Có một người phụ nữ trung niên, cuộc đời lận đận, đến tìm một vị đại sư để xin lời khuyên.
Chị ta hỏi: "Cả đời con hiếu thảo với cha mẹ, luôn nghe theo ý họ, cố gắng làm họ vui lòng. Vậy mà con thì sự nghiệp thất bại, hôn nhân đổ vỡ, giờ trắng tay. Tại sao cha mẹ con lại còn trách con vô dụng?".
Đại sư đáp: "Hiếu thảo là điều tốt, nhưng nếu con cứ cố gồng gánh những 'nhân quả' không thuộc về mình, thì con chỉ đang tự bào mòn năng lượng của chính mình thôi".
Một câu nói ngắn, mà như chạm thẳng vào tim.
Ảnh minh họa
Từ xưa đến nay, người ta vẫn nói "trăm điều thiện, hiếu đứng đầu". Cộng thêm mối ràng buộc máu mủ, nên giữa cha mẹ và con cái dường như là một khối vận mệnh không thể tách rời. Nhưng cái gì cũng cần có giới hạn. Nếu lòng hiếu thảo bị đẩy quá xa, nếu ta quá can thiệp hoặc gánh luôn những bài học cuộc đời của cha mẹ, thì sớm muộn gì cũng phải trả giá.
Người xưa có câu: "Muôn pháp đều hư, chỉ có nhân quả là thật", chính là vì vậy.
Trong một gia đình, dẫu bạn có yêu thương cha mẹ đến mấy, cũng đừng nên gánh lấy 3 loại "nhân quả" này.
1. Đừng cố gắng ép cha mẹ thay đổi
Một người kể: Mấy năm gần đây, cha mẹ tôi già đi trông thấy, bệnh tật cũng kéo đến, khiến tôi lo lắng. Vì thương cha mẹ, tôi càng muốn họ sống theo cách tôi cho là tốt: Tôi bảo mẹ đừng nấu quá nhiều, đừng ăn đồ thừa mấy ngày liền. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Mẹ nói: "Ba mày ăn khỏe, nấu ít sao đủ?" — dù ba tôi đang tiểu đường nặng.
Tôi bảo đừng tin mấy lớp "dạy dưỡng sinh" vớ vẩn, mua cả thùng "rượu thuốc" về. Nhưng mẹ lại bảo: "Người ta uống khỏi bệnh cả đấy con ạ!". Lần về quê, tôi phát hiện gia vị hết hạn, tiện tay vứt đi. Chưa kịp thở, ba tôi đã lục thùng rác nhặt lại. Tôi giận, cãi nhau to với hai ông bà. Cuối cùng, nhìn cha mẹ mặt đỏ bừng, tôi chùng lòng, đành chịu thua.
Nhiều lúc, tôi cũng từng trách họ sao mãi cố chấp, sao tôi cố gắng mà chẳng ai cảm ơn.
Nhưng rồi, trải qua vài chuyện, tôi mới hiểu ra điều gọi là "phân biệt bài học": Cha mẹ có cách sống của họ, được hình thành từ cả đời trải nghiệm. Nếu ta cứ lấy danh nghĩa "vì cha mẹ" mà cố thay đổi họ, chẳng khác gì can thiệp vào số phận của họ.
Dù là con ruột, ta cũng không thể ép người khác từ bỏ bài học mà họ cần tự mình trải qua.
Nếu cứ cố gắng, nhẹ thì vô ích, nặng thì tạo ra mệt mỏi, oán giận cả đôi bên.
Thật ra, ai trong chúng ta cũng là một cá thể riêng biệt. Chỉ khi ta biết giữ giới hạn, mới có thể cắt đứt những rối rắm nhân quả vô hình ấy.
2. Đừng để cả đời bị kỳ vọng của cha mẹ trói buộc
Có người nói: "Kỳ vọng là một chiếc cùm vô hình nhưng tàn nhẫn". Hiếu thảo thật sự là "dùng tình yêu để nuôi dưỡng", chứ không phải "lấy mạng mình để hiến dâng". Là con, ta không nên tự đeo cái xiềng "hiếu thảo ràng buộc" vì sợ phụ lòng cha mẹ.
Chuyên gia tâm lý Vũ Chí Hồng cũng nói: "Con cái chỉ nên gánh trọng lượng cuộc đời của chính mình, chứ không phải vác theo số phận của cha mẹ, ông bà". Chúng ta — những người làm con — hãy cùng tự nhắc mình như vậy.
3. Đừng gánh thù hận, ân oán đời trước
Trên phim hay có cảnh: Đời cha mẹ có oán thù, rồi đời con cũng bị liên lụy, yêu nhau không đến được với nhau. Đó chính là khi cha mẹ trói buộc "nhân quả" của họ vào đời con, gây ra những hậu quả không thể cứu vãn.
Thực tế, nhiều người trong chúng ta, dẫu chẳng ai bắt ép, cũng hay tự gánh ân oán của cha mẹ: vì thương, vì nể, vì cảm giác "mình phải thay họ gỡ gạc". Tâm lý học gọi đó là "truyền đời". Ân oán trong nhà, nếu không cắt, sẽ âm thầm ảnh hưởng con cháu. Nhưng, nếu ta cứ nhập vai, đứng về phe này, chống bên kia, thì chỉ khiến vết thương truyền mãi.
Một người kể: Tôi nhớ quê tôi có hai anh em ruột, từng vì chuyện đất cát mà cạch mặt. Vợ con hai bên cũng thành người dưng. Nhiều năm sau, con trai người em và ông bác vô tình ngồi cùng mâm, nói qua nói lại, thế là đánh nhau. Ông bác già yếu, không chịu nổi, qua đời. Thằng cháu cũng bị đi tù.
Nói ra, đúng là nợ cũ chưa xong, nợ mới lại sinh.
Con cái chúng ta cần học cách "một mắt mở, một mắt nhắm" trước ân oán đời trước. Chỉ khi ta dám buông bỏ chấp niệm, có lòng bao dung "nhường ba thước thì sao", mới chấm dứt được chuỗi nhân quả xấu ấy, để bi kịch không lặp lại trên chính đời mình.
Thật ra, làm con, hiếu thảo với cha mẹ là chuyện nên làm. Cha mẹ cũng mong con cái ngoan ngoãn, biết ơn, điều đó rất tự nhiên.
Nhưng, với con cái, điều tốt nhất ta có thể làm, là lấy tình yêu làm thuyền, đưa cha mẹ qua một quãng đường, chứ không phải lấy chính mình làm cầu, gánh trọn cả đời họ.
Chỉ khi ta đồng hành với cha mẹ bằng sự tôn trọng, vừa chấp nhận, vừa tự chữa lành, ta mới có thể thoát ra khỏi cái vòng lặp của số phận để cả hai thế hệ, đều sống nhẹ nhàng và trọn vẹn hơn.
Bởi lẽ, cảnh giới cao nhất của chữ "hiếu", chính là: "Mỗi người đều viên mãn", chứ không phải "mãi mãi quấn chặt không rời."
Bạn thấy có đúng không?