Vật dụng tưởng chừng vô hại, quen thuộc trong mọi căn bếp Việt - chiếc thớt gỗ cũ kỹ với bề mặt chi chít vết nứt và rãnh sâu - đang ẩn chứa một mối nguy hiểm khôn lường cho sức khỏe cả gia đình. Các chuyên gia y tế và nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những khe hở này chính là "thiên đường" trú ngụ lý tưởng cho hàng triệu vi khuẩn gây hại như Salmonella và E.coli, thường xuất phát từ thực phẩm tươi sống như thịt, cá hay rau củ bẩn.
Nguy hiểm hơn, nếu thớt không được vệ sinh đúng cách và phơi khô hoàn toàn sau mỗi lần sử dụng, môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, đặc biệt là Aspergillus, sinh sôi và phát triển. Loại nấm này sản sinh ra Aflatoxin - một chất độc cực mạnh, có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng đến gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan nếu tích tụ trong cơ thể trong thời gian dài.
Tâm lý "ham rẻ" khi mua sắm đôi khi lại dẫn đến những hậu quả khôn lường cho sức khỏe. Những chiếc thớt nhựa "ba đồng ba cọc", không rõ nguồn gốc xuất xứ, bày bán tràn lan tại các chợ truyền thống hay siêu thị nhỏ, tưởng chừng là giải pháp kinh tế, nay lại được các chuyên gia cảnh báo là "kẻ thù" nguy hiểm, rình rập trong căn bếp của mỗi gia đình.
Theo các nghiên cứu và cảnh báo từ các tổ chức y tế, những loại thớt nhựa giá rẻ này thường được sản xuất từ nhựa tái chế kém chất lượng. Quá trình tái chế không đảm bảo có thể dẫn đến việc tồn dư các hóa chất độc hại như phthalates hoặc Bisphenol A (BPA). Đáng lo ngại hơn, những hóa chất này có khả năng thôi nhiễm vào thực phẩm trong quá trình chế biến, đặc biệt khi tiếp xúc với đồ ăn nóng như thịt vừa luộc.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc lâu dài với phthalates có thể gây ra những rối loạn nghiêm trọng đến hệ thống nội tiết, đồng thời gây tổn thương cho gan và thận. Đây là những tác động âm thầm nhưng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người sử dụng.
Chưa dừng lại ở đó, bề mặt của những chiếc thớt nhựa kém chất lượng này thường rất dễ bị trầy xước trong quá trình sử dụng. Những vết xước li ti này lại trở thành nơi lý tưởng để vi khuẩn và nấm mốc trú ngụ và phát triển, gây nguy cơ nhiễm khuẩn chéo cho thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong gia đình.
Bất kể chất liệu là gỗ mộc mạc, nhựa tiện lợi hay tre thân thiện môi trường, chiếc thớt trong căn bếp nhà bạn sẽ trở thành một ổ vi khuẩn nguy hiểm nếu bạn thờ ơ với việc vệ sinh. Thói quen "để đó qua ngày" những vết mỡ bám dính, vệt máu thịt sống khô lại chính là hành động "tự hại mình" một cách âm thầm.
Các chuyên gia về an toàn thực phẩm cảnh báo, những vi khuẩn gây bệnh như Campylobacter hay Listeria, thường trú ngụ trong thực phẩm tươi sống, có khả năng "sống sót" dai dẳng trên bề mặt thớt trong nhiều giờ liền. Thậm chí, trong môi trường ẩm ướt, chúng còn có điều kiện lý tưởng để sinh sôi và phát triển với tốc độ chóng mặt.
Điều đáng lo ngại là những "kẻ xâm nhập" vô hình này có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, thậm chí là các bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm gan mà bạn hoàn toàn không hay biết, bởi chúng quá nhỏ bé để có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Một nghiên cứu gây sốc từ Đại học Arizona (Mỹ) đã đưa ra một con số đáng báo động: một chiếc thớt bẩn có thể chứa lượng vi khuẩn gấp đến 200 lần so với bồn cầu! Sự thật này không chỉ đáng kinh ngạc mà còn gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ ô nhiễm tiềm ẩn trong căn bếp của mỗi gia đình.
