Nhìn chung trong Về Nhà Đi Con số phận của các nhân vật thuộc tuyến nam - nữ được xây dựng hoàn toàn khác nhau. Những người phụ nữ thường có xu hướng khổ vì tình, bi lụy và phụ thuộc phần lớn vào đàn ông. Trong khi đó, cánh đàn ông trong phim thường chẳng bao giờ phải chịu khổ, hoặc thậm chí là nói lời xin lỗi dù là người gây ra tội.
Bằng cách nào đó, Về Nhà Đi Con vẫn mang một chút màu sắc phân biệt giới tính, trọng nam khinh nữ. Giữa thời buổi hiện đại ngày nay, vẫn còn đâu đó những mảnh đời bị đè nặng bởi áp lực của cuộc sống, và những suy nghĩ: "Đàn ông phải xây nhà, đàn bà phải xây tổ ấm" v.v... Chính vì những cách áp đặt như vậy, đã kéo cuộc đời của nhiều nhân vật trong Về Nhà Đi Con xuống vũng lầy, hay đơn giản là đau khổ khốn cùng.
"Về Nhà Đi Con" có khá nhiều vấn đề về giới tính.
Bà Bích - Không sinh được con trai, bị chồng bỏ bê
Người đàn bà đầu tiên xuất hiện trong Về Nhà Đi Con, bà Bích (Thúy Hà) dĩ nhiên là một nạn nhân điển hình của nạn phân biệt giới tính. Bị chồng bỏ bê, không thèm ngó ngàng chỉ vì xinh ra "ba con vịt giời". Cái giá phải trả của bà chính là mạng sống, nằm nhà đến ngày chuyển dạ nhưng chồng lại bỏ đi nhậu. Đến khi vào viện thì lại quá trễ, bà Bích qua đời sau khi sinh con. Đến cuối cùng, bà ra đi trong sự hối lỗi muộn màng của chồng.
Bà Bích là người đầu tiên trong phim khổ vì suy nghĩ trọng nam khinh nữ của chồng.
Huệ - Khổ vì quá cam chịu, chỉ biết ngồi chờ đàn ông
Huệ (Thu Quỳnh) - người phụ nữ thứ hai, là phiên bản của mẹ mình. Số phận của cô cũng là ngồi chờ một người đàn ông giàu có, đĩnh đạc đến "độ" mình. Sau khi ly dị Khải, cô vẫn đi làm phục vụ ở căn tin và ngày ngày thả thính ông Quốc. Số phận của cô con gái đầu lòng của ông Sơn bị cột chặt vào đàn ông. Trước Quốc, Huệ khổ vì gặp phải gã chồng vũ phu, chỉ biết đánh bạc và đánh... vợ. Rồi cô lại khổ vì... Thành, gã tình cũ không biết ở đâu tìm đến thả thính khiến Huệ bị cả bố lẫn chồng hiểu lầm, đuổi ra khỏi nhà. Không biết sắp tới Huệ có rút ra bài học cuộc đời cho mình hay không, nhưng trước mắt, số phận của Huệ thăng trầm ra sao vẫn chỉ phụ thuộc vào việc... cô gặp người đàn ông như thế nào.
Anh Thư - Khổ sở vì dựa hơi tài chính đàn ông
Anh Thư từ nhỏ đã có suy nghĩ phụ thuộc vào đàn ông để làm giàu. Buôn bán quần áo, kem trộn hay đóng phim gì đó chỉ như những hoạt động cầm chừng của cô nàng, còn việc chính vẫn là đi... chăn đại gia. Tư duy của Thư không bao giờ có hai chữ "lao động chân chính" mà chỉ mong một ngày lấy được đại gia, lấy tiền của chồng về chăm lo cho gia đình mình. Bằng chứng là trước ngày cưới, Thư (Bảo Thanh) đã bắt chồng phải mua lễ vật hồi môn và mang về đưa bố. Cô tự hào khoe rằng chồng rất thoải mái tới mức... cho cô tiền để mua. Mặc dù, xét cho cùng thì hợp đồng hôn nhân trị giá ba tỷ của Thư và Vũ (Quốc Trường) có thể là một hình thức kinh doanh đấy, nhưng cách của cô nàng vẫn mang màu sắc... đào mỏ nhiều hơn là thực sự lao động nghiêm túc kiếm ra cơ nghiệp.
Ước mơ của Thư là được giàu có bằng cách... đi chài đàn ông chứ không phải lao động.
Ánh Dương - Mặc cảm từ bé chỉ vì sinh ra là con gái
Trong ba chị em, có lẽ người duy nhất không phụ thuộc vào đàn ông chính là Ánh Dương (Bảo Hân). Ngược lại, Bảo (Quang Anh) - bạn thân kiêm người yêu đơn phương Dương lại phải chạy theo săn đuổi cô nàng.
