Khi Haley Flatt lên 10 tuổi, cô bé nhận thấy mình thường xuyên có các triệu chứng đau nửa đầu và mức độ cơn đau cứ tăng lên dần. Thế nhưng, mẹ cô - bà Tinisha Lairson lại nghĩ đó chỉ là một vài triệu chứng đau thông thường của kỳ kinh nguyệt.
Vào ngày 12/06/2014, Haley tỉnh dậy và đau đầu đến nỗi không thể bước ra khỏi giường được. Mẹ cô đã vội vã đưa cô đến bệnh viện và yêu cầu các bác sĩ chụp CT não bộ cho Haley.
Haley Flatt.
Kết quả là, các bác sĩ đã phát hiện ra một khối u lớn nằm xung quanh vùng thân não của Haley. Khối u này có kích thước tương đương một quả chanh quấn quanh phía bên phải thân não và nó lớn đến mức cắt đứt sự liên kết từ não bộ đến cột sống. Đây là một khối u não rất hiếm gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Hình chụp CT trước và sau khi trải qua ca phẫu thuật của Haley.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã lập tức gọi xe cứu thương và chuyển Haley đến Bệnh viện Nhi tại Trung tâm Y tế Đại học Oklahoma vì họ sợ nếu không cấp cứu kịp thời thì cô bé sẽ chết chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Mặc dù khối u này là lành tính nhưng các bác sĩ chỉ có thể loại bỏ 75% khối u do nó nằm trong một chùm mạch máu khá nhạy cảm. Điều này đồng nghĩa rằng, sau đó Haley sẽ phải trải qua quá trình hoá trị liệu để cho khối u không phát triển thêm, đe doạ đến tính mạng của cô trong tương lai.
Khi ca phẫu thuật kết thúc, ngoài khối u còn sót lại, Haley bị mất thính giác và tê mặt ở bên phải. Cũng ngay sau khi trải qua đợt hoá trị liệu đầu tiên, Haley không thể đi lại bình thường được và phải một thời gian hoá trị sau đó, khối u của Haley mới dần nhỏ hơn. Lúc này, các bác sĩ đã cho Haley ngừng điều trị và trở về cuộc sống bình thường.
Thế nhưng, sau lần chụp MRI trong tháng 4 tại Trung tâm Ung thư Jimmy Everest, các bác sĩ phát hiện thấy khối u trong não của Haley đã lớn hơn 25% và to bằng kích thước khoảng một nửa quả chanh.
Bà Tinisha, mẹ của Haley chia sẻ: "Khối u trong não của con tôi sẽ không bao giờ biến mất vì nó không thể loại bỏ hoàn toàn được. Con tôi sẽ phải mang theo khối u đó trong suốt quãng đời còn lại".
"Haley từng là một đứa rất vui tươi, hồn nhiên, năng động. Thế nhưng, sau khi mắc bệnh thì con tôi đã phải dừng lại việc học trong một thời gian dài để trải qua quá trình hoá trị liệu. Từ khi nghỉ học, con tôi luôn trong trạng thái buồn bã, khép mình. Thậm chí, tôi đã phải cho Haley đến gặp một chuyên gia tư vấn tâm lý để trị liệu cho chứng trầm cảm của con mình" - Bà Tinisha chia sẻ thêm.
Ngoài ra, căn bệnh này của Haley cũng khiến gia đình cô bé gặp nhiều khó khăn về tài chính. Bà Tinisha cho biết, bà và chồng mình phải bán gần hết nhà cửa, đất đai để trả tiền viện phí cho con gái. Sau đó cũng phải bán tiếp hai chiếc xe hơi vì bị ngân hàng siết nợ.
Từ sự việc của Haley, bà Tinisha đã tổ chức chiến dịch CrowdFunding (Gây quỹ quần chúng) để giúp nhiều người nâng cao nhận thức về căn bệnh u não ở người trẻ và giúp đỡ những người mắc căn bệnh này.
Bệnh u não ở người trẻ chiếm khoảng 15% trong tổng số các ca bệnh ung thư, nhất là đối tượng dưới 16 tuổi. Các dấu hiệu của bệnh có thể khác nhau tuỳ vào vị trí, kích thước và giai đoạn phát triển của khối u. Một vài dấu hiệu điển hình bao gồm:
- Hội chứng tăng áp lực nội sọ: đau đầu, buồn nôn, ói mửa vào buổi sáng, thay đổi tính tình, không tập trung, ngủ gật, trì trệ trí óc... Nhiều người có triệu chứng nôn và thường bị chẩn đoán nhầm sang bệnh lý tiêu hoá.
- Rối loạn do chèn ép tiểu não, thân não, hành não và cầu não: đi đứng không vững, bước loạng choạng, mất điều hoà động tác...
- Dấu hiệu thần kinh khu trú: khối u xuất hiện ở nền sọ, vùng tuyến yên hoặc tuyến tùng. Xuất hiện một vài dấu hiệu như rối loạn nội tiết, nước tiểu nhạt màu, chậm dậy thì, phát triển không bình thường, lùn tuyến yên...
Nguồn: Dailymail