Tới nay, theo trang 163, nghi vấn PSG.LGD bán độ ở TI 10 Dota 2 không có hồi kết. Ban tổ chức giải đấu chưa một ai lên tiếng. Trong khi đó, các caster, thậm chí hiện tại là nhiều nhà phân tích game phải vào cuộc tìm hiểu. Không biết kết quả thế nào, song, sự việc lần này khiến Esports Trung Quốc chao đảo một lần nữa.
PSG.LGD vướng nghi vấn bán độ ở TI 2021
Suốt những năm qua, nền thể thao điện tử đất nước tỷ dân liên tục đối mặt với vấn nạn bán độ. Dù cho giới chức trách nỗ lực ngăn chặn, các game thủ, đội tuyển vẫn thờ ờ, cố ý lách luật.
Gần nhất, đầu 2021, thành viên FPX Bo tự thú từng dàn xếp tỉ số. Truyền thông Trung Quốc như bùng nổ trước hành vi phi thể thao của game thủ chuyên nghiệp. Thế nhưng, sự việc liên quan đến Bo chẳng là gì so với WeiYan.
Năm 2020, Game thủ RW tham gia đặt cược và kiếm lợi nhuận từ các giải đấu Liên Minh Huyền Thoại. Ngay khi bị phát hiện, WeiYan nhận hình phạt cấm thi đấu 2 năm trên toàn cầu. Chưa hết, RW tước tư cách game thủ của anh, đồng thời đuổi ra khỏi đội. Sau đó, RW phải nộp phạt 3 triệu tệ (tương đương 10 tỷ đồng) vì quản lý thành viên thiếu nghiêm khắc.
Newbee bị cấm vĩnh viễn khỏi giới Dota 2 sau khi làm bẽ mặt giới Esports Trung Quốc
Cũng trong năm 2020, đội tuyển LMHT ở LDL, YM tiếp tục bị sờ gáy. HLV Zhou Xing Chen bị phạt cấm chỉ đạo trong vòng 38 tháng. Điều này đồng nghĩa, anh cũng không còn đường trở lại giới TTĐT Trung Quốc vì bán độ.
Không chỉ giới LMHT mà vấn nạn bán độ còn diễn ra ở nhiều giải đấu khác. Phải kể đến nhất là NewBee với án phạt cấm thi đấu trọn đời ở tựa game Dota 2. Các thành viên đội nhà tham gia giải đấu trái phép để kiếm tiền.
Imba TV tỏ ra rất giận dữ khi chứng kiến đội tuyển lớn thực hiện hành vi phỉ báng giới Dota 2. Họ quyết định khai trừ tất cả khỏi các giải đấu do Imba Media tổ chức vĩnh viễn. Chưa hết, Hiệp hội Dota 2 chuyên nghiệp Trung Quốc (CDA) cũng quyết định gạch tên đội Thể thao điện tử Newbee ra khỏi liên minh CDA.
LMHT Trung Quốc cũng nhiều lần chấn động vì vấn nạn bán độ
Trước đó, ở giải Dota 2 DPL-CDA, ROCK.Y và Ulrica cũng bị mua chuộc. Hai đội thi đấu như kiểu trình diễn, cố ý giết chết đối phương nhưng không bên nào muốn giành chiến thắng. Cả 2 đội sau đó đều bị phạt tiền, cũng như cấm thi đấu trong một thời gian.
Không kém cạnh, giới CS:GO từng ồn ào vì có thành viên bán độ. Tuyển thủ B1Ngo CSGO của IPET tự thú bản thân có hành vi phi thể thao. Anh chấp nhận mọi hình phạt và rời khỏi giới Esports. Song, đáng nói hơn, B1Ngo bị chính ông chủ dẫn dụ đi vào con đường tội lỗi.
Sau tất cả, Daily Economic News gọi bán độ là "căn bệnh ung thư" đối với nền TTĐT ở đất nước tỷ dân. Bởi lẽ, khi các giải đấu, tựa game phát triển, những vấn đề tiêu cực cũng được kéo theo. Hiện tại, ở Trung Quốc, Esports dần dần được công nhận. Điều này sẽ tạo thu hút nhiều người chơi mơ ước trở thành tuyển thủ.
Thế nhưng, sự cạnh tranh ở đất nước đông dân như Trung Quốc khiến nhiều người trở nên bế tắc. Họ lựa chọn bán độ và xem nó như canh bạc cuộc đời. Nếu thành công, người chơi không chỉ có tiền mà còn có sự nghiệp.
Chưa hết, theo Daily Economic News, Esports Trung Quốc đang đối mặt với thời kỳ khó khăn vì đại dịch Covid-19. Khi các giải đấu đều bị đóng băng, game thủ không có nguồn thu nhập. Sau tất cả, họ tìm đến những công ty cá cược. Đứng giữa kế sinh nhai và tinh thần chuyên nghiệp, những con người đó vẫn muốn sống hơn.
Cuối cùng, Esports Trung Quốc là ngành công nghiệp non trẻ. Thế nhưng, tốc độ phát triển lại quá nhanh và khiến giới chức trách không thể kiểm soát. Họ không đủ các bộ luật, chế tài để trừng phạt nghiêm khắc game thủ bán độ. Ngược lại, nếu chọn sống chung với các công ty cá cược, họ lại chẳng thể kiểm soát lòng tham từ con người.