Bì heo, hay còn được biết đến như một kiểu chế biến dạng sợi của da heo. Tuy chỉ là yếu tố phụ nhưng phải công nhận rằng chính nhờ hương vị này góp sức mà nhiều món mới trở nên đặc sắc hơn. Hãy cùng điểm lại bì heo đã có công trong việc tạo nên tên tuổi của món ăn nào ở Sài Gòn nhé.
Là một trong ba "nhân vật chính" của đĩa cơm tấm "Sà Bì Chưởng", bì là điểm nhấn mang đến sự giòn dai, thơm thơm cho món ăn này. Nếu sườn nướng đậm đà, chả chưng ngầy ngậy thì cái bùi bùi từ thính gạo của bì đã cân bằng trọn vẹn hương vị. Không ngoa khi nói rằng, thiếu bì thì sẽ chẳng thể tạo nên đĩa cơm tấm Sài Gòn khiến người ta phải hít hà.
Chẳng màu mè, cầu kì, phần bì nâu nhạt cứ hoà lẫn trong từng hạt cơm nóng hổi, âm thầm điểm xuyết mùi thơm. Chan cùng nước mỡ hành, nước mắm, cắn thêm miếng sườn cháy xém thế là đã đủ no tròn bụng. Đơn giản và tinh tế chính là những gì mà thực khách cảm nhận về thành phần này trong đĩa cơm tấm.
Nhắc đến đây chắc bạn bỗng dưng thèm hít hà mùi cơm tấm Sài Gòn rồi đúng không. Gợi ý một số địa chỉ chất lượng có thể tham khảo: Cơm tấm Ba Ghiền (quận Phú Nhuận), cơm tấm Mười (quận Bình Thạnh), cơm tấm Thuận Kiều...
Trong món bánh tằm của miền Tây thì bì lại được đảm nhận "vai chính". Chắc có lẽ, bánh tằm chan cùng nước cốt dừa sẽ béo và ngậy vị nên người ta tận dụng bì để dung hoà lại cho món. Sợi bì cùng với thịt xắt được làm khô và ráo nước, phủ đều trên bề mặt tô bánh tằm, cứ thế mà "thể hiện mình".
Tô bánh tằm bì sau khi trộn đều thì cả bì cùng nước cốt dừa sẽ hoà lẫn vào từng sợi bánh. Không chỉ nhấn nhá thêm màu sắc cho đỡ nhàm chán mà cái giòn sật, bùi bùi, thơm thơm của bì còn làm món ăn bình dân này nâng tầm hương vị. Thêm rau sống, nước mắm hay viên xíu mại nữa là hội tụ đủ đầy mọi yếu tố khiến người ta mê mẩn.
Bánh tằm bì Tô Châu (quận 1), bánh tằm bì Sa Đéc (quận 3), bánh tằm bì Đồng Tháp (quận 5)... là những gợi ý đúng vị miền Tây để bạn thưởng thức món ăn này.
Gọi là bún bì nhưng món ăn này còn có thêm chả giò hoặc thịt nướng nữa. Bún bì là một kiểu bún trộn với rau sống, chan nước mắm lên rồi thưởng thức. Đơn giản thế thôi nhưng cũng đủ khiến người Sài Gòn thấy chắc bụng và sảng khoái cổ họng.
Bún tươi dai dai, thấm đều trong nước mắm và được bì hoà vào để tăng thêm mùi thơm từ thính gạo và độ giòn dai lạ miệng. Nếu muốn có chút ngậy béo thì cứ việc thêm chả giò, thịt nướng nóng hổi mà ăn cùng. Món này rất dễ ăn nên phù hợp với mọi khẩu vị dù là khó tính nhất.
Bạn có thể đến hàng dì Tư Loan ở chợ Bàn Cờ (quận 3) để khám phá món ăn này nhé.
Trong vô vàn kiểu bánh mì ở Sài Gòn thì bánh mì bì xíu mại chính là hương vị được nhiều người ưa chuộng nhất. Đơn giản, dễ ăn lại có mặt từ lâu nên vì thế mà không quá khó để tìm một hàng bánh mì bì xíu mại ở đây. Đi cùng với xíu mại thì bì cũng "góp công" tạo nên độ dai thơm và sần sật quyến rũ.
Thật lạ là dù bì chiếm tỉ lệ tương đối ít trong nhân bánh mì nhưng lại không thể thiếu nếu muốn món hài hoà trong từng cung bậc vị giác. Bánh mì giòn rụm, xíu mại beo béo thì chắc hẳn cần cái gì đó vừa dai vừa bùi trung hoà lại. Và đương nhiên, bì heo chính là sự lựa chọn tối ưu nhất.
Không chỉ góp mặt trong món mặn mà bì cũng ghi tên vào danh sách các lựa chọn ăn vặt. Bì cuốn sẽ làm tươi mới vị giác của bạn trong mùi thơm lừng từ rau, hẹ cho đến sợi bún dai dai và bì giòn sật, bùi bùi. Chấm cuốn bì vào nước mắm loãng, có thêm dưa chua sợi ăn cùng là ngon phải biết.
Bì cuốn thấy nhỏ gọn thế nhưng ăn tầm 2 - 3 cuốn là đủ lửng bụng. Thêm vào đó, mức giá rẻ "bèo", chỉ từ 5k - 7k/cuốn, bởi thế mà món ăn này được nhiều dân "ăn vặt" yêu thích. Bạn có thể tìm thấy ở các hàng gỏi cuốn ven đường hay trong các khu chợ ẩm thực như chợ Bàn Cờ (quận 3), chợ Hồ Thị Kỉ (quận 10)...
Xem list những món có bì heo ở Sài Gòn, bạn đã phải công nhận rằng dù "ít đất diễn" nhưng hương vị này vẫn có thể tỏa sáng chưa nào?