Underground Rap: Ranh giới nào giữa tự do sáng tác và sự văn minh trong âm nhạc?

dvd, Theo Helino 22:04 18/11/2019
Chia sẻ

Có người nói Underground mới là âm nhạc thực sự, thể hiện đúng bản chất của người nghệ sĩ, nhưng cũng có nhiều người cho rằng nhạc rap ở Underground quá thô và hỗn tạp. Vậy rốt cuộc sự phóng khoáng không giới hạn của Underground là tốt hay xấu, và nó có xứng đáng để được mọi người đón nhận?

Trong những năm trở lại đây, cụm từ “underground” đang trở thành một trong những từ khóa cực kỳ hot với giới trẻ, đặc biệt là nhạc rap. Underground là một thế giới ngầm hoàn toàn không chịu sự kiểm soát bởi bất kỳ điều gì, nên âm nhạc ở đây có nội dung cực kỳ tự do, đa dạng và không bị chi phối bởi bất kỳ chuẩn mực nào khác. Có người nói Underground mới là âm nhạc thực sự, thể hiện đúng bản chất của người nghệ sĩ, nhưng cũng có nhiều người cho rằng nhạc rap ở Underground quá thô và hỗn tạp. Vậy rốt cuộc sự phóng khoáng không giới hạn của Underground là tốt hay xấu, và nó có xứng đáng để được mọi người đón nhận?

Sự “tự do” của underground

Trong 4 loại cảm xúc: hỷ, nộ, ái, ố, có lẽ “nộ” là cảm xúc gần như không bao giờ xuất hiện trên thị trường âm nhạc Việt Nam, bởi nó luôn mang lại sắc thái tiêu cực. Thế nhưng khán giả lại có thể dễ dàng tìm thấy nó ở cộng đồng Underground. Đó là nơi người ta sẵn sàng đưa vào lời nhạc tất cả những gì họ thấy, họ nghĩ, họ cảm nhận, cho dù là đẹp đẽ hay xấu xí. Từ những nội dung mang tính khoe khoang, hưởng thụ, hoan lạc cho đến sự phẫn uất, thù hằn, bạo lực…, tất cả đều có thể xuất hiện trong nhạc rap Underground.

Underground Rap: Ranh giới nào giữa tự do sáng tác và sự văn minh trong âm nhạc? - Ảnh 1.

Underground - thế giới ngầm không có sự kiểm soát trong âm nhạc

Ca từ không bị kiểm soát, các rapper cũng dễ dàng hơn trong việc thể hiện suy nghĩ của mình. Họ có thể sử dụng đầy đủ từ những mỹ từ đẹp nhất, cho đến những từ ngữ tục tĩu, tiếng lóng xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đây là điều khiến cho âm nhạc ở Underground trở nên gần gũi với cuộc sống đời thường nhất, và “real” nhất. Đây là nơi duy nhất các rapper được quyền nói lên tiếng lòng của mình, viết ra tất cả nhừng gì họ thấy, họ nghĩ… nên hầu hết những tinh hoa của nhạc rap đều được sản sinh và nuôi dưỡng ở Underground, và dĩ nhiên cộng đồng này luôn thu hút một lượng fan đông đảo yêu thích sự tự do phong khoáng đó.

Quá gai góc để tiến gần hơn với đại chúng

Dĩ nhiên sự tự do luôn đi kèm với câu chuyện “mất kiểm soát”. Ở cộng đồng Underground, nghệ sĩ được quyền viết về tất cả những nội dung họ muốn và tự chịu trách nhiệm với tác phẩm mình làm ra. Được cảm thụ thể loại âm nhạc “chân thật” nhất quả là một điều thú vị, nhưng mấy ai đảm bảo được những gì các rapper underground viết là đúng đắn, là thực tế? 

Underground Rap: Ranh giới nào giữa tự do sáng tác và sự văn minh trong âm nhạc? - Ảnh 2.

“Sự tự do” của Underground cũng chính là rào cản khiến nó khó đến được với đại chúng

Rất nhiều những bài nhạc trôi nổi trong cộng đồng Underground có thể đem lại ảnh hưởng không tốt với người nghe bởi nội dung của nó quá tiêu cực, lệch lạc hoặc ca từ quá tục tĩu. Không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận những nội dung này, nên việc đưa những tác phẩm đậm chất underground đến với đại chúng là điều rất khó. Âm nhạc quá nhiều đối tượng người nghe khác nhau, và cái “chất” phóng khoáng của Underground đôi khi sẽ trở nên phản cảm với một số đối tượng khán giả nhất định. Hoặc nói theo cách phũ phàng hơn thì những người sẵn sàng đón nhận âm nhạc tự do của Underground chỉ chiếm số ít trong xã hội mà thôi. 

Những nghệ sĩ tìm cách kiểm soát cả 2 thái cực

Cái gì cũng có hai mặt, và sự tự do của Underground cũng là thứ mà rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đang muốn chạm đến để làm mới chất nhạc, hoặc đơn giản là để trở thành chính mình và không bị coi là “mất chất” khi đã lên mainstream. Thế nhưng, việc dung hòa giữa "sự tự do" trong nội dung của underground với sự “văn minh" trong âm nhạc đại chúng là điều không thể, bởi một khi bạn tự gò ép mình theo một tiêu chuẩn “văn minh" nào đó, thì tức là đã không còn tự do nữa rồi. Chính vì vậy, những nghệ sĩ vừa muốn chuẩn mực trong mắt công chúng, vừa muốn bộc lộ được con người thật của mình thì họ chỉ còn cách... đóng một lúc hai vai.

Underground Rap: Ranh giới nào giữa tự do sáng tác và sự văn minh trong âm nhạc? - Ảnh 3.

Không một rapper nào muốn từ bỏ cái chất vốn có của bản thân

Đây là điều mà người hâm mộ có thể thấy rất nhiều ở Hàn Quốc - quốc gia có nền hip hop vô cùng phát triển, và các rapper mainstream hầu hết đi lên từ underground. Câu chuyện "giữ gìn hình ảnh" của những nghệ sĩ hip hop ở Hàn dĩ nhiên vô cùng nghiệt ngã, nhưng không có nghĩa họ luôn sẵn sàng từ bỏ đi con người cũ của mình. Ngoài những bài nhạc "văn minh" theo định hướng của công ty và nhà sản xuất, các rapper Hàn Quốc thi thoảng vẫn có những sản phẩm "underground" mang đậm dấu ấn cá nhân. Thậm chí họ không ngại tham gia vào những trận beef, dissin' nếu vô tình bị lôi vào. 

Trong một số trận “đại chiến” của hip hop Hàn Quốc, rất nhiều rapper mainstream đã... xin phép công ty chủ quản cho phép họ được gác lại hình ảnh đẹp đẽ qua một bên để có thể on mic tham gia battle nhằm giải quyết mâu thuẫn. Ở đó, các rapper sẽ lại một lần nữa tự do thể hiện sự phẫn nộ và viết ra những nội dung đậm chất công kích, thế nhưng đó là cuộc chiến của riêng họ, đại diện cho chính bản thân họ chứ không liên quan gì đến công việc ở ngành giải trí. Và sau khi cuộc chiến kết thúc, họ sẽ lại trở về hình ảnh rapper mainstream hàng ngày như chưa có gì xảy ra, người hâm mộ cũng như giới chuyên môn hoàn toàn hiểu và thông cảm cho họ.

Underground Rap: Ranh giới nào giữa tự do sáng tác và sự văn minh trong âm nhạc? - Ảnh 4.

“Control rap war” - một trong những trận chiến thu hút sự tham gia của nhiều rapper nổi tiếng Hàn Quốc nhất.

Ở Việt Nam, nhiều rapper nổi tiếng cũng sẵn sàng chơi tới bến cho dù là nội dung “văn minh” hay “gai góc”. Một Rhymastic đang làm việc với những cái tên đình đám nhất showbiz vẫn sẵn sàng gác lại công việc vài ngày để ra track battle với một người nào đó vừa diss anh, hay B Ray cho dù đã đi theo định hướng mainstream nhưng không một năm nào anh vắng mặt ở những trận beef lớn. Cẩn thận hơn, “nữ hoàng Rap Việt” Suboi còn từng dùng một… nick name khác là Quiet Bunny để làm một số sản phẩm đậm chất underground của mình vào những năm 2011 - 2012. 

Underground Rap: Ranh giới nào giữa tự do sáng tác và sự văn minh trong âm nhạc? - Ảnh 5.

Rhymastic - rapper Việt Nam hiếm hoi được tôn trọng ở cả Underground lẫn mainstream

Nhìn chung, không phải nghệ sĩ nào sau khi thành công cũng muốn chối bỏ cái chất bụi bặm, tự do phóng khoáng trong ngôn từ của mình. Quan trọng là họ biết rạch ròi giữa việc thỏa mãn cái tôi cá nhân và sự chuyên nghiệp trong công việc. Những bài nhạc sử dụng ngôn từ tự do, thể hiện cảm xúc thật... sẽ chỉ để thỏa mãn bản thân và các fan lâu năm, còn những tác phẩm hướng tới đại chúng, xuất hiện ở mainstream thì luôn phải tuân theo chuẩn mực và giới hạn nhất định trong lyric. Chính vì vậy, Underground giống như một cái sân sau để những nghệ sĩ thỏa sức làm những gì mình muốn, nhưng ở đó cũng tồn tại một bức tường ngăn cách khiến những thứ thuộc về Underground sẽ mãi mãi chỉ có thể nằm lại ở Underground mà thôi. 

Beck'Stage Battle Rap nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hướng đến sự kiện âm nhạc Beck'Stage - Unexpected Rap Fest , là một giải đấu battle rap cá nhân (1vs1) quy mô, chuyên nghiệp và khắc nghiệt nhất từ trước đến nay do Kênh14 tổ chức với sự đồng hành của thương hiệu bia Beck’s Ice. Giải đấu mang đến cơ hội khẳng định vị thế trong cộng đồng với nhiều quyền lợi hấp dẫn dành cho các Rapper trẻ tuổi mang tinh thần "Striver".

Giải đấu sẽ diễn ra từ ngày 23/10/2019 đến ngày 7/12/2019 với 3 vòng đấu, phân thành 2 hạng mục riêng biệt bao gồm: Freestyle và No Beat. Hãy lên dây cót tinh thần và sẵn sàng trở thành "chiến binh" để chiến đấu và chiến thắng tại giải đấu khắc nghiệt này và đừng quên theo dõi các thông tin chương trình tại: Website: https://beckstage.kenh14.vn/ .

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày