Tuyển Việt Nam có bị xử ép khi liên tục phải gặp trọng tài Tây Á?

Hiếu Lương, Theo Nhịp sống Việt 08:03 26/10/2021

Tuyển Việt Nam lần lượt chạm trán Nhật Bản và Saudi Arabia trong tháng 11 với sự xuất hiện của các trọng tài Tây Á.

Tuyển Việt Nam 5 trận liên tiếp gặp tổ trọng tài Tây Á

Đội tuyển Việt Nam đã thi đấu 4 trận ở vòng loại 3 World Cup 2022, trong đó 3 trận được điều khiển bởi trọng tài thuộc khu vực Tây Á.

Ở trận đầu tiên thua Saudi Arabia 1-3, trọng tài chính là ông Ilgiz Tantashev cùng 2 trợ lý (Uzbekistan) thuộc khu vực Trung Á. Trọng tài bàn và VAR thuộc khu vực Tây Á, lần lượt mang quốc tịch Iraq và Jordan.

Tuyển Việt Nam có bị xử ép khi liên tục phải gặp trọng tài Tây Á? - Ảnh 1.

Trọng tài Abdulrahman Al Jassim (phải) của Qatar điều khiển trận Việt Nam thua Australia 0-1 tại sân Mỹ Đình ngày 7/9

Ở ba trận sau, tuyển Việt Nam gặp tổ trọng tài lần lượt thuộc Qatar, UAE và Jordan. Ở hai trận tới gặp Nhật Bản và Saudi Arabia, tổ trọng tài cũng thuộc UAE và Syria.

Việc đội tuyển liên tục gặp trọng tài Tây Á cộng với một số quyết định gây tranh cãi trong trận đấu, người hâm mộ Việt Nam cho rằng đội tuyển không gặp may khi có trọng tài Tây Á điều hành.

Một số khác thì cho rằng Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) xử ép tuyển Việt Nam khi liên tục "dí" trọng tài Tây Á. Đồng thời, họ đặt dấu hỏi tại sao AFC không cho trọng tài Nhật Bản, Australia vốn được đánh giá tốt bậc nhất châu lục điều hành trận có tuyển Việt Nam.

Tuy nhiên, luận điểm trên không được đánh giá cao. Thứ nhất, sau khi phân tích, các quyết định bất lợi dành cho tuyển Việt Nam thời gian qua đều có lý và đúng luật. Sau mỗi trận đấu, những phân tích mổ xẻ của giới chuyên môn đều không che giấu sai lầm của các tuyển thủ Việt Nam thay vì đổ lỗi cho trọng tài.

Bên cạnh đó, mọi thứ đều có nguyên nhân. Cách sắp xếp trọng tài cho từng trận đấu của AFC vẫn tuân theo quy ước riêng dựa trên đảm bảo sự công bằng cho các đội trong bảng đấu.

Vì sao trọng tài Tây Á liên tục bắt chính trận có tuyển Việt Nam?

Thứ nhất, các trọng tài điều khiển trận đấu có tuyển Việt Nam không được có quốc tịch từ các đội ở bảng B, bao gồm các trọng tài tới từ Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Oman và Trung Quốc.

Lý do này có thể giải thích cho việc tại sao các trận đấu ở bảng B hầu hết được trọng tài Tây Á điều khiển, bởi lẽ, 4/6 đội đã thuộc khu vực Đông Á.  

Theo thống kê, 9/12 trận đã qua ở bảng B do trọng tài Tây Á điều khiển, 2 trận do trọng tài Trung Á (Uzbekistan) và 1 trận do trọng tài Đông Á (Hàn Quốc). Trong khi đó, 7/12 trận đấu ở bảng A do trọng tài Đông Á điều khiển.

Tuyển Việt Nam 3/4 trận gặp trọng tài Tây Á. Con số này với Nhật Bản, Oman là 4 trận.  

Thứ hai, AFC cũng cố gắng sắp xếp các trọng tài trung lập làm việc, tức không đến từ 12 quốc gia có đội tuyển lọt vào vòng loại 3. Thực tế, 3/4 trận đấu đã qua của tuyển Việt Nam do trọng tài các nước trung lập điều khiển gồm Uzbekistan, Qatar và Jordan.

Ở 4 lượt trận vừa qua, AFC sắp xếp tổ trọng tài tới từ 12 quốc gia khác nhau điều khiển các trận. Tổ trọng tài Bahrain, Nhật Bản, Qatar mỗi tổ 3 trận; Trung Quốc, Oman, Australia, UAE, Uzbekistan và Jordan mỗi tổ 2 trận; Saudi Arabia, Hàn Quốc và Syria mỗi tổ 1 trận.

Xét theo khu vực, trọng tài Đông Á điều khiển 8 trận, Trung Á là 2 trận. Trong khi đó, Tây Á là 14 trận nhưng 8 trận thuộc về các nước trung lập là Bahrain, Jordan và Qatar.

Tuyển Việt Nam có bị xử ép khi liên tục phải gặp trọng tài Tây Á? - Ảnh 2.

Trọng tài Ryuji Sato (phải) không thể bắt các trận đấu có tuyển Việt Nam vì nằm chung bảng B với tuyển Nhật Bản

AFC cũng gặp khó

Việc phân công trọng tài ở vòng loại 3 World Cup 2022 khó khăn hơn những lần trước rất nhiều vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến trọng tài gặp khó trong di chuyển vì thủ tục cách ly, nhập cảnh mỗi nước có sự khác nhau.

Nếu đi làm nhiệm vụ, các trọng tài đối mặt với việc cách ly 7-14 ngày theo quy định và lỡ mất công việc ở giải đấu trong nước. Điều này ảnh hưởng đến các trọng tài quen mặt ở Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Malaysia,…

Trong khi đó, các nước Tây Á phần nào có sự dễ dàng hơn trong nhập cảnh nên nhỉnh hơn về số lượng tổ trọng tài làm việc (7/12).

Sau 24 trận đấu, các trọng tài bắt chính hầu hết đều là những tên tuổi quen thuộc với bóng đá châu Á. Có thể kể đến trọng tài Nhật Bản Ryuji Sato đã bắt chính 3 trận, Ma Ning (Trung Quốc - 2 trận), Christopher Beath (Australia - 2).

Tây Á có trọng tài Abdulrahman Al Jassim (Qatar - 3), Mohammed Abdullah Hassan (UAE - 2), Nawaf Shukralla (Bahrain - 3).

Tổ trọng tài điều khiển trận Việt Nam - Nhật Bản (11/11):

- Trọng tài chính: Mohammed Abdulla Hassan (UAE)

- Trợ lý 1: Mohamed Ahmed Yousef Abdulla (UAE)

- Trợ lý 2: Hasan Mohamed Abdulla (UAE)

- Trọng tài bàn: Ahmed Khamis Alnaqbi (UAE)

- VAR: Alineibi Ammar Ali Abdulla Jumaa (UAE) - Hanna Hattab (Syria)

Tổ trọng tài điều khiển trận Việt Nam - Saudi Arabia (16/11):

- Trọng tài chính: Hanna Hattab (Syria)

- Trợ lý 1: Ali Ahmad (Syria)

- Trợ lý 2: Ahmed Saeed Alasil (UAE)

- Trọng tài bàn: Omar Mohamed Ahmed Hassan (UAE)

- VAR: Mohammed Abdulla Hassan (UAE) - Ali Abdulla Jumaa (UAE)