Trước luồng thông tin này, TS.BS Phạm Nguyên Quý – Trưởng khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), đồng sáng lập tổ chức Y học Cộng đồng – đã lên tiếng giải thích, kêu gọi nhìn nhận vấn đề dựa trên khoa học và trong bối cảnh thực tế.
Theo bác sĩ Quý, chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) là kỹ thuật sử dụng tia X để tạo hình ảnh chi tiết các cấu trúc bên trong cơ thể, giúp chẩn đoán, đánh giá giai đoạn, theo dõi điều trị và phát hiện tái phát trong nhiều loại bệnh, đặc biệt là ung thư. Trong một số trường hợp chưa rõ nguyên nhân như đau bụng, đau ngực… chụp CT cũng có thể được bác sĩ chỉ định để xác định tình trạng.
(Ảnh minh họa)
Chụp CT có làm tăng nguy cơ ung thư?
Bác sĩ Quý cho biết chụp CT có thể làm tăng nhẹ nguy cơ bị ung thư, nhưng cần đặt vấn đề này vào đúng bối cảnh.
Đầu tiên, cần biết rằng con người vốn đã tiếp xúc với bức xạ tự nhiên mỗi ngày, từ tia vũ trụ, đất đá, thực phẩm và ánh nắng mặt trời. Mức phơi nhiễm trung bình toàn cầu dao động từ 2-3 mSv/năm, có nơi lên tới 13 mSv.
Một lần chụp CT ngực tương đương với việc tiếp xúc với bức xạ tự nhiên trong 2-2.5 năm và con số này còn dao động tùy vào vị trí khảo sát.
“Tia X không tồn tại trong cơ thể sau khi chụp, và cơ thể con người có khả năng tự sửa chữa các tổn thương DNA nhỏ. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư chỉ tăng nhẹ khi chụp lặp lại nhiều lần trong thời gian ngắn”, bác sĩ Quý cho biết.
Nguy cơ mắc ung thư liên quan đến CT còn phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi khi tiếp xúc với tia xạ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm có nguy cơ cao hơn do tế bào đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, cần nhớ rằng “có nguy cơ không có nghĩa là sẽ bị ung thư”, bác sĩ Quý nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho biết nguy cơ ung thư liên quan đến chụp CT nhỏ hơn nhiều so với nguy cơ mắc ung thư tự nhiên. Nguy cơ tự nhiên mắc ung thư ác tính trong đời người là khoảng 1/4, tương đương 500/2000, người. Còn một lần chụp CT với liều 10 mSV có thể liên quan tới việc tăng nguy cơ mắc ung thư gây tử vong thêm khoảng 1/2000 người, theo ước tính từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (BEIR VII).
Như vậy, nếu một người chụp thêm CT bụng/chậu (liều 10 mSV) thì nguy cơ tổng thể trong suốt cuộc đời sẽ có thể tăng từ 500/2000 lên 501/2000 người.
Để so sánh, ước lượng nguy cơ tử vong liên quan đến tai nạn giao thông trong đời tại Việt Nam là 1.0-1.5%, tương đương 20-30/2000 người, lớn hơn nhiều so với nguy cơ đến từ một lần chụp CT.
Ngoài ra, ước lượng mới được Đại học California (UCSF) công bố tháng 4/2025 cho thấy 93 triệu ca chụp CT tại Mỹ trong năm 2023 có thể dẫn tới khoảng 103.000 ca ung thư trong tương lai – chiếm khoảng 5% tổng số ca ung thư hàng năm. Như vậy, nguy cơ từ chụp CT vẫn thấp hơn đáng kể so với các yếu tố như hút thuốc (19%), và tương đương hoặc thấp hơn so với béo phì (7,6%) hay uống rượu (5,4%) - Theo dữ liệu tại Mỹ.
Có thể chụp CT nếu lợi ích lớn hơn rủi ro
Dù vậy, chụp CT không phải là kỹ thuật được thực hiện tràn lan và thiếu cân nhắc. Các bác sĩ chỉ nên đề xuất khi lợi ích vượt trội rủi ro. Ví dụ, bệnh nhân ung thư đại trực tràng cần chụp CT ngực – bụng định kỳ để phát hiện sớm di căn. Với ung thư phổi, CT liều thấp là phương pháp duy nhất được chứng minh giúp giảm tỷ lệ tử vong ở người hút thuốc lá lâu năm.
Theo bác sĩ Quý, từ chối chụp CT vì lo sợ không rõ ràng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như bỏ sót khối u, không đánh giá được đáp ứng điều trị hoặc phát hiện tái phát chậm trễ, ảnh hưởng đến cơ hội cứu sống.
Để lựa chọn thông minh và an toàn hơn, bác sĩ Quý khuyến cáo:
- Không tự ý chụp CT;
- Khi bác sĩ chỉ định, hãy hỏi lý do và xem xét các lựa chọn thay thế như MRI hay siêu âm;
- Lưu lại hồ sơ chụp cũ để tránh chụp lại không cần thiết;
- Ưu tiên cơ sở có máy móc hiện đại, đội ngũ chuyên môn tốt;
- Giữ tâm lý bình tĩnh, không quá lo lắng.
“Chụp CT cũng như dao mổ – nếu dùng đúng người, đúng lúc sẽ cứu sống. Nhưng nếu lạm dụng sẽ gây hại. Điều quan trọng là người bệnh cần tiếp cận thông tin từ bác sĩ, chuyên gia và các nguồn đáng tin cậy, thay vì tin vào những bài viết giật gân, thiếu kiểm chứng”, TS.BS Phạm Nguyên Quý nhấn mạnh.