Trọng Hoàng: "Động cơ vĩnh cửu" của U22 Việt Nam, chứng nhân duy nhất mang nỗi đau SEA Games 2009

HIẾU LƯƠNG (TỪ PHILIPPINES), Theo Trí Thức Trẻ 16:29 10/12/2019

Cách đây 10 năm, Nguyễn Trọng Hoàng được xem là tài năng trẻ sáng giá bậc nhất của Đông Nam Á trong thế hệ 1988 – 1989. Sau 10 năm, điều duy nhất khác biệt là đẳng cấp của anh được thừa nhận.

10 năm trước, Trọng Hoàng khi ấy 20 tuổi, lần đầu tiên được đá chung kết SEA Games 2019 nhưng ngay lập tức phải nếm trải nỗi đau của thất bại.

10 năm sau, Trọng Hoàng đặt chân vào trận chung kết SEA Games lần thứ hai trong đời cầu thủ nhưng lúc này anh đã tuổi 30. Anh không còn là một cầu thủ trẻ, Hoàng là anh cả trong tập thể 21 cầu thủ đặt chân đến Philippines vào cuối tháng 11 năm nay.

10 năm qua, vạn vật đổi dời, bóng đá Việt Nam thêm một lần vô địch AFF Cup nhưng SEA Games vẫn là niềm khắc khoải. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, hàng triệu người dân Việt Nam chờ đợi kết quả môn bóng đá nam tại SEA Games sẽ đổi khác. HCV là mục tiêu và chỉ còn cách đúng 1 trận đấu tại Rizal Memorial.

Trọng Hoàng: Động cơ vĩnh cửu của U22 Việt Nam, chứng nhân duy nhất mang nỗi đau SEA Games 2009 - Ảnh 1.

Ở tuổi 30, Trọng Hoàng vẫn cho thấy anh còn khoẻ hơn rất nhiều cầu thủ trong đội U22 Việt Nam hiện tại. Ảnh: Hiếu Lương.

Dưới áp lực của thành tích, trước mục tiêu bắt buộc giành HCV, HLV Park Hang-seo tận dụng tối đa quyền bổ sung hai cầu thủ trên 22 tuổi và Trọng Hoàng được chọn lựa. Sau 6 trận đấu đã qua tại SEA Games, người hâm mộ hiểu vì sao ông Park chọn Trọng Hoàng và Hùng Dũng. Họ được chứng kiến một Hoàng "bò" với nền tảng thể lực sung mãn khủng khiếp, sẵn sàng ra sân, thi đấu với sức lực ở phút 90 vẫn như thể phút đầu tiên của trận đấu.

Anh cùng Hùng Dũng thuộc nhóm cầu thủ khoẻ nhất, bền bỉ nhất và hồi phục thể trạng nhanh nhất trong đội. Dám chơi và chơi tốt tần suất 2 ngày 1 trận. Các đàn em thì ví von "anh Hoàng là cầu thủ trẻ mới 20 tuổi", "càng già càng khoẻ lên". Còn Trọng Hoàng thì chỉ nói một câu giản dị "thanh xuân trở về". Vậy là đủ mãn nguyện.

Tiền vệ sinh năm 1989 thi đấu với nguồn năng lượng của một "động cơ vĩnh cửu". Anh thi đấu với tinh thần của một chiến binh ở vị trí mình trấn giữ. Mặt sân cỏ nhân tạo khiến hai đầu gối rớm máu, chẳng nề hà, anh vẫn chạy, vẫn tranh chấp như thể thân xác chẳng có chút tổn thương. Tinh thần ấy là điển hình dưới thời HLV Park Hang-seo, con người ấy là điển hình cho cách nhìn người của thuyền trưởng U22 Việt Nam.

Hình ảnh Trọng Hoàng che đi vết thương ở đấu gối, không muốn mọi người quá chú ý thể hiện phần nào tính cách không ồn ào của cầu thủ người Nghệ An. Ảnh: Hiếu Lương - Tiến Tuấn.

Giữa những lời tung hô, anh chẳng bận tâm mấy. Trọng Hoàng chưa bao giờ ồn ào trên truyền thông, chưa bao giờ muốn mình là trung tâm của vũ trụ. Anh thừa hiểu xúc cảm tung hô của người hâm mộ có đến sẽ có đi. Như ở AFF Cup 2016, Trọng Hoàng trong mắt người hâm mộ chỉ là một cầu thủ cậy thể lực, không chơi bằng một cái đầu tỉnh táo và sáng tạo. Trọng Hoàng ngày ấy như một kẻ thất bại và kém cỏi để rồi giờ đây, anh lại trở thành người hùng lăn xả vì màu cờ sắc áo dân tộc.

HLV Park Hang-seo là người có công lớn khi biến một Trọng Hoàng đá tiền vệ cánh, tiền vệ trung tâm, tiền vệ tấn công thành hậu vệ cánh phải hay nhất Đông Nam Á kể từ AFF Cup 2018. Trọng Hoàng như thể lột xác, phát huy được hết điểm mạnh khi đã bước đến tuổi 30, tuổi mà nhiều cầu thủ Việt Nam tính đến chuyện giải nghệ.

Không Trọng Hoàng, không Hùng Dũng, U22 Việt Nam chưa chắc đã đi đến được trận chung kết SEA Games năm nay. Tầm ảnh hưởng của bộ đôi trên 22 tuổi với tập thể là điều không cần bàn cãi. Quan trọng thôi chưa đủ, họ có thể quyết định một phần lớn sức mạnh của U22 Việt Nam.

Tối nay (10/12), Trọng Hoàng sẽ đá thêm một trận chung kết SEA Games nữa trong đời. 10 năm trước anh cùng các bạn, các anh thua tức tưởi trước U23 Malaysia. Đó là bài học chỉ Trọng Hoàng thấu hiểu rõ nhất trong tập thể U22 Việt Nam hiện tại. Thấu hiểu để chia sẻ với các đàn em. Thấu hiểu để không lặp lại sai lầm và để hoàn thành giấc mơ vàng SEA Games còn dang dở với cá nhân, tập thể và dân tộc Việt Nam.

Nỗi buồn của người Việt tại SEA Games 2009 sau sai lầm của thủ môn Tấn Trường

200 CĐV hát Quốc ca trên chuyến bay tới Philippines, một lòng hướng về u22 Việt Nam trong trận chung kết Seagames 30.