Cách đây nhiều năm, một vụ việc đau lòng tại Trung Quốc đã khiến netizen nước này, đặc biệt là những người đã làm cha làm mẹ không khỏi bàng hoàng. Một nam sinh cấp 3 tên Tiểu Lý (tên nhân vật đã được thay đổi), đã quyết định tự kết liễu đời mình ngay sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Ban đầu, dư luận chia thành hai phe: một bên xót thương, bên còn lại chỉ trích Tiểu Lý quá yếu đuối, chỉ vì một lần thi không tốt mà đã tìm đến cái chết. Nhưng khi bức di thư của Tiểu Lý được công bố, mọi người mới thực sự thấu hiểu nỗi đau mà cậu đã phải chịu đựng từ chính gia đình mình. Trong di thư, Tiểu Lý viết: "Sau khi em chết, chôn hoặc thiêu cũng được nhưng đừng mang xác về nhà. Em quá uất ức rồi".
Hình ảnh của nam sinh trước khi ra đi
Cuộc sống dưới cái bóng của cha mẹ
Tiểu Lý từng có một tuổi thơ hạnh phúc khi sống cùng ông bà, được yêu thương và luôn đạt thành tích học tập xuất sắc. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi cậu trở về sống với cha mẹ. Tiểu Lý phải đối mặt với phương pháp giáo dục khắc nghiệt, gần như quân phiệt. Cậu kể trong di thư rằng mình từng bị mắng mỏ chỉ vì được 98/100 điểm, hay bị đánh nếu làm việc nhà không đúng ý cha mẹ.
Cha mẹ Tiểu Lý đặt kỳ vọng cực cao vào cậu, đặc biệt trong học tập. Dù xếp thứ 75 toàn trường trong kỳ thi thử đại học - một thành tích không hề tệ nhưng Tiểu Lý vẫn bị trách mắng. Khi cậu đạt kết quả tốt hơn, cha mẹ không khen ngợi mà chỉ cảnh cáo: "Đừng kiêu ngạo, tự mãn". Những lời nói ấy khiến Tiểu Lý ngày càng mệt mỏi, chán ghét gia đình. Thậm chí, cậu từng cố tình thi trượt để phản kháng, nhưng áp lực vẫn không hề giảm.
Nỗi đau dẫn đến bi kịch
Tiểu Lý từng mơ ước được sống mãi mãi hoặc ít nhất là già đi thật chậm. Nhưng cuộc sống dưới sự kiểm soát ngột ngạt của cha mẹ khiến cậu dần trở nên lầm lì, trầm cảm. Cuối cùng, ở tuổi 18, Tiểu Lý đã chọn cách chấm dứt cuộc đời mình sau khi cảm thấy thất bại trong môn thi Toán.
Bi kịch của gia đình Tiểu Lý là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho nhiều phụ huynh (Ảnh minh họa)
Câu chuyện của Tiểu Lý không chỉ là một bi kịch cá nhân mà còn là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ. Nhiều người đang ép con cái sống theo kỳ vọng của mình mà không lắng nghe mong muốn hay cảm xúc của con. Kỳ vọng quá cao, nếu không được đặt ở mức khuyến khích và thực tế, có thể trở thành gánh nặng tâm lý, gây tổn thương sâu sắc cho trẻ.
Vụ việc của Tiểu Lý đã khiến nhiều người phải nhìn lại cách giáo dục con cái. Cha mẹ cần học cách thấu hiểu, tôn trọng ước mơ và sở thích của con. Thay vì áp đặt, hãy để con tự do khám phá, theo đuổi mục tiêu riêng. Một môi trường yêu thương và động viên sẽ giúp con phát triển lành mạnh, thành công và hạnh phúc trong tương lai.
Hãy để bi kịch của Tiểu Lý là lời nhắc nhở rằng: tình yêu thương và sự thấu hiểu mới là nền tảng cho một gia đình hạnh phúc, không phải những kỳ vọng nghiệt ngã.
Theo Sohu