Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo mới về quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh, đang lấy ý kiến rộng rãi từ nay đến ngày 5/7.
Trong đó, về kỷ luật, học sinh sẽ bị xem xét khi có hành vi vi phạm quy định của nhà trường hoặc pháp luật giáo dục, với mức độ được phân chia theo tính chất và hậu quả. Cụ thể, vi phạm mức 1 là những hành vi gây tác hại cho chính bản thân học sinh; mức 2 là những vi phạm ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm hoặc lớp; mức 3 là các hành động ảnh hưởng tiêu cực đến toàn trường.
Đáng chú ý, dự thảo quy định các biện pháp kỷ luật dành cho học sinh tiểu học ở hai hình thức: Nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi, đồng thời không ghi vào hồ sơ, học bạ của các em. Đối với học sinh cấp trên, có thêm các hình thức phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
So với quy định trước đây, điểm mới quan trọng là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ hình thức đình chỉ học đối với học sinh vi phạm kỷ luật.
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, việc bỏ đình chỉ học là hợp lý và nhân văn nhưng đồng thời cũng đặt ra bài Toán: Phải có các biện pháp thay thế đủ mạnh, đủ thiết thực và đủ thấu cảm.
Chuyên gia giáo dục Tô Thuỵ Diễm Quyên
Theo bà Quyên, bất kỳ học sinh nào cũng cần được giáo dục và không được từ chối quyền được học. Tước mất quyền học tập của học sinh, có thể đẩy tương lai đứa trẻ về hướng tiêu cực thêm. Bởi học sinh nghịch ngợm, cá biệt mà lại không cho đi học, thả ra ngoài, thì "càng lợi bất cập hại". Những đứa trẻ đó thường đã có hoàn cảnh đặc biệt, không được giáo dục đầy đủ. Giờ lại còn cắt nốt nguồn giáo dục từ nhà trường thì có thể khiến tình hình tệ hơn.
"Học sinh bị đuổi học quay trở lại chưa chắc đã biết lỗi, thậm chí đa phần các em còn ngông ngênh hơn, kiểu bị quê, mất mặt càng tỏ ra tự tôn hơn để che đậy sự tự ti vì bị đuổi học. Vậy thì việc đuổi học có tác dụng gì?", bà Quyên nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Dĩ nhiên, không đình chỉ học thì cũng phải có các cách thức khác để sát sao và triệt để với các học sinh này hơn, chứ không có nghĩa là cứ thế tiếp tục như thường".
Học sinh có quyền tham gia vào mọi hoạt động giáo dục và giảng dạy, nhưng trong khi được hưởng các quyền lợi đó, các em cũng phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình, chẳng hạn như tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và nội quy của trường khi ở trường.
Theo bà, điều quan trọng là phải bổ sung những hình thức kỷ luật thay thế, nghiêm khắc nhưng vẫn mang tính giáo dục.
Bà Quyên kể: "Có lần tập huấn cho các hiệu trưởng một tỉnh thành, tôi có hỏi: Theo các thầy cô, bảng nội quy ở trường có tác dụng gì? Nó chỉ có một tác dụng duy nhất, đó là CẤM. Cấm học sinh không được làm điều này, không được làm điều kia. Và như vậy, nó không có hiệu quả. Cũng giống như ở nhà, cha mẹ cấm con đủ thứ thì đứa tò mò nó sẽ làm điều cấm để xem điều gì xảy ra. Hoặc đứa trẻ khác sẽ bị "đè bẹp", kiểm soát, áp đặt nên không dám làm chứ không phải do nhận ra điều đó gây bất lợi không tốt.
Muốn giáo dục cho một người về sự khác nhau giữa điều sai và điều đúng - phải làm sao cho họ có thể nhìn thấy, có thể cảm nhận, thậm chí trải nghiệm những hệ quả liên đới xảy ra từ hành vi của mình. Hệ quả này, không phải là hình phạt".
Ví dụ: Một học sinh đánh bạn chấn thương, có thể đình chỉ học, có thể phạt roi đòn... Nhưng để làm gì nếu bản thân em không hiểu được những khó khăn, mất mát mình đã gây nên cho nạn nhân cùng gia đình họ?
Với học sinh tiểu học, bà Quyên từng áp dụng phần mềm quản lý hành vi: "Em nào xả rác thì bị trừ 1 điểm cá nhân và cả lớp, em nào nhặt rác thì được cộng. Các em sẽ tập trung vào nhặt rác, vì não người không được quy định để suy nghĩ theo thể phủ định. Tức là khi bảo học sinh "đừng làm điều này", trẻ sẽ dễ dàng không tập trung vào việc tránh hành động đó.
Với những học sinh lớn tuổi, có xu hướng nổi loạn, theo bà Quyên, điều quan trọng là thầy cô cần xây dựng được sự kết nối. Bà kể lại trường hợp từng gặp: "Lớp tôi chủ nhiệm từng có một em trốn học. Thay vì gọi ngay cho cha mẹ, tôi hỏi các em trong lớp xem ai biết bạn ấy đi đâu. Ban đầu, các em dè dặt, nhưng khi tôi hỏi 'các con có muốn bạn lên lớp không?' thì có em mở lòng và chỉ nơi bạn đang chơi".