Điều làm Dương khổ suốt thời niên thiếu lại chính là giới tính của mình. Cô bé mặc cảm mình sinh ra là con gái, làm mẹ qua đời nên bố mới thất vọng và không thương mình. Khi lớn lên, Dương luôn muốn chiếm lấy sự yêu thương của bố bằng cách ăn mặc, hành xử hệt như một đứa con trai. Tuy đó chỉ là suy nghĩ riêng của cô bé, vì ông Sơn vẫn thương các con mình không xót một ai, nhưng chính suy nghĩ phân biệt giới tính ban đầu của ông đã khiến Dương phải áp đặt mình trở thành một đứa con trai. Kéo theo đó là việc cô bé luôn phải lao vào những cuộc ẩu đả ngoài đường, chỉ để cho giống một đáng nam nhi thực thụ.
Uyên - Hiện đại tân tiến nhưng vẫn không thoát được định kiến
Uyên (Kim Ngọc) - cô tình địch sang chảnh, tưởng như rất hiện đại của Huệ cũng không phải ngoại lệ. Chồng của cô đi tơ tưởng tình cũ, Uyên có quyền được ghen không? Có chứ, cô đánh ghen một cách tài tình, thanh lịch không có chỗ nào để chê. Vấn đề là sau khi mọi thứ đã qua, Uyên lại là người... đi xin lỗi. Trong vấn đề ngoại tình, người có lỗi là Uyên và chồng cô hoàn toàn vô tội sao? Tất nhiên là không! Huệ có lỗi, Uyên có lỗi và đặc biệt là gã chồng của Uyên, Thành lỗi càng nặng. Chính anh ta là người chủ động đi tìm Huệ, nhưng Uyên phải nhận lỗi vì bổn phận "xây tổ ấm" của phụ nữ bị gán lên người cô như một cái gông mà cô không thể gánh nổi. Và việc Uyên thất bại trong xây dựng tổ ấm nên Thành đã không có lỗi trong việc chủ động tìm lại tình cũ, mà lỗi hoàn toàn là ở Uyên?
Uyên phải nhận là người sai, một phần là vì cư xử không xứng đáng nhưng lại cũng phải nhận rằng lỗi là do mình không xây được tổ ấm.
Khải - Gã sở khanh "thoát tội" cưỡng bức vợ mình
Đầu tiên đó là Khải (Trọng Hùng). Gã đốn mạt luôn tìm cách đánh ghen, hành hạ vợ và trên hết là cưỡng bức chính người vợ của mình. Nhưng khác với hai nhân vật Liễu và Xinh kể trên, Khải lại được xây dựng rất có chiều sâu. Trong khi Liễu như một kẻ vô tình, xúi anh trai mình về "vắt tiền" nhà vợ để thoát án tù, thì Khải lại được ban cho lương tâm. Cảnh phim khi Khải khóc cạn nước mắt vì ân hận còn Liễu thì kiên quyết xúi anh trai đi đòi tiền nhà vợ miêu tả lập luận này rõ hơn cả.
Khải từng cưỡng bức Huệ.
Rõ ràng nhất là ở chi tiết Khải cưỡng bức vợ mình. Tội hiếp dâm theo luật pháp, là tội nặng hơn rất nhiều so với tai nạn giao thông. Và hãy xem lại Về Nhà Đi Con để nhận ra rằng, Khải đi tù vì gây tai nạn giao thông chết người chứ không phải vì hiếp dâm vợ. Huệ đã BỎ QUA lỗi lầm cho Khải, bằng cách là kịch bản không cho Huệ nhắc tới chuyện cũ nữa, cô quên luôn! Tai nạn giao thông xảy ra thực chất đã đánh tráo tội trạng của Khải, hoặc làm giảm nhẹ tội danh của anh. Đáng lý Huệ phải tố cáo người chồng, để anh ta chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, nhưng dĩ nhiên, Huệ phải cam chịu và bỏ qua lỗi lầm. Đừng nói là Huệ đã "tha thứ" cho Khải, vì hiếp dâm căn bản không phải loại lỗi lầm để mà "tha thứ". Nó luôn phải bị trừng trị. Huệ và bao người phụ nữ khác, đã coi nhẹ giá trị của mình tới mức không thể ý thức được tội trạng của cưỡng bức nặng cỡ nào! Cộng thêm sự giúp sức của kịch bản, Về Nhà Đi Con đã tẩy trắng ít nhất là một nửa tội trạng của Khải.
Khải giải quyết tội hiếp dâm của mình với Huệ bằng một câu xin lỗi.
Nhưng thật ra, Khải cũng là nạn nhân của sự phân biệt giới tính. Ngay từ đầu, lý do anh sa ngã vào cờ bạc chính là vì suy nghĩ "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Vì suy nghĩ phải mua cho vợ một căn nhà, Khải đã lao vào chiếu bạc, bắt đầu thua và đổ nợ. Thế là Khải phải trả nợ, nhưng sau đó vẫn muốn xây nhà cho vợ, anh tiếp tục lao đầu vào chiếu bạc. Chính vì thói cờ bạc đã khiến tình cảm vợ chồng Khải rạn nứt, Huệ mất đi đứa con đầu lòng. Nếu không vì sức ép xây nhà cho vợ, có lẽ Khải đã không rơi vào tình huống bây giờ. Vấn đề là thời buổi này, hai vợ chồng hoàn toàn có thể cùng nhau hợp sức để làm ăn. Người ta nói "thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn", giá mà Khải biết và hiểu câu nói ấy của người xưa hơn.
Vũ - Tên sở khanh chưa một lần đối mặt với tội lỗi của mình
Vũ sở khanh (Quốc Trường), bày ra một trò chơi cực kì coi thường người khác, đó là cho Dũng (Anh Vũ) bạn thân của mình giả vờ đi tán tỉnh Thư. Sau đó lật mặt và lấy cớ đó để lăng mạ cô gái tội nghiệp. Trò chơi này của Vũ không chỉ coi thường Thư, coi cô là kẻ thực dụng, mà thực chất hai gã đàn ông còn đem tình cảm của người khác ra chơi đùa. Đối với hai người này, Thư chỉ là một món đồ chơi không hơn không kém. Vậy mà khi Thư dính bầu, Vũ vẫn mặc sức sỉ vả, coi thường cô. Trên hết, tội lỗi của Vũ đối với Thư, chưa lần nào gã trai này phải trả giá.
Vũ và Thư rõ ràng là cả hai đã chủ động.
Nhưng sáng hôm sau vẫn đổ thừa cho Thư đã quyến rũ mình.
Thành - Viện cớ bỏ vợ đi tìm tình cũ, tìm xong lại trốn tội
Một trường hợp khác nữa là Thành, gã chồng của Uyên, tình cũ của Huệ. Anh ta là người đã chủ động tìm đến Huệ khi vợ vắng nhà. Là người "thả thính" Huệ, đặc biệt, khi vợ biết chuyện, Thành tuyệt nhiên không thèm nói một câu xin lỗi nào. Vấn đề ở đây, là trong chuyện rắc rối giữa Huệ - Uyên - Thành, nếu cả ba cùng có lỗi thì lỗi của gã đàn ông này là lớn nhất. Vậy đó, mà khi Uyên nổi giận, Thành thậm chí còn không thèm trả lời tiếng nào rồi bỏ đi một cách thanh cao. Nhưng khi Uyên nhắc đến Huệ trong chỉ một câu nói duy nhất, Thành lại lên tiếng bênh vực Huệ chằm chặp. Cuối cùng, người nhận mọi lỗi lầm và phải thay mặt cả hai vợ chồng đi xin lỗi là... Uyên, một người phụ nữ.
Thành không hề biết xin lỗi vì những gì mình gây ra.
Những hành động của Thành, để lại rất nhiều hậu quả. Uyên thì mù quáng ghen tuông, tìm đến tận nhà Huệ tấn công tâm lý. Còn bản thân nạn nhân, Huệ bị chồng hiểu lầm, điên cuồng mắng chửi, hạ nhục rồi làm đủ trò khiến Huệ mất mặt. Nặng nề nhất, là Huệ bị ông Sơn (NSƯT Trung Anh) hiểu lầm. Ông đuổi Huệ ra khỏi nhà chừng nào chưa giải quyết được vấn đề với chồng. Cô con gái cả bị rơi vào cũng cực của sự đau khổ và oan ức. Đến cuối cùng, Thành vẫn nợ Huệ một lời xin lỗi, nhưng anh ta chỉ lẳng lặng và... hết vai.
Uyên phải thay mặt chồng đi xin lỗi Huệ.
Có thể thấy, một là Về Nhà Đi Con đang cố đưa ra nhận định về một xã hội vẫn còn đầy sự phân biệt giới tính giữa nam và nữ. Có lẽ trong phim, cách mà kịch bản xử lý vấn đề vẫn còn khá bất công với các nhân vật, nhưng đó lại là sự thật của xã hội. Ở thế giới này, đàn ông đôi lúc vẫn có những độc quyền nhiều hơn hẳn phụ nữ. Khi mà đàn ông thoải mái ngoại tình, chỉ nhận lại những lời bình luận "thoải mái một chút có sao đâu?" thì phụ nữ sẽ bị gắn cái mác là lăng loàn, thiếu đứng đắn. Hoặc định kiến về những người đàn ông suốt ngày nhậu nhẹt ngoài đường thì đường, còn phụ nữ thì luôn phải cắm mặt với việc nhà, bếp núc v.v...
Dù sao thì Về Nhà Đi Con cũng là một phim truyền hình đang được khán giả yêu thích, hy vọng đạo diễn của phim, trong những tập tới sẽ biết cách truyền những thông điệp tích cực hơn cho nội dung của phim về sự bình đẳng giới tính giữa thời buổi hiện đại, công bằng ngày nay.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.