Vậy, hãy dành một chút thời gian để kiểm tra ngay chiếc thớt đang được sử dụng trong nhà bạn. Đã bao lâu rồi bạn chưa thực sự chà rửa và làm sạch nó một cách cẩn thận? Nếu câu trả lời là "đã lâu lắm rồi" hoặc bạn nhận thấy những vết bẩn cứng đầu bám chặt trên bề mặt, đừng chần chừ thêm nữa!
Dưới đây là hướng dẫn làm sạch thớt gỗ đúng cách:
Bước 1: Rửa với nước nóng và xà phòng
Nếu bạn sử dụng cùng 1 chiếc thớt cho cả thịt sống và thịt chín nên rửa sạch hoàn toàn và khử trùng thớt sau mỗi lần sử dụng. Đầu tiên hãy làm sạch bề mặt thớt với nước nóng và xà phòng để loại bỏ các loại vụn thức ăn và vi khuẩn, sau đó xả sạch lại với nước để loại bỏ cặn xà phòng.
Bước 2: Phơi khô trong không khí
Sau khi rửa, hãy dùng khăn sạch lau khô bề mặt thớt và sau đó dựng hoặc treo thớt trong không khí để khô tự nhiên. Lưu ý rằng, sử dụng các loại khăn lau trong nhà bếp có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn đến bề mặt thớt. Hãy đảm bảo rằng bạn thường xuyên giặt sạch các loại khăn lau này. Cố gắng để thớt khô hoàn toàn trước khi chuyển sang bước khử khuẩn tiếp theo.
Bước 3: Khử trùng
Một số loại thớt có chưa thành phần kháng khuẩn, ví dụ như triclosan. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũ hơn đã chứng minh rằng nhìn chung các loại thớt có chứa thành phần này không hiệu quả trong việc phòng chống các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, việc rửa thớt nhiều lần sau mỗi lần sử dụng cũng sẽ làm giảm hàm lượng các chất kháng khuẩn có trên thớt.
Các nghiên cứu còn gợi ý rằng, tùy thuộc vào loại gỗ được sử dụng để làm thớt, kết cấu cũng như độ xốp và khả năng hấp thu nước của loại gỗ, mỗi loại sẽ có chứa một số loại vi khuẩn đặc trưng. Việc khử trùng thớt để làm giảm lượng vi khuẩn trên bề mặt thớt cũng như giảm mùi là vô cùng quan trọng. Rửa thớt bằng xà phòng rửa bát có thể sẽ không hiệu quả.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nước điện phân trung tính, các loại nước có chứa acid latic (như nước chanh hoặc giấm táo) và dung dịch có chứa amoni bậc 4 có thể giúp làm giảm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm trên bề mặt thớt.
Có thể sử dụng dung dịch có tính chất tẩy rửa để khử trùng thớt với công thức như sau: 15ml dung dịch tẩy rửa với 4.5 lít nước hoặc 5ml dung dịch tẩy rửa với 950ml nước. Dưới đây là cách để khử trùng thớt gỗ:
- Chà bề mặt gỗ của thớt bằng một miếng chanh hoặc xịt dung dịch khử trùng bạn đã pha lên bề mặt thớt.
- Để ngâm trong khoảng 1-5 phút.
- Xả sạch với nước và để khô tự nhiên trong không khí như bước 2.
- Cố gắng khử trùng thớt ít nhất 1 lần mỗi tuần.
Bước 4: Bảo dưỡng thớt bằng dầu
Thớt gỗ bị khô sẽ rất dễ bị nứt, hỏng hoặc vỡ. Bạn nên cố gắng bảo dưỡng thớt định kỳ là cách tốt nhất để lưu giữ độ ẩm cũng như kéo dài thời gian sử dụng thớt. Bạn có thể sử dụng các loại dầu khoáng như dầu paraffin lỏng hoặc dầu phong.
Thoa một lớp dầu khoáng lên bề mặt của thớt sạch, khô. Sau đó, sử dụng một chiếc chổi quét sơn loại nhỏ hoặc khăn để thoa dầu cho đến khi thớt ẩm. Ngâm thớt qua đêm hoặc trong vài giờ trước khi sử dụng. Để có kết quả tốt nhất, bạn nên bảo dưỡng thớt gỗ 1 lần/tháng.