Sau đó, bà trực tiếp tới gặp học sinh này, nhẹ nhàng khuyên em quay lại trường. Các bạn cùng lớp cũng được động viên để rủ bạn về lớp, cùng đi ăn, khuyên bạn đi học lại vì "lớp buồn hiu" khi thiếu một người.
Theo chuyên gia, đây là cách ứng dụng hiệu quả nguyên lý tâm lý học, dựa trên tháp nhu cầu Maslow. Khi nhu cầu được "thuộc về" một tập thể được đáp ứng, trẻ sẽ gắn bó hơn và giảm hành vi nổi loạn. "Nếu làm thầy cô, coi học sinh như con mình thì tất cả các em đều rất đáng yêu. Vì tất cả những đứa trẻ có những phản ứng bạo lực hay cá biệt đều có những tổn thương do người lớn tạo ra", bà chia sẻ.
Bà giải thích thêm, bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều khao khát sự kết nối, và khi thiếu đi sự kết nối này, chúng có thể trở nên nổi loạn, có hành vi gây sự chú ý. "Cần có người kết nối, đặt niềm tin", bà nói.
Thời điểm còn làm giáo viên chủ nhiệm tại một trường ở quận 1 (TP.HCM), khi được hỏi về thông tin 1, 2 học sinh "cá biệt", bà Tô Thuỵ Diễm Quyên nghĩ mãi mà không thể gọi tên bất kỳ học sinh nào.
Lúc đó, bà nhận ra rằng, trong mắt mình, không có em nào là cá biệt. Mỗi em đều có sự đáng yêu và dễ thương riêng. Khi mình thương học sinh và khiến học sinh thương thầy cô, các em sẽ không muốn làm thầy cô buồn, không dám hư hỏng, thiếu bài thiếu vở.
Hãy luôn động viên và chú ý đến những điều tốt, lợi thế hay sự thông minh của con, em mình. Nó sẽ tạo ra động lực rất lớn giúp trẻ phát triển vượt trội hơn so với bạn bè. Các nhà tâm lý học đã từng nghiên cứu và rút ra kết luận: "Bạn chỉ cần đối xử với một người theo cách mà bạn muốn người đó trở thành. Không lâu sau, người đó sẽ thật sự biến thành người mà bạn mong muốn".
Học sinh vi phạm kỉ luật là vì thiếu được dạy dỗ và yêu thương đúng cách. Các em có sự tổn thương. Nên biện pháp giáo dục là tăng cường chứ không phải đình chỉ học. Nhưng là tăng cường về mặt hỗ trợ tinh thần bằng cách trò chuyện và quan tâm nhiều hơn, các em ấy cần có người thấu hiểu và cảm thông. Mỗi một trường nên thành lập các ban chuyên trách hiểu rõ về tâm lý học sinh để hỗ trợ các em khi cần, chủ yếu là học sinh cá biệt.
Vậy nên, nói tới giáo dục học sinh thì việc làm sao cho các em "tự giáo dục" rất quan trọng. Làm sao cho các em nhận ra, hành vi nào là được đề cao, được công nhận, chỉ ra trẻ nên làm gì chứ không phải luôn ngăn cấm. Khi học sinh lỡ vi phạm thì phải có những người thầy tâm huyết, giỏi về tâm lý giáo dục để can thiệp.
Nói tới giáo dục học sinh thì việc làm sao cho các em "tự giáo dục" rất quan trọng (Ảnh minh hoạ)
Trong số các hình phạt thay thế, có thể cho học sinh vi phạm lao động công ích, tham gia hoạt động phục hồi (restorative justice), viết thư xin lỗi nạn nhân, tư vấn tâm lý bắt buộc, cho đến các buổi sinh hoạt để học sinh trình bày bài học mình rút ra từ lỗi vi phạm.
Chúng ta rất cần nghiên cứu những loại hình chế tài đa dạng dành cho đối tượng học sinh, để có thể áp dụng linh hoạt cho từng hành vi vi phạm cụ thể. Bởi nhiều em viết hàng chục bản kiểm điểm và thực sự không có cảm giác ăn năn gì khi viết dòng "em rất hối hận" cả.
Cuối cùng, chuyên gia Diễm Quyên nhấn mạnh: "Một người thầy giỏi không phải là người có nhiều bằng khen, mà là người có thể biến một đứa trẻ bình thường thành phi thường. Mỗi đứa trẻ đều có cơ hội phát triển thành một phiên bản tốt hơn nếu thầy cô có đủ kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm".
Thực tế, trong dự thảo nói trên, Bộ GD&ĐT cũng quy định một số hoạt động hỗ trợ để giúp học sinh khắc phục hành vi vi phạm như: Khuyên bảo, động viên để các em tự nhận thức được hành vi vi phạm và hướng khắc phục; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình khắc phục hành vi vi phạm; yêu cầu học sinh thực hiện một số hoạt động phù hợp để khắc phục…
Bộ GD&ĐT nêu mục đích giảm nhẹ hình thức kỷ luật đối với học sinh nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm và tự giác điều chỉnh, khắc phục hậu quả, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ đồng thời hình thành thói quen, lối sống kỷ luật.