VCS ồ ạt tuyển ngoại binh, được gì và mất gì?

NHS, Theo Trí Thức Trẻ 06:30 10/06/2020

Khi Profit gia nhập Team Flash, nhiều người cho rằng VCS nên tuyển thêm ngoại binh để nâng cao thành tích tại đấu trường quốc tế nhưng đây vẫn là nước đi khá mạo hiểm.

Hẳn nhiều người đồng ý rằng ngoại binh sẽ có phần trội hơn các nội binh về tư duy chiến thuật cũng như kỹ năng cá nhân. Tuy nhiên, để coi lực lượng này là nòng cốt đưa VCS đi lên thì chưa hẳn đã đúng.

VCS ồ ạt tuyển ngoại binh, được gì và mất gì? - Ảnh 1.

Profit tới VCS sẽ báo hiệu sự trỗi dậy của các ngoại binh.

Đầu tiên, quỹ lương của ngoại binh sẽ rất lớn. Để biết lương thưởng ngoại binh ảnh hưởng lớn tới đội thế nào thì chúng ta phải nhìn qua môn thể thao hàng xóm của Esports là bóng đá, cụ thể ở đây là VLeague.

Mỗi đội bóng thi đấu đều chỉ có 3 suất ngoại binh, nhưng từng đó cũng là đủ để chiếm phần lớn ngân sách của các đội. Tính trung bình một ngoại binh tới VLeague trình độ ở mức làng nhàng mức lương cũng khoảng 5.000 USD/tháng cùng khoản phí lót tay cỡ 50.000 USD. Trong khi đó những cầu thủ đã thể hiện được đẳng cấp thì lương phải rơi vào khoảng 10.000 USD/tháng cùng một khoản tiền lót tay không hề nhỏ. Nói để mà thấy, đưa một tuyển thủ ngoại về đội ở cả bóng đá và Esports là không hề dễ. Thủ tục pháp lý lằng nhằng, chi phí tốn kém. Quỹ tài chính của các đội ở VCS chắc chắn không đủ để đem về ngoại binh chất lượng.

VCS ồ ạt tuyển ngoại binh, được gì và mất gì? - Ảnh 2.

Khi các đội vẫn còn tình trạng nợ lương chính những nội binh thì việc tuyển mộ ngoại binh là rất khó.

Như một lẽ dĩ nhiên, các ngoại binh sẽ chiếm suất thi đấu của tuyển thủ Việt Nam, điều này hoàn toàn không tốt cho các nội binh cũng như toàn bộ VCS. Mà chất lượng ngoại binh về đội cũng chưa hẳn đã tốt. Nói đâu xa, cứ nhìn vào các khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan hay Đài Loan là rõ. Họ cũng đầu tư, tuyển mộ nhân tài từ những nước khác nhưng hiệu quả thì chưa thấy đâu.

Ngoại binh giỏi đã hiếm, mà chưa chắc họ đồng ý tới VCS, vì lương ở đây so với mặt bằng chung các khu vực khác sẽ thấp. Các đội tuyển có ngân quỹ không dồi dào chắc chắn sẽ phải làm kiểu chắp vá, ký cho đủ để cân bằng số lượng ngoại binh để rồi phải trả giá vì những tuyển thủ "tay bé". Cách này vô hình chung khiến những nội binh sẽ bị mất suất thi đấu và mất luôn cả động lực thi đấu.

VCS ồ ạt tuyển ngoại binh, được gì và mất gì? - Ảnh 3.

Chắc chắn những nội binh sẽ bị mất suất đánh chính khi những ngoại binh tới VCS.

Điều cuối cùng phải nói tới là việc chiêu mộ tuyển thủ từ nước khác không làm các đội Việt Nam có thể đi sâu tại giải đấu quốc tế. Sau năm 2017 thành công, thành tích của các đội VCS tham dự CKTG hay MSI đều có phần chững lại. Việc FL chiêu mộ Profit ắt cũng nhắm tới việc tiến xa tại các giải đấu quốc tế, nhưng phải nói Profit chỉ là một tuyển thủ hạng C, trong khi những người hạng A, B đều ở những khu vực có tiếng tăm như LPL, LEC, LCS.

Quan trọng nhất khi đánh giải là sự phối hợp mà cái này thì người huấn luyện viên mới đóng vai trò chính yếu. Tuyển thủ dù tốt tới đâu mà chiến thuật không có, tác động tâm lý không có thì chả khác gì đám học sinh ngồi ngoài net đánh rank cả. Việc vào sâu tại giải đấu quốc tế là điều không thể làm được nếu không có một huấn luyện viên tốt.

VCS ồ ạt tuyển ngoại binh, được gì và mất gì? - Ảnh 4.

GAM mùa xuân 2020 là điển hình cho việc đội hình "ngon" nhưng công tác huấn luyện không tốt.

VCS hiện tại nên mong chờ vào các tập đoàn, công ty lớn "đốt tiền" vào để xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực. LPL cũng theo cách này nhưng phải đợi một thời gian dài để có thành công. Việc sử dụng ngoại binh trong thời điểm bây giờ chỉ là giải pháp tình thế, nội binh vẫn phải đóng vai trò quan trọng nhất. Có như vậy mới mong VCS đi xa trong tương lai được.

VCS ồ ạt tuyển ngoại binh, được gì và mất gì? - Ảnh 5.