Việc bảo quản thức ăn thừa hoặc đồ ăn mang về để dùng vào ngày hôm sau nhằm tránh lãng phí là điều khá phổ biến. Với hầu hết các loại thực phẩm, quy trình thường đơn giản: để nguội, sau đó cho vào tủ lạnh.
Tuy nhiên, một sai lầm khi bảo quản và ăn cơm có thể khiến sức khỏe bạn gặp rủi ro - đó là ăn cơm thừa không được bảo quản đúng cách.
Một sai lầm khi bảo quản và ăn cơm có thể khiến sức khỏe bạn gặp rủi ro - đó là ăn cơm thừa không được bảo quản đúng cách.
Mới đây, bác sĩ cấp cứu người Mỹ Joe Whittington đã lên tiếng cảnh báo về việc bảo quản các món ăn có chứa cơm hoặc mì ống. Trong một video trên TikTok, ông đã phản hồi lại bài đăng của một người dùng khác, kể về câu chuyện bi thảm của một thanh niên 20 tuổi tử vong sau khi ăn mì ống đã để ở nhiệt độ phòng suốt 5 ngày mà không được bảo quản lạnh.
Nam thanh niên này đang theo học tại Bỉ thì không may qua đời vào năm 2008 sau khi ăn mì spaghetti thừa, được nấu từ 5 ngày trước và để ở ngoài thay vì cho vào tủ lạnh. Ngay sau khi ăn, anh bắt đầu nôn mửa dữ dội và có các triệu chứng tiêu hóa nghiêm trọng, và đến sáng hôm sau thì được phát hiện đã tử vong.
Khám nghiệm tử thi cho thấy anh bị suy gan cấp, và các xét nghiệm phát hiện trong mì có mức vi khuẩn Bacillus cereus rất cao, theo Tạp chí Vi sinh lâm sàng (Journal of Clinical Microbiology).
Trong video của mình, bác sĩ Joe cảnh báo rằng mặc dù hầu hết chúng ta sẽ không ăn mì để ở ngoài 5 ngày, nhưng Bacillus cereus có thể phát triển nhanh chóng trong các món ăn chứa cơm hoặc mì, khiến bạn gặp rủi ro chỉ sau vài giờ chứ không phải vài ngày.
Ông giải thích: “Người thanh niên 20 tuổi này đã tử vong vì một tình trạng thường được gọi là ‘hội chứng cơm chiên’. Đây là hiện tượng vi khuẩn phát triển quá mức nếu mì hoặc cơm được để ở nhiệt độ phòng quá lâu”.
“Trong trường y, chúng tôi được dạy câu ‘Hâm nóng lại cơm à? Phải nghiêm túc đấy!’ để ghi nhớ loại vi khuẩn [B. cereus] gây ra tình trạng này”.
“Vậy bao lâu là quá lâu? Bạn không nên ăn mì hoặc cơm để ở nhiệt độ phòng quá hai giờ mà không được làm lạnh.”
Bạn không nên ăn mì hoặc cơm để ở nhiệt độ phòng quá hai giờ mà không được làm lạnh, bác sĩ khuyên.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng khuyến cáo rằng cơm nên được làm nguội trong vòng một giờ sau khi nấu và ngay lập tức được cho vào tủ lạnh hoặc tủ đông. Ngoài ra, mọi người nên ăn trong vòng 24 giờ và không hâm nóng lại nhiều hơn một lần.
Khán giả xem video của bác sĩ Joe có phản ứng trái chiều. Nhiều người cho biết họ chưa bao giờ bị bệnh sau khi ăn mì hoặc cơm để ngoài quá hai giờ. Tuy nhiên, một số người lưu ý rằng quy tắc hai giờ không có nghĩa là chắc chắn sẽ bị ngộ độc hoặc tử vong, mà chỉ là thời điểm vi khuẩn bắt đầu sinh sôi, đồng nghĩa với việc nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ tăng lên theo thời gian nếu để thức ăn ở ngoài.
Phải làm gì nếu bị ngộ độc thực phẩm?
Ngộ độc thực phẩm thường không nghiêm trọng và sẽ tự khỏi trong vòng một tuần. Các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy có thể tự điều trị tại nhà, điều quan trọng là phải uống đủ nước để tránh mất nước.
Ngoài ra, bạn nên nghỉ ngơi nhiều và ăn uống khi có thể – nhưng tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc cay vì có thể làm bụng dạ khó chịu hơn. NHS cũng khuyên tránh nước trái cây hoặc nước có ga, vì chúng có thể làm tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện nếu có các dấu hiệu sau:
- Nôn ra máu hoặc chất nôn có màu như bã cà phê
- Nôn ra dịch màu xanh lá (người lớn)
- Nôn ra dịch màu vàng-xanh hoặc xanh lá (trẻ em)
- Có thể đã nuốt phải chất độc
- Cứng cổ và đau khi nhìn vào ánh sáng mạnh
- Đột ngột bị đau đầu dữ dội
- Đột ngột đau bụng dữ dội
- Da, môi hoặc lưỡi chuyển sang màu xanh, xám, nhợt nhạt hoặc loang lổ
- Gặp khó khăn nghiêm trọng khi thở, hoặc thở nhanh và ngắn liên tục
- Bị lú lẫn hoặc phản ứng không bình thường như thường lệ.
Theo Express