Mỗi ngày cả thế giới đang phải quay cuồng gánh chịu những nỗi đau, nỗi lo sợ ám ảnh kinh hoàng mang tên "thảm hoạ ô nhiễm môi trường". Cũng vì thế mà các cuộc thi thời trang tái chế nhằm nâng cao ý thức bảo vệ Trái Đất, bảo vệ sự sống xung quanh chúng ta từ lâu đã chẳng còn xa lạ gì đối với các bạn học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, học sinh ngày nay mỗi lúc càng sáng tạo hơn với những thiết kế cực độc đáo, táo bạo. Thực tế là các bộ trang phục tái chế đều được chăm chút rất công phu cả màu sắc lẫn đường nét, thậm chí còn lấy ý tưởng đa dạng từ phong cách hoàng gia quý tộc sang chảnh. Chưa hết, thần thái trình diễn tự tin, bản lĩnh của các model học đường vẫn cứ xuất sắc y như đang tham dự Vietnam Fashion Week.
Tác phẩm giành giải Nhất trong cuộc thi trang phục tái chế. (Ảnh: NVCC)
Liên hệ với chủ nhân của loạt ảnh, cậu bạn có tên Nguyễn Quốc Vinh học sinh lớp 12B4 trường THPT Tân An tỉnh Long An. Quốc Vinh cho biết, trường cấp 3 của cậu bạn vừa mới tổ chức cuộc thi thời trang tái chế nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục học sinh về ý thức bảo vệ môi trường.
Vinh chia sẻ: "Lớp mình tham gia cuộc thi với mong muốn kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường. Những món đồ nào có thể tái sử dụng thì chúng ta nên tận dụng chúng, những món đồ tưởng chừng như vô giá trị nhưng qua sự tái chế, thiết kế lại một cách tỉ mỉ thì sẽ trở nên hữu ích."
Được biết, concept thiết kế độc đáo này lấy ý tưởng từ trang phục truyền thống trong các vở cải lương tuồng cổ. Cả team muốn gìn giữ cái gọi là truyền thống văn hoá xa xưa đồng thời một số bạn trong lớp cũng rất yêu thích loại hình nghệ thuật cải lương tuồng cổ với những bộ đồ lộng lẫy.
Kế hoạch và ý tưởng cụ thể do chính Quốc Vinh và cô bạn Huỳnh Đỗ Nguyệt Hằng xây dựng trong 3 ngày, sau đó dành khoảng 1 tuần để thiết kế. Hai bạn ấy vừa đưa ý tưởng vừa phụ trách cắt các mảng chính của trang phục còn phần trang trí có một số bạn trong lớp phụ giúp. Lúc thiết kế gặp khá nhiều khó khăn do không đủ nguyên liệu làm nhưng tất cả mọi người cũng cố gắng thay thế bằng các vật liệu khác mà có thể làm thủ công được.
Concept thiết kế độc đáo này lấy ý tưởng từ trang phục truyền thống trong các vở cải lương tuồng cổ. (Ảnh: NVCC)
Thời gian chuẩn bị khá gấp rút vì vừa học vừa thiết kế nên cả team phải cố gắng làm nhanh để hoàn thiện trang phục. Bộ nam lấy tên là Vua Hùng, bộ nữ màu đỏ lấy tên là Hoả Phụng Thần Phi, bộ nữ màu đen có tên Khổng Tước Thần Phi. Chất liệu chính sử dụng nhiều nhất trong concept độc đáo này là bao nilong, tấm bạt che cùng một số vật liệu phụ khác như ống hút, lá cao, rễ tre, đũa ăn, nước sơn với kim tuyến,...
"Hôm ấy, tới lúc sắp bắt đầu thi mà trời bỗng nhiên đổ mưa lớn làm tụi mình sợ không trình diễn được nhưng may sao mưa khoảng 15 phút rồi tạnh hẳn. Tụi mình vẫn diễn được nhưng bộ trang phục lúc bị dính ít nước làm màu vẽ hơi lem, cả đám phải khắc phục sự cố liền. Mỗi người chia nhau 1 công việc nên mình cảm thấy rất vui, cộng thêm từ lâu mình đã có đam mê thiết kế trang phục cổ trang rồi.", cậu bạn tâm sự.
Khi dàn thí sinh bước lên sân khấu, cả trường rần rần bất ngờ lắm, ngay đến ban giám khảo cũng vậy. Không ai nghĩ là lớp Quang Vinh lại thiết kế bộ trang phục cổ trang như thế này. Có bạn nói: "Thi trang phục tái chế mà còn hơn cả đồ thi thanh lịch". Mặc dù chất liệu và phụ kiện không quá cầu kì, đơn giản chỉ là những món đồ chúng ta vẫn thấy hàng ngày nhưng mọi thứ đều mang nét đẹp và tác dụng riêng, nếu biết tận dụng thì ngay lập tức nó sẽ trở nên có ích.
Thi trang phục tái chế mà còn hơn cả đồ thi thanh lịch. (Ảnh: NVCC)
"Bộ trang phục do mình tự thiết kế, tự đo size nên mình đã rất tự tin khi lên sân khấu cảm giác như là quý phi thật sự luôn. Mới đầu mình có chút lo lắng vì chỉ thiết kế và thực hiện trong thời gian ngắn nên sợ không bằng các bạn lớp khác nữa.", Nguyệt Hằng cho biết thêm.
Cô bạn chia sẻ đây là một cuộc thi rất có ý nghĩa vừa bảo vệ môi trường vừa thỏa sức đam mê sáng tạo thiết kế. Hằng nói: "Cho dù hành động nhỏ nhưng mà từ đó sẽ xuất hiện việc bắt đầu bảo vệ môi trường. Những thứ tưởng chừng như không sử dụng được nữa qua bàn tay tái chế của con người như một phép màu chúng có thể biến thành vật có giá trị vô cùng."