Mới đây, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa tiếp nhận và điều trị cho người bệnh D.V. N., 28 tuổi, ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bị dập vỡ nhãn cầu bên phải cùng nhiều vết thương nhỏ vùng mặt cổ và hai bàn tay bị dập nát do tự chế tạo pháo bị nổ.
Qua khai thác bệnh sử, buổi tối anh N nhồi khoảng 30 gram thuốc nổ vào ống nhựa rồi gắn kíp nổ. Trong quá trình gắn kíp thì quả pháo phát nổ dẫn tới các thương tích trên.
Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, người bệnh N được làm các xét nghiệm cần thiết. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã phối hợp thực hiện phẫu thuật liên khoa Mắt, Gây mê hồi sức và Chấn thương chỉnh hình. Với tổn thương nặng nề vùng mắt, ekip phẫu thuật buộc phải khoét bỏ nhãn cầu phải, lấy nhiều dị vật là các mảng nhựa tại các vết thương và cắt cụt ngón trỏ tay phải.
Tổn thương này khiến người bệnh sau hồi phục sẽ mất thị lực mắt phải vĩnh viễn, để lại nhiều thương tật ảnh hưởng đến vận động, lao động sản xuất và thẩm mỹ suốt đời.
Tai nạn thương tích do pháo nổ là câu chuyện không mới nhưng chưa cũ. Trong những năm gần đây, dịp trước và trong tết Nguyên đán, khoa Chấn thương chỉnh hình thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh bị thương do chế tạo và đốt pháo nổ.
Ghi nhận dịp giao thừa năm 2024, khoa đã tiếp nhận 12 trường hợp tai nạn do pháo. Đa phần nạn nhân trong độ tuổi trẻ, còn đang học tập và là lao động chính của gia đình. Thương tích do pháo rất phức tạp, điều trị khó khăn và tốn kém. Sau điều trị thường để lại nhiều di chứng nặng nề như: mù mắt, sẹo xấu, mất sức lao động...
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, qua sự việc đáng tiếc của người bệnh N, để có được những ngày xuân vui vẻ, sum vầy, người dân không nên tự ý chế tạo pháo nổ. Đặc biệt các cấp ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển, chế tạo và sử dụng trái phép pháo nổ, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.