Từ vụ nam thanh niên đổ gục khi chơi pickleball: Cần lưu ý gì để không rơi vào tình huống tương tự?

Mỹ Diệu, Theo Thanh niên Việt 19:29 10/10/2024
Chia sẻ

Tối 8/10 tại một sân pickleball ở Thanh Hóa, một nam thanh niên bất ngờ đổ gục, nghi do đột quỵ.

Qua trường hợp này, bác sĩ nhắc nhở những lưu ý để các tay vợt biết tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Theo TS. BS Hoàng Minh Đức, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu 1C, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi cơ thể hoạt động với cường độ cao như tập thể dục thể thao quá sức có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, điều này là đúng, đặc biệt là những người có bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ có thể tăng lên.

"Tập thể dục thể thao quá sức có thể gây tăng huyết áp đột ngột làm giãn nở, tổn thương mạch máu trong não, dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Các cơ chế gây đột quỵ khi hoạt động thể thao gắng sức bao gồm:

- Thứ nhất, do thiếu máu cục bộ khi tập luyện cường độ cao, nhịp tim và huyết áp tăng mạnh, có thể gây ra tình trạng hình thành cục máu đông cản trở máu tới não dẫn đến thiếu oxy và dưỡng chất gây ra đột quỵ.

- Thứ hai, gây xuất huyết não áp lực của huyết áp cao khi vận động mạnh có thể làm vỡ mạch máu não yếu, gây ra xuất huyết não.

Thứ ba, gây rối loạn điện giải, mất điện giải khi tập luyện cũng ảnh hưởng đến hoạt động của thần kinh tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ hoặc ngất xỉu".

Từ vụ nam thanh niên đổ gục khi chơi pickleball: Cần lưu ý gì để không rơi vào tình huống tương tự?- Ảnh 1.

Nam thanh niên đang được người xung quanh tiến hành hô hấp nhân tạo. Ảnh cắt từ clip

Những đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao khi chơi thể thao là những người có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não hoặc những người có huyết áp không kiểm soát được hoặc có những mảng xơ vữa trong lòng mạch, đặc biệt là những người lớn tuổi trên 50, có lối sống ít vận động trước đó hoặc những người có tiền sử đột quỵ.

TS. Đức cho biết dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ khi chơi thể thao bao gồm đau đầu đột ngột, dữ dội không giống đau thông thường; có thể kèm theo buồn nôn, nôn. Bệnh nhân có thể mất thăng bằng, không thể đứng vững; mất thị lực một hoặc cả hai mắt, yếu nửa người, đặc biệt là tay, chân, mặt; khó nói; cảm giác mệt mỏi hoặc choáng váng bất thường đặc biệt là sau khi dừng đột ngột.

Phòng tránh đột quỵ hoặc ngất xỉu khi chơi thể thao

Từ vụ nam thanh niên đổ gục khi chơi pickleball: Cần lưu ý gì để không rơi vào tình huống tương tự?- Ảnh 2.

Theo TS. Đức, người chơi thể thao cần lưu ý những điểm sau:

- Trước khi chơi thể thao, ta phải khởi động nhẹ nhàng rồi tăng dần cường độ giúp tăng dần nhịp tim và giãn các cơ bắp tránh hiện tượng sốc cơ thể khi chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang trạng thái vận động mạnh.

- Theo dõi huyết áp và nhịp tim, đặc biệt là những người có bệnh lý tim mạch.

- Uống đủ nước và bù điện giải khi tập luyện kéo dài thì cần phải uống các loại nước có kali, natri, đặc biệt là tập luyện trong môi trường có nhiệt độ cao.

- Nếu cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt hoặc khó thở thì hãy dừng tập luyện và nghỉ ngơi. 

- Không tập luyện quá sức của mình vì cơ thể khi không quen với các bài tập với cường độ cao sẽ gây ra tình trạng quá sức. Nên tăng dần cường độ từ từ.

- Chơi thể thao phải đúng kỹ thuật, nên đi học và tuân thủ đúng kỹ thuật khi chơi thể thao, tránh các chấn thương có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn hoặc thần kinh.

- Về chế độ ăn uống để phòng chống đột quỵ, chúng ta nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo không bão hòa; hạn chế các thực phẩm nhiều muối, chất béo bão hòa, đường và cholesterol; bổ sung các thực phẩm omega-3 như cá, hạt chia, hạt lanh để đảm bảo bảo vệ tim mạch; uống đủ nước, tránh các loại nước ngọt và có ga, các thực phẩm chế biến có nhiều muối. 

- Chế độ tập luyện thường xuyên với cường độ vừa phải, phù hợp với cơ thể như đi bộ, bơi lội, yoga giúp cải thiện dần hệ tuần hòa và duy trì sức khỏe tim mạch. Tập luyện sức bền và khả năng chịu đựng nhưng phải tăng dần cường độ, không quá gắng sức kết hợp với các bài tập giãn cơ giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng và cải thiện khả năng hồi phục.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày