Văn hóa bánh mì của Pháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể

Minh Khôi, Theo Tuổi Trẻ 15:28 01/12/2022
Chia sẻ

Bí quyết thủ công và văn hóa làm bánh mì baguette của Pháp được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Văn hóa bánh mì của Pháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 1.

Baguette, loại bánh mì có hình thù thon dài của Pháp, nay đã là Di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh: REUTERS

Ngày 30-11, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận "bí quyết thủ công và văn hóa làm bánh mì baguette" là Di sản văn hóa phi vật thể, kéo dài thêm danh sách khoảng 600 truyền thống từ hơn 130 quốc gia.

Baguette là loại bánh mì dài đặc trưng của Pháp, là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người dân nước này trong cả trăm năm qua. Có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người Pháp cầm baguette ở bất kỳ đâu, bỏ trong túi, để ở giỏ xe, hay thậm chí kẹp dưới nách.

Có một số câu chuyện về nguồn gốc của loại bánh mì này. Chuyện kể rằng những người thợ làm bánh của Napoleon Bonaparte đã nghĩ ra hình dạng thon dài của ổ bánh mì để giúp quân đội mang theo dễ dàng hơn.

Có câu chuyện khác cho rằng một người thợ làm bánh người Áo tên là August Zang đã phát minh ra loại bánh mì này.

Ngày nay, một chiếc baguette được bán với giá khoảng 1 euro (hơn 25.000 đồng).

Theo Hãng tin Reuters, mặc dù mức tiêu thụ baguette đã giảm trong thế kỷ qua, nhưng Pháp vẫn cho ra lò khoảng 16 triệu ổ mỗi ngày, tức 6 tỉ chiếc baguette mỗi năm.

Theo Liên đoàn Thợ làm bánh Pháp, baguette được làm từ bột mì, nước, muối và men. Bột bánh phải được ủ từ 15 đến 20 giờ ở nhiệt độ từ 4 đến 6 độ C.

Dù thành phần cơ bản giống nhau, nhưng mỗi tiệm bánh đều có phong cách riêng đầy tinh tế. Hằng năm ở Pháp đều có các cuộc thi để tìm ra loại baguette ngon nhất trong vùng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày