
Trong khi đó, phản hồi của Apple khẳng định những động thái này chỉ nhằm bảo vệ người dùng. Nhằm giúp họ tránh sử dụng những viên pin không rõ nguồn gốc, kỹ thuật viên thay thế không đúng cách, để dẫn đến những trường hợp tai nạn cháy nổ không đáng có.
Ông Nadim Maluf, giám đốc điều hành của Qnovo (một công ty chuyên sản xuất các thiết bị và phần mềm kiểm tra pin trên smartphone), cho biết: “Tại Trung Quốc, mỗi khi một mẫu smartphone mới của Apple, Samsung hay LG ra mắt, những viên pin được lấy ra và tạo thành những bản sao. Những viên pin này được sản xuất bởi các cơ sở cấp 2, cấp 3 hoặc cấp 4”.
Các cửa hàng sửa chữa mua những viên pin này từ những nguồn không rõ ràng. Thậm chí người dùng cũng có thể dễ dàng mua chúng trên mạng internet, để tự thay thế. Những viên pin giả thường gây ra nhiều vấn đề, nhẹ có thể là bị phồng, còn nặng có thể gây cháy nổ.
Pin giả là một vấn nạn mà Apple đã phải chiến đấu trong nhiều năm. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng Apple không thể nào quét sạch những viên pin giả này, khi chúng vẫn được bày bán từ các chợ linh kiện cho đến các trang web thương mại điện tử.
Chính vì vậy, Apple đã phải nghĩ ra một cách để cảnh báo người dùng. Đó là một thông báo trong phần cài đặt, nếu người dùng thay pin không rõ nguồn gốc thì sẽ hiển thị cảnh báo “Không thể xác nhận đây là pin chính hãng của Apple”. Và thông số tuổi thọ pin cũng sẽ không được hiển thị.
Tuy nhiên, Apple không bao giờ bán pin chính hãng trực tiếp cho người dùng để họ tự thay thế. Apple luôn khuyến cáo người dùng nên tới Apple Store hoặc các cửa hàng sửa chữa được ủy quyền bởi Apple.
Một tỷ lệ lỗi nhỏ cũng có thể gây ra một sự cố lớn
Apple luôn cẩn thận với những lỗi với tỷ lệ nhỏ trên các sản phẩm của mình. Sự cố của MacBook Pro 15 inch khiến Apple phải thu hồi 432.000 chiếc tại Mỹ. Trong khi Apple đã nhận được 26 báo cáo về việc pin quá nóng, tương đương với tỷ lệ 6 trên 100.000 chiếc MacBook gặp lỗi.
Đó là một tỷ lệ lỗi khá nhỏ, nhưng chỉ cần một video MacBook bốc cháy được phát tán trên các trang mạng xã hội, rắc rối mà Apple phải hứng chịu sẽ là rất lớn. DJ White Panda đã chia sẻ một video chiếc MacBook Pro của anh phát nổ và bốc cháy, ngay lập tức bài đăng đã có hơn 5.000 lượt upvote và được chia sẻ rộng rãi.
Tức là mức độ ảnh hưởng của sự cố này sẽ cao hơn gấp nhiều nhiều lần so với tỷ leek 6/100.000 chiếc MacBook gặp lỗi. Chính vì vậy mà Apple cần nhanh chóng có biện pháp, bắt đầu từ việc thu hồi toàn bộ lô hàng MacBook Pro đã được bán ra.
Khác với những lỗi phần mềm hay phần cứng khác, những lỗi về pin luôn khiến người dùng lo lắng và hoảng sợ. Vì chúng có thể gây ra những vụ hỏa hoạn, những thương tích nghiêm trọng cho người dùng.
Do đó chúng ta cũng nên hiểu cho Apple, vì sao lại phải thận trọng trong việc để người dùng tự thay thế pin, hoặc thay pin tại các cơ sở không được ủy quyền.
Tham khảo: CNBC